Thẩm phán sẽ được hưởng quyền miễn trừ?

13/03/2023 06:06 GMT+7

TAND tối cao đề xuất thẩm phán được miễn trừ trách nhiệm khi ban hành bản án, quyết định theo đúng trình tự thủ tục nhưng có sai sót không phải do cố ý.

TAND tối cao đang chủ trì xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức TAND năm 2014. Trong đó, cơ quan này đưa ra nhiều đề xuất mang tính đột phá, bao gồm việc thẩm phán được miễn trừ trách nhiệm khi ban hành bản án, quyết định theo đúng trình tự thủ tục nhưng có sai sót không phải do lỗi cố ý. Với thực tế nền tư pháp VN hiện nay, đề xuất của TAND tối cao có hợp lý và khả thi?

Thẩm phán sẽ được hưởng quyền miễn trừ ? - Ảnh 1.

Đề xuất miễn trừ đối với thẩm phán đang nhận được nhiều ý kiến thảo luận

DANH LAM

Miễn trừ sẽ tăng tính độc lập ?

Ủng hộ đề xuất của TAND tối cao, GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, nhận định quyền miễn trừ sẽ giúp thẩm phán tăng tính độc lập trong xét xử và nhiều quốc gia đã áp dụng quy định này.

Theo ông Hạnh, cần phân biệt việc miễn trừ đối với chức danh tư pháp thẩm phán, tức là nhân danh nhà nước khi tuyên bản án, chứ không phải với tư cách cá nhân thẩm phán. Ví dụ, thẩm phán ra bản án sai nhưng quá trình xem xét, nghiên cứu hồ sơ đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục, không có yếu tố tư lợi hay tiêu cực, thì thẩm phán sẽ không phải chịu trách nhiệm về bản án đó. Nếu bản án gây thiệt hại, nhà nước sẽ có trách nhiệm khắc phục và bồi thường. Ngược lại, nếu bản án sai do thẩm phán tham nhũng, cố ý làm trái hoặc có động cơ tiêu cực thì đương nhiên sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Có ý kiến lo ngại nếu được hưởng quyền miễn trừ, một số thẩm phán có thể sẽ chủ quan, giảm tính thận trọng khi ra bản án hoặc quyết định. GS-TS Lê Hồng Hạnh cho rằng xét về mặt tuyệt đối, chưa thể khẳng định quyền miễn trừ có hay không dẫn tới tâm lý chủ quan của thẩm phán nhưng cần nhìn nhận đề xuất theo hướng tích cực rằng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là bất cập...

Chỉ miễn trừ nếu đủ 2 điều kiện

Đồng tình, GS-TS Đỗ Văn Đại, Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định đề xuất nào cũng có tính hai mặt, vấn đề là cân bằng và lựa chọn giải pháp mang lại sự tích cực nhiều hơn. Miễn trừ với thẩm phán có thể khiến thẩm phán chủ quan, giảm sự thận trọng nhưng mặt được, mà có lẽ nhiều hơn mặt trái, là tăng tính độc lập xét xử của tòa án nói chung và thẩm phán nói riêng. Khi thẩm phán độc lập, phán quyết chắc chắn sẽ chất lượng hơn bởi khi xét xử mà phải đối diện áp lực bị kiện cáo, bị xử lý nếu có hành vi vi phạm khi ra bản án, thẩm phán sẽ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý.

Theo ông Đại, miễn trừ là quyền rất lớn nên dự thảo của TAND tối cao đã có sự thận trọng nhất định khi đề xuất việc miễn trừ chỉ được áp dụng khi có đủ 2 yếu tố gồm "đúng trình tự, thủ tục theo quy định" và "sai sót không phải do lỗi cố ý". Cũng cần hiểu rằng miễn trừ trách nhiệm cho thẩm phán không có nghĩa là không thực hiện trách nhiệm đối với bản án hoặc quyết định bị sai mà trách nhiệm ấy thuộc về nhà nước. Ví dụ, thẩm phán tuyên án oan đối với một người nhưng do đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định và sai do lỗi vô ý thì được miễn trừ. Khi đó, nhà nước sẽ đứng ra bồi thường cho người bị oan. Còn trường hợp sai do cố ý hoặc sai trình tự, thủ tục theo quy định thì đương nhiên thẩm phán phải chịu trách nhiệm bồi hoàn và có thể bị xem xét xử lý.

Độc lập xét xử không nhất thiết phải miễn trừ

Ngược lại, thạc sĩ Võ Văn Tài, Phó khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, không đồng tình với đề xuất của TAND tối cao.

Tạo ra sự không bình đẳng ?

Cũng tại dự thảo, TAND tối cao đề xuất việc bắt giam, khởi tố, khám xét đối với thẩm phán chỉ được phép thực hiện khi có sự đồng ý của Hội đồng tư pháp quốc gia hoặc Chánh án TAND tối cao (tùy theo ngạch thẩm phán); nếu thẩm phán phạm tội quả tang thì ngay sau khi tạm giữ phải thông báo để Chánh án TAND tối cao xem xét, quyết định.

Thạc sĩ Võ Văn Tài, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, cho rằng đề xuất này xung đột với bộ luật Tố tụng hình sự bởi theo quy định, khi xác định có người phạm tội thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát có quyền (cũng là trách nhiệm) làm thủ tục khởi tố người đó để xử lý theo quy định pháp luật hình sự. Quy định này không phân biệt đối xử, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu quy định như đề xuất sẽ tạo ra sự không bình đẳng.

Cũng theo ông Tài, đề xuất khi thẩm phán phạm tội quả tang phải báo cáo Chánh án TAND tối cao để xem xét, quyết định cũng còn khá mơ hồ. "Xem xét, quyết định" ở đây nghĩa là gì? Nếu xem xét, quyết định có đồng ý cho xử lý hay không thì sẽ mâu thuẫn với quy định trong bộ luật Tố tụng hình sự như đã nêu, bởi đây là quyền của cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải cá nhân Chánh án TAND tối cao.

Theo ông Tài, pháp luật về dân sự quy định rõ khi hành vi hoặc việc làm của một người là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại thì người đó phải có trách nhiệm bồi thường. Chưa kể, luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước cũng quy định người tham gia tố tụng (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử) nếu làm sai và gây ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm; nếu cố ý làm sai có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự; nếu đã khách quan và sai vì trình độ, sơ suất, cán bộ thì bị xem xét kỷ luật. Ngoài ra, bộ luật Hình sự cũng quy định dù vô ý nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng của người khác, nếu định lượng thỏa mãn thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quá trình tham gia xét xử, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, đồng thời phải bảo đảm tính trách nhiệm, thận trọng, khách quan, toàn diện khi đánh giá vấn đề trước khi đưa ra phán quyết. Nếu thẩm phán không toàn diện, không làm hết trách nhiệm dẫn tới phán quyết bị sai, về nguyên tắc, họ phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi đối với mình. Điều này cũng có nghĩa việc độc lập xét xử có thể xây dựng bằng rất nhiều yếu tố chứ không chỉ phụ thuộc quyền miễn trừ. Và nếu đề xuất của TAND tối cao được thông qua, áp dụng thì rất nhiều luật, bộ luật liên quan sẽ phải sửa đổi cho phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.