Kiểm tra tai điếc ở Singapore

13/06/2013 15:11 GMT+7

(TNO) Trước thực tế ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh về thính giác, ĐH Quốc gia Singapore đã lập một hệ thống kiểm tra thính lực miễn phí qua điện thoại.

(TNO) Trước thực tế ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh về thính giác, ĐH Quốc gia Singapore đã lập một hệ thống kiểm tra thính lực miễn phí qua điện thoại.

Hệ thống do Trường Y dược Yong Loo Lin thuộc ĐH Quốc gia Singapore (NUS) phát triển nhờ sự hỗ trợ của tập đoàn viễn thông SingTel.

Báo Straits Times cho biết, cho tới nay hệ thống này đã kiểm tra thử trên 577 người, và cho kết quả đúng đến 80%.

Các đường dây điện thoại nối đến số 6342 1188 của hệ thống hiện đã được mở để nhận cuộc gọi kiểm tra thính lực, và duy trì đến ngày 31.7.2013.

Sau đó, Trường Y dược Yong Loo Lin sẽ gọi lại cho những người đã từng gọi đến làm thử nghiệm để tìm hiểu về nguyên nhân ảnh hưởng thính lực cũng như đo lường thói quen dùng phương tiện trợ thính của họ.

Cũng có khả năng hệ thống này sẽ được duy trì vĩnh viễn như một công cụ giúp người dân có thể sơ kiểm thính lực của mình trước khi đi đến bác sĩ chuyên khoa.

Kiểm tra tai điếc ở Singapore
Khám thính giác ở Singapore - Ảnh: Straits Times

Ngày càng nhiều ở người trẻ

Bác sĩ tai mũi họng Ho Eu Chin ở Bệnh viện Tan Tock Seng (TTSH) cho Straits Times biết gần đây ngày càng nhiều người đến bệnh viện khám và tìm trợ giúp thính lực. Năm 2012, có 7.892 người từ 18 - 90 tuổi đến TTSH khám bệnh này, tăng 10% so với năm 2010.

Bệnh viện đa khoa Changi (CGH) cũng ghi nhận từ năm 2008 đến nay, số người đến khám bệnh về tai tăng khoảng 5% mỗi năm; trong khi Bệnh viện đa khoa Singapore (SGH) tiếp nhận con số tăng 13% trong vòng 5 năm qua.

Phần đông bệnh nhân đến khám tai là người già, thính lực suy giảm, và người làm việc trong môi trường có cường độ tiếng ồn cao.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của các bệnh viện, số người trẻ đến khám cũng tăng rõ rệt, dù không công bố con số cụ thể.

Theo bác sỹ Ho, một trong các nguyên nhân khiến người trẻ bị các vấn đề thính lực là những “thói quen xấu”, như nghe nhạc ầm ĩ bằng tai nghe cắm sát vào ống tai.

Một điều đáng quan ngại nữa là, theo các bệnh viện, nhiều người không chịu đi khám cho đến khi tình trạng điếc trầm trọng đến mức máy trợ thính không còn tác dụng.

Giáo sư Lynne Lim, người phụ trách hoạt động nghiên cứu qua hệ thống kiểm tra thính giác miễn phí của NUS, nói rằng bà hy vọng hệ thống này sẽ nâng cao ý thức về thính giác và thái độ của bệnh nhân trước “căn bệnh không thể đảo ngược” này.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Điếc vì tiếng ồn
>> Động vật vô địch về thính giác
>> Thiết bị hỗ trợ thính giác cực nhỏ
>> Nho đỏ chống mất thính giác

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.