Đề xuất tổ chức TAND theo mô hình mới, thêm ngạch thẩm phán dự bị

27/02/2023 06:30 GMT+7

Chiều 26.2, TAND tối cao khai mạc hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27/2022 của Ban Chấp hành T.Ư về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN VN trong giai đoạn mới.

Dự hội nghị có gần 800 chánh án tại TAND 4 cấp, các thẩm phán, thủ trưởng các đơn vị TAND tối cao. Hội nghị sẽ tiếp tục diễn ra trong hôm nay 27.2.

Phát biểu khai mạc, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết công tác cải cách tư pháp là nhiệm vụ lớn, tuy nhiên bên cạnh các kết quả, chất lượng xét xử của tòa án các cấp còn hạn chế, tổ chức hoạt động các cấp tòa vẫn cần nghiên cứu, hoàn thiện. Một trong những nội dung thảo luận là về dự thảo hồ sơ xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức TAND năm 2014.

Đề xuất tổ chức TAND theo mô hình mới, thêm ngạch thẩm phán dự bị - Ảnh 1.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị

THANH DANH

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó chánh án TAND tối cao, cho hay việc thi hành luật Tổ chức TAND năm 2014 đã có một số hạn chế, vì vậy dự thảo luật sửa đổi đề xuất tổ chức TAND theo mô hình mới, gồm: TAND tối cao (cơ bản giữ nguyên); TAND cấp cao (thành lập thêm các tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ và phá sản); tòa án phúc thẩm (đổi tên từ TAND tỉnh/thành phố trực thuộc T.Ư); tòa án sơ thẩm (đổi tên từ TAND quận/huyện/thị xã/thành phố); tòa án chuyên biệt (tổ chức theo địa hạt nhiều tỉnh/thành phố, gồm TAND sở hữu trí tuệ, TAND hành chính và TAND phá sản, có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm các vụ việc theo lĩnh vực đặc thù) và tòa án quân sự (bổ sung nhiệm vụ xét xử các vụ án hành chính trong quân đội).

Dự thảo cũng đề xuất 3 ngạch gồm thẩm phán TAND tối cao, thẩm phán và thẩm phán dự bị; thay vì 4 ngạch như quy định hiện nay gồm thẩm phán TAND tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp. Trong số này, thẩm phán TAND tối cao sẽ có 2 bậc, thẩm phán có 8 bậc. Riêng thẩm phán dự bị được bổ nhiệm để tập làm các công việc của thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, không được chủ tọa phiên tòa hoặc phiên họp giải quyết vụ việc.

Một nội dung nữa được đề cập để đưa vào thảo luận, đó là nên giữ hay bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của tòa án; có quan điểm cho rằng nếu tòa án có quyền khởi tố vụ án như quy định hiện nay sẽ dẫn tới không khách quan, bởi tòa án là cơ quan xét xử, có vai trò trọng tài, nếu ra quyết định khởi tố thì khi xét xử sẽ lý giải sự việc theo hướng mà mình đã quyết định khởi tố…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.