Cần hành động ngay lập tức khi túi mật giở chứng

12/07/2016 19:31 GMT+7

Hầu hết mọi người không quan tâm nhiều đến túi mật cho đến khi nó bắt đầu gây rắc rối. Do vậy, khi túi mật giở chứng gây đau đớn, cần hành động ngay lập tức.

Túi mật có những rắc rối gì?
Theo Medicalnewstoday, túi mật là một cơ quan nhỏ nằm ngay dưới gan, có hình quả lê với chức năng lưu trữ dịch mật (được tạo ra từ gan) giúp hỗ trợ tiêu hóa chất béo. Bệnh túi mật xảy ra phổ biến ở phụ nữ, người bị béo phì, người có vấn đề về dạ dày, người có mỡ máu cao bởi nguyên nhân chính là do sỏi túi mật. Nhiều người bệnh chia sẻ họ ngỡ ngàng khi đi khám sức khỏe mới biết mình bị bệnh.
Các dạng bệnh thường gặp của túi mật gồm:
Sỏi túi mật. Sỏi túi mật nếu không gây ra triệu chứng thì ít khi nguy hiểm. Nhưng nếu sỏi làm cản trở hoặc tắc nghẽn dịch mật - thông thường sỏi túi mật sẽ chặn ngay tại cuống mật (dẫn từ túi mật với ống mật chủ) - có thể dẫn đến nhiều triệu chứng, biến chứng nghiêm trọng như viêm túi mật cấp tính, viêm đường mật…
Túi mật là một cơ quan nhỏ nằm ngay dưới gan, có hình quả lê - Ảnh: Shutterstock
 
Viêm túi mật. Viêm túi mật ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Viêm túi mật cấp tính là bệnh về tiêu hóa do túi mật bị viêm với các triệu chứng xảy ra đột ngột, dữ dội khiến người bệnh phải nhập viện cấp cứu. Viêm túi mật cấp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh cần phải cắt túi mật để hạn chế nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Rối loạn vận động túi mật. Tình trạng này chính là sự suy giảm chức năng túi mật mà không hề có sự xuất hiện của sỏi. Nguyên nhân có thể là viêm mạn tính, căng thẳng, các vấn đề về cơ trơn của túi mật hoặc cơ vòng Oddi quá chặt.

Ngoài ra, có nhiều nghiên cứu cho thấy suy giảm chức năng tuyến giáp cũng gây nên tình trạng rối loạn vận động mật. Thông thường, có 2 dạng rối loạn vận động túi mật hay gặp là: Giảm khả năng co bóp của túi mật (túi mật bị mất trương lực, tống đẩy mật khó khăn, gây ứ mật và làm túi mật bị giãn ra. Rối loạn này không gây đau đớn nhiều nhưng khiến bệnh nhân thường xuyên bị đầy trướng, khó tiêu); và các cơ trơn co lại khiến dịch mật trong túi mật không ra được và không xuống được tá tràng. Túi mật sẽ tăng co bóp làm tăng áp lực trong túi mật gây ra những cơn đau quặn.
Polyp túi mật. Polyp túi mật hay còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến mật, là một dạng tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Chúng thường vô hại và hiếm khi gây ung thư túi mật. Hầu hết các polyp là kết quả của sự tích tụ cholesterol. Đây là một bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc giữa nam và nữ.

Ung thư túi mật. Ung thư túi mật khó chẩn đoán vì thường không có dấu hiệu hay triệu chứng cảnh báo trước. Trong thực tế, ung thư túi mật chỉ được phát hiện tình cờ khi cắt túi mật do các nguyên nhân khác như sỏi mật. Còn nếu có triệu chứng tại thời điểm được chẩn đoán, ung thư túi mật đã ở giai đoạn nặng. Lúc này người bệnh có thể sẽ gặp những triệu chứng như: đau bụng đặc biệt ở phần trên bên phải của bụng, đầy hơi, ngứa ngáy, sốt, chán ăn, giảm cân, buồn nôn, vàng da.
Ung thư túi mật không phổ biến, nếu phát hiện sớm, loại bỏ túi mật và các mô bị ảnh hưởng trong ống dẫn mật là điều trị tiêu chuẩn; nhưng nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì cơ hội sống sót rất thấp.
Tiêu chảy kéo dài là một trong những triệu chứng của bệnh túi mật - Ảnh: Shutterstock

Các triệu chứng khi túi mật gặp trục trặc
Một vài triệu chứng sớm nhận biết bệnh túi mật bao gồm: ợ nóng, ợ chua, ợ hơi, cảm giác đầy bụng, táo bón hoặc khó tiêu và chúng có vẻ giống với tình trạng rối loạn tiêu hóa. Do đó, chúng có thể dễ dàng bị bỏ qua hoặc được chuẩn đoán không nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp biểu hiện của bệnh tương tự bị ngộ độc thực phẩm nhẹ như: nôn, buồn nôn kéo dài, liên tục mệt mỏi… Cơn đau của bệnh túi mật thường biểu hiện ở vùng hạ sườn phải rồi lan đến vai phải. Cơn đau có thể xảy ra nhanh, đột ngột hoặc kéo dài dai dẳng tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, và mức độ sẽ càng tệ hơn sau những bữa ăn có nhiều chất béo.
Bên cạnh đó, một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh túi mật là phân có màu sáng hoặc trắng phấn, nước tiểu đậm màu. Trường hợp nhẹ hơn, phân lỏng có thể là kết quả của sự thiếu dịch mật. Một số người bị tiêu chảy có thể kéo dài đến 3 tháng hoặc hơn.

tin liên quan

Những cơn đau bụng bất thường
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mức độ nghiêm trọng của cơn đau, vị trí của nó trong vùng bụng và các triệu chứng kèm theo có thể cung cấp manh mối về nguồn gốc của cơn đau.

Sốt, ớn lạnh, run rẩy là những triệu chứng thường xuất hiện khi túi mật bị viêm. Trong khi đó vàng da thường xuất hiện khi sỏi mật chặn các đường ống dẫn mật, gây tắc mật. Dịch mật sau đó sẽ bị rò rỉ và thẩm thấu vào máu khiến da và tròng mắt có màu vàng. Ngoài ra, khi túi mật gặp bất cứ vấn đề nào cũng có thể gây buồn nôn hoặc nôn.
Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng với các biểu hiện: đau hạ sườn bên phải không hết trong vòng 5 giờ, sốt, buồn nôn, hoặc nôn mửa, những thay đổi trong nhu động ruột và nước tiểu, cần đến gặp bác sĩ gấp.
Ngăn chặn các vấn đề túi mật
Các vấn đề về túi mật tuy không thể ngăn chặn được, nhưng vẫn có một số cách đơn giản có thể giúp giảm bớt những rủi ro của bệnh sỏi mật hoặc các nhiễm trùng khác, như: cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt giảm các thức ăn chứa nhiều cholesterol vì dư thừa cholesterol có thể gây hình thành sỏi mật. Cần kiểm soát cân nặng nhờ chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên; không áp dụng chế độ giảm cân quá khắt khe và nhanh chóng, bởi có bằng chứng cho thấy việc làm này có thể làm thay đổi đột ngột quá trình sinh lý mật, làm tăng nguy cơ sỏi mật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.