Tái định cư... không an cư: Bỏ quên sinh kế của người dân?

21/04/2023 06:37 GMT+7

Sau khi đến khu tái định cư để nhường đất cho dự án thủy điện, nhiều hộ dân ở Kon Tum gặp rất nhiều khó khăn vì lâm vào cảnh thiếu nước, thiếu đất sản xuất...

Cuộc sống bấp bênh hơn

Khu tái định cư Xô Luông (xã Đắk Nên, H.Kon Plông) nằm chênh vênh giữa đỉnh đồi. Bên trong vắng hoe. Hàng chục ngôi nhà tốc mái, xuống cấp. Những căn nhà khang trang hơn lại đóng cửa im ỉm, cỏ dại mọc đầy. Đây là nơi ở của cư dân 2 làng Vương và Xô Luông sau khi nhường đất cho dự án thủy điện Đắk Đ'ring.

Là một trong những gia đình hiếm hoi còn ở khu tái định cư Xô Luông, nhà bà Y Grít (46 tuổi) luôn mong có người đến trò chuyện để xua đi không khí hiu quạnh. Trước đây, gia đình bà có 7 mảnh đất với tổng diện tích khoảng 2 - 3 ha tại làng Xô Luông cũ để trồng cau, keo mang lại thu nhập ổn định. Năm 2008, Công ty CP thủy điện Đắk Đ'ring khảo sát và xây dựng nhà máy thủy điện trên dòng suối Tả Mèo (xã Đắk Nên), 7 mảnh đất của bà Y Grít đều nằm trong diện phải thu hồi. "Công ty thủy điện nhiều lần làm việc với dân làng để thỏa thuận mức đền bù, hỗ trợ khi người dân nhường đất cho dự án. Họ hứa hẹn xây nhà tái định cư, hỗ trợ 1 ha đất sản xuất, 4 sào ruộng, hỗ trợ nghề nghiệp cho con em…", bà Grít nhớ lại.

Tái định cư...không an cư: Bỏ quên sinh kế của người dân? - Ảnh 1.

Một góc khu tái định cư Xô Luông có nhiều nhà bỏ hoang

ĐỨC NHẬT

Chủ đầu tư dự án thủy điện vẽ ra một tương lai tươi sáng, nên người dân làng Vương và làng Xô Luông gật đầu đồng ý nhường lại vườn tược, đất đai để đổi lại cuộc sống mới ở khu tái định cư cách làng cũ 10 km. Năm 2013, thủy điện hoàn thành và bắt đầu tích nước, hàng chục hộ dân được di dời đến khu tái định cư Xô Luông. Chuyển đến ở khu tái định cư mới chưa được bao lâu, những hộ dân này đã lâm vào cảnh thiếu thốn đủ bề. Nhiều người cảm thấy hối hận vì đã nhường đất cho thủy điện để đổi lấy cuộc sống mới đầy bất ổn.

Đã mấy mùa rẫy, ông A Hanh (50 tuổi, ở làng Xô Luông) quay về làng cũ sinh sống. Theo ông Hanh, tập quán của người Ca Dong là sống gần những con suối, bờ sông nơi có nguồn nước dồi dào. Thế nhưng công ty thủy điện lại xây dựng khu tái định cư trên một mỏm đồi quanh năm thiếu nước. Nơi ở không hợp với phong tục, tập quán, đất đai canh tác đã ít lại thường xuyên xảy ra tranh chấp khiến cuộc sống của người dân trở nên bấp bênh hơn.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Nên, năm 2013, 86 hộ dân người Ca Dong của xã phải di chuyển đến khu tái định cư Xô Luông. Tuy nhiên, tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt và canh tác, xung đột vì đất đai liên tục xảy ra nên nhiều hộ dân bỏ khu tái định cư về nơi ở cũ trên sườn dốc cao, dễ sạt lở, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an toàn.

Tái định cư...không an cư: Bỏ quên sinh kế của người dân? - Ảnh 2.

Số tiền hỗ trợ quá ít khiến người dân khu tái định cư thôn Pa Cheng không thể xây nhà hoàn chỉnh

Lay lắt tái định cư

Khu tái định cư thôn Pa Cheng (xã Đắk Long, H.Đắk Hà) cũng đang bị người dân chối bỏ. Năm 2009, hàng trăm hộ dân tại TT.Đắk Hà và xã Đắk Mar (H.Đắk Hà) đã di dời để nhường đất cho lòng hồ thủy điện Plei Krông. Để người dân ổn định cuộc sống, tỉnh Kon Tum đã quy hoạch khu tái định cư tại thôn Pa Cheng với diện tích 690 ha. Dự án được giao cho UBND H.Đắk Hà làm chủ đầu tư với kinh phí xây dựng lên đến 149 tỉ đồng.

Dự án này thi công từ năm 2009, dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng với mục tiêu đảm bảo đời sống cho 679 nhân khẩu/126 hộ dân. Đến năm 2015, dự án không hoàn thành nên UBND tỉnh Kon Tum cho gia hạn đến hết năm 2018. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 70 hộ chuyển đến sinh sống tại khu tái định cư thôn Pa Cheng. Còn lại gần 60 hộ dân khác vẫn chưa thể đến ở.

Căn nhà của Y Tha (25 tuổi) nhỏ xíu, nằm giữa khu tái định cư thôn Pa Cheng. Y Tha kể năm 2009, vì phải nhường lại đất cho lòng hồ thủy điện Plei Krông, cả gia đình dắt díu nhau lên khu tái định cư thôn Pa Cheng sinh sống. Số tiền 28 triệu đồng được hỗ trợ chỉ đủ để gia đình Y Tha dựng căn nhà tạm bợ che nắng, che mưa. Bên cạnh đó, mỗi hộ cũng được hỗ trợ khoảng 0,5 ha đất với 500 cây cà phê để canh tác. Số cà phê này chủ yếu được trồng trên đất cằn, khó phát triển nên thu nhập đem lại chẳng bao nhiêu.

Không chỉ vậy, đến tháng 3 - 4 hằng năm, giếng đào ở khu tái định cư thôn Pa Cheng lại cạn nước. Người dân phải đi lấy nước cách làng khoảng 3 km về sử dụng. Để giúp người dân, chính quyền địa phương đã khoan 2 giếng nước nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu. "Cũng vì thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất canh tác nên nhiều gia đình khác từ chối chuyển lên khu tái định cư này", Y Tha nói.

Liên quan khu tái định cư thôn Pa Cheng, ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND H.Đắk Hà, cho biết huyện sẽ lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia, khoan thêm giếng nước để người dân ổn định cuộc sống. "Huyện đã xây dựng một khu vực bố trí đất canh tác cho bà con ở xã lân cận. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa đồng ý đến đó canh tác", ông Tiến nói.

Tái định cư...không an cư: Bỏ quên sinh kế của người dân? - Ảnh 3.

Bà Y Grít hối hận khi đến ở khu tái định cư Xô Luông

Không thể tách rời sản xuất nông nghiệp

Theo UBND tỉnh Kon Tum, trên địa bàn có 5 dự án thủy điện phải thực hiện di dân, tái định cư, gồm: Yaly, Plei Krông, Đắk Đ'ring, Thượng Kon Tum và Đắk Mi 1. Dù 5 dự án này đã hoàn thành công tác di dân, tái định cư nhưng vẫn còn một số tồn tại kéo dài cho đến nay. Trong đó, dự án thủy điện Đắk Đ'ring còn nợ hơn 33 tỉ đồng chi phí bồi thường, hỗ trợ tăng thêm cho người dân có đất bị thu hồi. Dự án thủy điện Plei Krông vẫn còn 82 hộ dân chưa nhận hết số tiền bồi thường, hỗ trợ với trị giá khoảng 1,3 tỉ đồng.

Ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh Kon Tum, cho rằng hiện có rất ít các dự án tái định cư, đặc biệt là tái định cư thủy điện, thành công trong việc phục hồi sinh kế, đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc phục hồi và bảo đảm sinh kế bền vững luôn là vấn đề còn nhiều tồn tại và bức xúc trong các dự án tái định cư. "Nói như vậy không có nghĩa là không thể tạo ra các khu tái định cư thủy điện ổn định. Điều quan trọng là phải khắc phục được các tồn tại, hạn chế, tìm các giải pháp để ổn định cuộc sống cho người dân", ông Long nói

Theo ông Long, vấn đề tồn tại, bất cập lớn nhất ở hầu hết các dự án tái định cư thủy điện là tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu rừng và đất rừng nên rất khó phục hồi sinh kế và ổn định cuộc sống cho đồng bào tái định cư là dân tộc thiểu số. Trong khi đó, sinh kế, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi không thể tách rời sản xuất nông nghiệp, không thể sinh sống thiếu rừng và đất rừng. (còn tiếp)

Cần đánh giá lại những tồn tại

Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết vấn đề tại 2 khu tái định cư thôn Pa Cheng và Xô Luông nhiều lần được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo trong các cuộc họp. Trong đó, các địa phương cần đánh giá lại những tồn tại, vướng mắc và phải chủ động các nguồn lực hỗ trợ cho người dân ổn định cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.