'Thả' giá bán lẻ xăng dầu được không?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
26/04/2023 06:16 GMT+7

Bán lẻ xăng dầu có thể lấy hàng từ nhiều nguồn, rút ngắn thời gian điều hành giá, quy định cụ thể về dự trữ bắt buộc, thay đổi công thức tính giá… là những điểm mới trong dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu. Thế nhưng những thay đổi này vẫn không làm vừa lòng các bên.

Chiết khấu tăng, bán lẻ vẫn kêu trời

Trong dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu mới nhất, Bộ Công thương đã đưa một số nội dung sửa đổi. Trong đó, chi tiết doanh nghiệp (DN) bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn thay vì chỉ 1 nguồn, là "thành công" của cộng đồng DN bán lẻ. Trước đó, trong các bản góp ý, kiến nghị sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, các DN bán lẻ đều đề xuất cho phía bán lẻ lấy hàng từ 2 - 3 nguồn thay vì chỉ 1 nguồn như hiện nay. Cùng với đó, các DN, cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng được yêu cầu thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế...

'Thả' giá bán lẻ xăng dầu được không ? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện vẫn chưa lấy được hàng từ nhiều nguồn

TN

Tuy nhiên, nhiều DN bán lẻ cho rằng nếu chỉ sửa đổi như vậy vẫn chưa xử lý được căn cơ của thị trường. Vấn đề thị trường là sự bất bình đẳng trong chi phí, đó là có sự "chiếm dụng" chi phí kinh doanh của bán lẻ từ các khâu đầu mối, phân phối. Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Chiến Thắng, nói thẳng: "Chi phí và hao hụt trong kinh doanh xăng dầu chưa được tính trong giá bán lẻ. Chiết khấu bán lẻ xăng dầu đang đi theo thị trường, tăng mạnh khi chuẩn bị điều chỉnh tăng và giảm mạnh khi giá giảm. Vấn đề là các khoản chi phí định mức, lợi nhuận định mức trong giá bán được nhà nước áp, đầu mối "giữ" hết, bán lẻ không có nên vấn đề khó khăn của DN bán lẻ còn dai dẳng cho dù có lấy được nguồn hàng nhiều hay không. Chúng tôi nghĩ thị trường cần sự sòng phẳng và công bằng trong phân chia chi phí chứ không phải lấy được bao nhiêu hàng. Bởi hiện tại xăng dầu không khan nhưng vẫn lấy theo định mức, theo số lô đã ký hợp đồng từ trước".

"Vậy tại sao khi chiết khấu tăng, DN bán lẻ lại không mua hàng nhiều hơn để hưởng chênh lệch bù lúc chiết khấu thấp?". Trả lời câu hỏi của PV, bà Sinh cho hay bán lẻ rất khó "trở tay" với việc điều chỉnh giá hiện nay, cho nên nếu ôm hàng thì dự báo lỗ nhiều hơn lãi. Ví dụ 1 ngày trước kỳ điều chỉnh giá gần nhất, Petrolimex tăng chiết khấu lên 700 đồng/lít cho đại lý. Hàng chở từ cảng Hải Phòng lên Hà Nội, rồi từ Hà Nội chở lên Yên Bái mất cả ngày trời. Đến nơi, giá cũng được điều chỉnh giảm 610 đồng/lít, như vậy lô hàng có chiết khấu cao 700 đồng đó, cửa hàng bán theo giá mới chỉ còn lãi 90 đồng/lít, không phải 700 đồng. Cùng với đó, chiết khấu cho đại lý từ 700 đồng giảm xuống 600 đồng/lít sau điều chỉnh giá giảm. Như vậy, lấy hàng tiếp ngày sau thì bán lẻ đã lỗ ít nhất 110 đồng/lít. "Ôm hàng cũng chết, không ôm hàng cũng chết vì giá phải theo giá điều chỉnh của thị trường. Vấn đề là chi phí bán hàng phải được phân chia đều cho các khâu thì bán lẻ mới không thiệt thòi, chứ không phải chuyện lỗ lãi", bà Sinh nhấn mạnh.

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, bổ sung: DN bán lẻ xăng dầu có 2 nguồn là chiết khấu và khoản chênh lệch khi giá tăng. Thế nhưng khoản chênh lệch giá từ hơn 1 năm qua DN bán lẻ không có, vì khi chuẩn bị tăng giá, các công ty đầu mối giữ hàng lại, hạn chế bán ra bằng mọi cách. Ngoài ra, chiết khấu lại giảm thấp, ngày tăng chiết khấu rất ngắn, hàng bán chưa hết, nên không lấy kịp. Hơn nữa, giá biến động nhiều nên nguồn hàng trong bồn khó dồi dào như trước nên khi thể tích trong bồn trống lớn, hao hụt tăng rất nhanh. Trong kinh doanh xăng dầu, phí hao hụt bồn bể khi bồn trống là lớn nhất trong mọi chi phí nhưng chưa ai tính cho bán lẻ cả.

Nhà nước không nên quản lý giá

Một lãnh đạo thương nhân phân phối tại TP.HCM phân tích, nếu giá cơ sở đã tính đúng, tính đủ cho đầu mối thì khi nhập về, chuyện lỗ lãi đầu mối không được kêu ca. Còn lại, giá bán lẻ sẽ phải phụ thuộc vào thị trường. Lẽ tất nhiên khi lượng hàng nhiều phải chiết khấu tốt, không ai có thể bắt tay nhau để điều tiết giá được. "Còn các đơn vị bán lẻ kêu về giá là không đúng hoàn toàn. Ví dụ như mấy hôm chiết khấu lên 2.000 đồng/lít, bán lẻ có thể tăng mua vào để bán nhưng họ không dám. Khi giá chuẩn bị giảm, cả thị trường cùng xả hàng, bán lẻ cũng chỉ nhập hàng cầm chừng do không lường trước diễn biến thị trường, tiêu thụ chậm và trong giới hạn tài chính cho phép. Cái này lỗi một phần do chính bản thân họ", vị này nói.


"Nhà quản lý đưa ra giá trần để DN cạnh tranh, nhưng không ai cạnh tranh về giá mà lấy giá trần làm chuẩn là sai. Công thức xác định giá vẫn đứng về phía DN đầu mối, chưa tính đến quyền của bên phân phối, chưa căn cứ vào tính chất hàng hóa là xăng dầu".

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

Theo chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, các cơ quan soạn thảo chính sách nên đặt mình vào vị trí người tiêu dùng, khâu bán lẻ để làm chính sách sát sườn hơn. Đừng tiếp tục sửa đổi nghị định theo tư duy bao cấp, nên đưa ra mức giá sàn, còn giá bán lẻ hãy để thị trường quyết định, người bán lẻ định giá bán của họ sau khi đã cộng các chi phí vận hành. "Chính Thủ tướng Chính phủ mới đây đã nói quản lý thị trường xăng dầu theo lối hành chính là không ổn. Giá không nên được điều hành theo kiểu cộng thêm mấy trăm đồng lợi nhuận định mức rất vô lý. Bỏ phần lợi nhuận định mức đi, giữa bán buôn và bán lẻ thỏa thuận giá như các nước đã và đang làm. DN bán lẻ tự chịu trách nhiệm với giá và báo cáo thuế lên hệ thống minh bạch. Chính phủ hoàn toàn có thể điều hành giá xăng dầu thông qua thuế, phí; chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả; thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng… chứ không nên can thiệp vào giá nữa. Bình ổn xăng dầu bằng tiền của người tiêu dùng thì hãy lấy tiền đó mua dự trữ hàng, khi giá thế giới biến động tăng, nhà nước có thể bán ra can thiệp...", ông Phú nói thẳng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận xét dự thảo sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu có sửa đổi, thêm bớt vài chi tiết nhưng vẫn nặng tính can thiệp của nhà nước vào giá, chưa giải được bài toán xung đột lợi ích lâu nay. Kinh doanh xăng dầu cần cuộc kiến thiết để lập một thị trường đúng nghĩa và không để xảy ra tình trạng đối đầu; chứ không phải là sửa đi sửa lại từng chút một nghị định thế này. Theo đó, việc lập một thị trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh, bình đẳng và minh bạch thì không cần quỹ bình ổn giá, không cần lợi nhuận định mức hay những điều tương tự. "Vấn đề hiện nay là giá chứ không phải chiết khấu, nhưng chúng ta đang có sự lầm tưởng giữa giá và chiết khấu. Trong thực tế, các quy định tại nghị định kinh doanh xăng dầu (dù dự thảo có nhiều sửa đổi) đang làm cho khái niệm kinh doanh tự do bị thu hẹp lại, điển hình như giá trần. Chính giá trần trong xăng dầu tạo vị thế độc quyền, khiến bên yếu thế bị ảnh hưởng. Giá trần lại giao cho đầu mối định giá thì rõ ràng thị trường khó ổn và làm gì có thị trường tự do ở đó", ông Ánh nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.