Tái định cư... không an cư: Mòn mỏi chờ thủy điện thôi 'đắp chiếu'

25/04/2023 06:36 GMT+7

Không kè ven sông, không nhà văn hóa, không trả tiền di dời chỗ ở… và còn nhiều "không" nữa đang tồn tại ở khu tái định cư bản Sa Lắng (xã Phú Xuân, H.Quan Hóa, Thanh Hóa) sau khi người dân nhường đất cho dự án nhà máy thủy điện Hồi Xuân.

Khu tái định cư "nhiều không"

Đầu năm 2010, dự án nhà máy thủy điện Hồi Xuân khởi công, xây dựng trên sông Mã (thuộc địa phận TT.Hồi Xuân, H.Quan Hóa). Song hành với việc xây dựng nhà máy, chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân VNECO (thuộc Tổng công ty CP xây dựng điện VN) phải hoàn trả nhiều công trình, hạng mục và làm khu tái định cư cho người dân vùng bị ảnh hưởng của dự án.

Sau nhiều lần hối thúc của các cấp chính quyền, năm 2018, Công ty CP đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân VNECO mới chịu san lấp mặt bằng, làm đường điện khu tái định cư cho 52 hộ dân bản Sa Lắng (xã Phú Xuân, H.Quan Hóa). Đây là những hộ thuộc vùng ngập lòng hồ thủy điện phải di dời để nhường đất cho dự án.

Tái định cư...không an cư: Mòn mỏi chờ thủy điện thôi 'đắp chiếu' - Ảnh 1.

Thủy điện Hồi Xuân dở dang nhiều năm qua

MINH HẢI

Đến nay, dù các hộ đã di chuyển đến nơi ở mới nhiều năm, nhưng khu tái định cư Sa Lắng vẫn còn nhiều hạng mục, công trình mà chủ đầu tư chưa chịu xây dựng, hoàn trả cho người dân. "Ngày trước, công ty nói khi di dời đến nơi ở mới sẽ hỗ trợ gạo, ăn uống trong mấy tháng để bà con ổn định chỗ ở, nhưng gia đình tôi đã chuyển đến đây ở năm nay là năm thứ 6 rồi mà không thấy họ hỗ trợ gì. Toàn bộ chi phí dỡ nhà cũ, dựng nhà mới gia đình tự bỏ ra thôi, không ai hỗ trợ gì. Đất ở thì đến nay chưa được cấp sổ đỏ, muốn chia cho các con, muốn vay mượn ngân hàng cũng không được nữa", ông Phạm Bá Tuyển (50 tuổi, ngụ bản Sa Lắng) cho hay.

Còn ông Phạm Bá Thống (58 tuổi) thì cho biết khu tái định cư Sa Lắng còn nhiều cái "không", khiến cuộc sống, sinh hoạt người dân bị ảnh hưởng. "Kè dọc bờ sông Mã để bảo vệ an toàn khu tái định cư; nhà văn hóa, sân bóng, rãnh thoát nước cho đến nay bên nhà máy thủy điện họ đã làm đâu. Ban đầu bà con yêu cầu họ xây kè xong để đảm bảo an toàn thì bà con mới lên khu tái định cư ở, nhưng sau đó chính quyền vận động nhiều, bà con nghe theo rồi lên ở, nhưng rồi 6 năm nay họ cũng không chịu làm. Còn khoản tiền nhà máy thủy điện hứa và cam kết hỗ trợ mỗi hộ 60 triệu đồng khi di dời sang nơi ở mới, đến nay cũng đã có đâu. Dân đều tự bỏ tiền di dời, xây dựng lại nhà để ở", ông Thống nói.

Tái định cư...không an cư: Mòn mỏi chờ thủy điện thôi 'đắp chiếu' - Ảnh 2.

Khu tái định cư bản Sa Lắng còn nhiều “không” sau khi người dân nhường đất cho thủy điện

Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng bản Sa Lắng: "Nhiều năm qua bản không có nhà văn hóa, mỗi lần họp là phải mượn nhà dân để họp, bất tiện lắm. Dân bản cũng nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền rồi, thậm chí gửi cả kiến nghị đến UBND tỉnh Thanh Hóa, nhưng đến nay cũng không được đầu tư các công trình, hạng mục cho đầy đủ. Bức thiết nhất hiện nay là kè dọc bờ sông để bảo vệ an toàn cho khu tái định cư, và cấp sổ đỏ cho dân. Đất đã ở nhiều năm, dân đã nhường đất cho thủy điện, mà đến nay chưa được cấp sổ đỏ".

Thủy điện nợ hàng loạt công trình, chưa biết khi nào mới chịu trả

Theo bà Phạm Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, Công ty CP đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân VNECO không chỉ chưa hoàn trả tiền hỗ trợ di dời nhà ở, xây dựng kè, nhà văn hóa, sân bóng cho người dân khu tái định cư Sa Lắng mà còn chưa giải quyết xong việc đền bù, hỗ trợ cho hơn 30 hộ dân khác. Ngoài ra, cũng chưa hoàn trả công trình trạm y tế, trường mầm non, trụ sở UBND xã, và cầu bắc qua sông Mã.

"Bà con có nhiều ý kiến, kiến nghị là đúng. Ngay cả chính quyền địa phương chúng tôi cũng kiến nghị với cấp trên, với chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Hồi Xuân, nhưng họ khó khăn nên đến nay vẫn chưa hoàn trả các công trình cho địa phương. Bây giờ công ty ở đây không có ai. Mới đây, anh Hưng (ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa - PV) cũng đã về, rồi chủ tịch, bí thư huyện cũng thường xuyên về nghe ý kiến bà con để kiến nghị với T.Ư. Có những cái vượt quá tầm tay của xã, của huyện, thậm chí của tỉnh", bà Tuyết cho hay.

Tái định cư...không an cư: Mòn mỏi chờ thủy điện thôi 'đắp chiếu' - Ảnh 3.

Thủy điện thất hứa khiến cuộc sống của người dân khu tái định cư Sa Lắng gặp nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND H.Quan Hóa, cho biết vừa qua H.Quan Hóa đã tiến hành rà soát lại tất cả các hạng mục, công trình liên quan đến thực hiện dự án nhà máy thủy điện Hồi Xuân phải hoàn trả, để báo cáo cấp trên. Ông Dũng cũng thừa nhận thực trạng thủy điện Hồi Xuân nợ các công trình, huyện đã đề xuất rất nhiều lần, nhưng đều phải chờ vì chủ đầu tư chưa tiếp tục xây dựng.

Về việc chưa cấp sổ đỏ cho người dân khu tái định cư Sa Lắng, ông Dũng cho biết nguyên nhân do chưa hoàn thành các thủ tục về hỗ trợ, chênh lệch giá đền bù nơi đi nơi đến… nên chưa hoàn thiện được hồ sơ để cấp đất.

Hồi tháng 2 vừa qua, sau khi kiểm tra tình hình đầu tư nhà máy thủy điện Hồi Xuân, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, cho rằng việc đầu tư dở dang, kéo dài nhiều năm, nợ nhiều công trình chưa hoàn trả cho chính quyền và người dân đã "ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của H.Quan Hóa, của tỉnh Thanh Hóa, và đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân vùng dự án". Ông Hưng yêu cầu Công ty CP đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân VNECO sớm thu xếp vốn tiếp tục triển khai dự án, phối hợp các cấp, các ngành nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết các kiến nghị, phản ánh chính đáng của nhân dân.

Khi mà chính quyền nhiều năm yêu cầu, kiến nghị hoàn trả các công trình, dự án như cam kết, còn chủ đầu tư thì vẫn chìm trong khó khăn về tài chính, vướng mắc về giải phóng mặt bằng hoặc nhiều lý do khác; thì những hệ lụy của dự án thủy điện 3.300 tỉ đồng này đang khiến người dân ở huyện miền núi Quan Hóa chịu thiệt thòi chưa biết khi nào mới kết thúc. (còn tiếp)

Dự án thủy điện Hồi Xuân khởi công từ tháng 3.2010, trên tổng diện tích hơn 600 ha, tổng mức đầu tư 3.300 tỉ đồng. Nhà máy có công suất 102 MW, sản lượng điện hằng năm 432 triệu kWh. Tuy nhiên, khi đang triển khai dự án, do không đủ năng lực về tài chính, chủ đầu tư đã phải dừng thi công nhiều lần. Đến tháng 8.2018, nhà máy đã thi công được 93% khối lượng công trình và dừng thi công từ đó cho đến nay.

Đến tháng 4.2023, dự án nhà máy thủy điện Hồi Xuân chưa hoàn trả 10 công trình cho H.Quan Hóa, gồm: 3 trạm y tế; 6 điểm trường, và 1 trụ sở UBND xã, với tổng giá trị hơn 17 tỉ đồng. Ngoài ra, chưa xây dựng 2 cây cầu (cầu xã Phú Xuân và xã Phú Sơn) bắc qua sông Mã; 5 tuyến đường tránh ngập như cam kết ban đầu giữa chủ đầu tư dự án với chính quyền địa phương và người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.