‘Sức khỏe’ các hãng hàng không Việt hiện ra sao?

Mai Hà
Mai Hà
11/07/2023 18:34 GMT+7

Dù thị trường hàng không nội địa đã khởi sắc, song hàng loạt yếu tố như thị trường quốc tế chậm phục hồi, các tác động từ bên ngoài khiến các hãng hàng không trong nước tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn.

Thông tin tại cuộc họp của Bộ GTVT chiều qua 10.7, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết tình hình chung của ngành hàng không đang rất khó khăn. Đặc biệt, một hãng hàng không khá lớn đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản.

‘Sức khỏe’ của các hãng hàng không Việt hiện ra sao? - Ảnh 1.

Thị trường hàng không được dự báo vẫn tiềm ẩn khó khăn

ĐỘC LẬP

Còn theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không nội địa vẫn tiếp tục tăng trưởng dự kiến tăng 7 - 10%, thị trường hàng không quốc tế vẫn tiếp tục phục hồi với tốc độ sẽ nhanh hơn so với đầu năm nay. Dự kiến thị trường vận tải hàng không năm 2023 sẽ đạt xấp xỉ 76,3 triệu khách.

“Mặc dù vậy, thị trường hàng không vẫn tiềm ẩn khó khăn liên quan đến sự tăng trưởng của thị trường nội địa cũng như sự phục hồi của thị trường quốc tế. Cụ thể, xu hướng thắt chặt chi tiêu của khách nội địa, sự cạnh tranh của các loại hình đường bộ với hàng loạt các tuyến cao tốc đưa vào khai thác, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, sự mất giá của đồng yen (Nhật Bản), chính sách khuyến khích khách du lịch nội địa của Trung Quốc khiến dòng khách của các quốc gia này đến Việt Nam giảm”, ông Thắng nói.

Vậy thực tế, sức khỏe của các hãng hàng không trong nước ra sao?

Vietnam Airlines - Số liệu 6 tháng đầu cho biết, Vietnam Airlines đã thực hiện 64.300 chuyến bay với tổng số 48.270 giờ bay. Vận chuyển ước 10,14 triệu khách, tăng 23,6% so cùng kỳ. Kết quả vận chuyển hàng hóa, bưu kiện ước đạt 103.287 tấn, giảm 9%.

Vietnam Airlines ước đạt doanh thu hợp nhất 2 quý đầu năm 45.255 tỉ đồng, tăng gần 49% so cùng kỳ năm 2022 và cao hơn so với kế hoạch là 1.000 tỉ đồng.

Trước đó, theo báo cáo tài chính quý 1/2023, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines tiếp tục phục hồi, doanh thu thuần hợp nhất đạt 23.494 tỉ đồng, cao gấp 2 lần cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận gộp thu về 1.959 tỉ đồng.

‘Sức khỏe’ của các hãng hàng không Việt hiện ra sao? - Ảnh 2.

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị đưa vào diện kiểm soát từ 12.7, song hãng bay này khẳng định không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác

T.N

Đáng chú ý, đây cũng là mức biên lợi nhuận gộp cao nhất kể từ quý 4/2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, hàng loạt chi phí gia tăng như chi phí bán hàng, quản lý, tài chính, khiến Vietnam Airlines vẫn lỗ sau thuế 37,3 tỉ đồng trong quý 1/2023 - là quý 13 thua lỗ liên tiếp từ năm 2020 đến nay.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 cho biết Vietnam Airlines báo lỗ năm thứ 3 liên tiếp với tổng số lỗ lũy kế lên tới 34.199 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỉ đồng.

Do chậm công bố báo cáo tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã đưa cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines chuyển sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 12.7. Hãng này cũng cho biết để sớm đưa cổ phiếu trở lại tình trạng giao dịch bình thường, hãng tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Hãng cũng đang phối hợp chặt chẽ với công ty kiểm toán để sớm hoàn thành và thực hiện công bố thông tin.

Để tháo gỡ khó khăn chung, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cũng đề nghị có các chính sách hỗ trợ ngành hàng không đến hết năm 2024 là thời điểm phục hồi của ngành.

Vietjet Air - Dù cùng chịu nhiều khó khăn chung, song báo cáo kiểm toán năm 2022 ghi nhận doanh thu hợp nhất của Vietjet đạt hơn 40.141 tỉ đồng, trong đó doanh thu vận tải hàng không đạt 33.077 tỉ đồng, lỗ sau thuế 2.261 tỉ đồng.

Còn theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023, doanh thu vận chuyển hàng không của Vietjet đạt 12.880 tỉ đồng, tăng 286% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỉ đồng, tăng 320%. Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 12.898 tỉ đồng và 173 tỉ đồng.

Đáng chú ý, hãng bay này dự kiến sẽ tăng đội tàu bay lên 87 chiếc, khai thác 139.513 chuyến bay, vận chuyển 25,7 triệu lượt hành khách trong năm 2023. Để tăng thêm thị phần quốc tế, Vietjet cũng mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới từ Việt Nam đến Ấn Độ, Kazashtan và Úc, khai thác những điểm đến mới tại những thị trường hãng đang khai thác hiệu quả như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…

‘Sức khỏe’ của các hãng hàng không Việt hiện ra sao? - Ảnh 3.

Bamboo Airways đang tái cấu trúc và "thay máu" ban lãnh đạo để hướng tới điểm hòa vốn vào năm 2024

BAMBOO

Bamboo Airways có một năm 2022 khó khăn. Báo cáo tài chính đã kiểm toán của Bamboo Airways cho biết, doanh thu thuần năm 2022 đạt 11.732 tỉ đồng, tăng 230% so với doanh thu thuần 3.557 tỉ đồng của năm 2021. Năm 2021, hãng lỗ 4.060 tỉ đồng; năm 2022 lỗ 3.209 tỉ đồng, tuy nhiên tỷ lệ lỗ trên tổng doanh thu đã giảm mạnh từ mức - 114% xuống - 27%.

Theo tân Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Minh Hải, hãng đã có nhiều động thái quyết liệt để giảm lỗ như trích lập dự phòng, kiểm soát chi phí, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, hướng đến điểm hòa vốn để tạo đà cho kế hoạch lợi nhuận trong năm tiếp theo.

Lỗ gộp tính đến hết 2022 của hãng là 17.619 tỉ đồng. Tuy nhiên, Bamboo Airways đã đồng thời vừa thực hiện việc trích lập khoản lỗ dự phòng và lỗ lũy kế, vừa phát hành tăng vốn cổ phần thông qua việc hoán đổi nợ thành cổ phần và tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Nhờ đó, giá trị vốn điều lệ tại thời điểm tháng 5 đạt 26.220 tỉ đồng, giảm tỷ lệ nợ vay, đưa hệ số nợ tài chính/vốn chủ giảm về mức 0,7 lần.

Dự kiến năm 2023 Bamboo Airways vẫn sẽ lỗ, tuy nhiên mức lỗ kỳ vọng sẽ giảm tương đối so với năm 2022. Hãng sẽ tập trung tìm kiếm các giải pháp để hướng tới mục tiêu hòa vốn và kinh doanh có lãi, như cấu trúc lại mạng đường bay, tập trung nguồn lực vào các đường bay tiềm năng, có khả năng củng cố hiệu quả; đồng thời, đẩy mạnh việc thành lập các công ty con nhằm cung ứng dịch vụ tốt hơn và cạnh tranh hơn trong giai đoạn tới.

Hàng không giảm giá để kích cầu du lịch

Vietravel Airlines - Tân binh của ngành hàng không cũng có một khởi đầu không mấy thuận lợi khi ra đời và hoạt động trong giai đoạn khó khăn nhất của hàng không bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây có lẽ là lý do Vietravel vẫn đang khá “cầm chừng” mà chưa bung sức như tăng nhanh đội máy bay hay mở rộng mạng bay như cách các hãng hàng không mới tham gia thị trường thường làm để chiếm lĩnh thị phần.

Công ty mẹ của Vietravel Airlines là Vietravel đã xin rút vốn, tách khỏi hãng bay này từ giữa năm 2021 để làm đẹp hơn báo cáo tài chính. Tính đến quý 4/2022, Vietravel đã tiếp tục giảm sở hữu tại Vietravel Airlines xuống chỉ còn 13,7%.

Không phải là công ty đại chúng, nên bức tranh tài chính của Vietravel Airlines chỉ được công bố với các cổ đông của hãng bay. Thông tin với Thanh Niên, đại diện Vietravel Airlines cho biết, dù hãng vẫn đang lỗ, song đây là mức lỗ trong kế hoạch và vẫn kiểm soát được. Hãng bay này cũng cố gắng tối ưu hóa chi phí và có mức lỗ thấp hơn so với kế hoạch đề ra.

Mục tiêu tới cuối năm 2023 có thể sẽ tăng quy mô đội máy bay từ 4 chiếc hiện nay lên 6 chiếc, thông qua việc thuê khô (thuê lại máy bay không bao gồm phi hành đoàn, kỹ thuật…), đồng thời trung thành với dòng máy bay nhỏ A320, A321 để tối ưu hóa chi phí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.