Khách đi máy bay tăng mạnh, hàng không thoát lỗ

06/05/2023 07:13 GMT+7

Gần 2 năm kể từ khi chính thức mở cửa bầu trời hậu Covid-19, lượng hành khách đi máy bay liên tục lập kỷ lục, giúp các hãng hàng không từ lỗ ngàn tỉ đã chuyển sang có lãi.

Báo cáo tài chính "đổi màu"

Số liệu mới nhất từ Cục Hàng không VN cho thấy trong 4 tháng đầu năm, các cảng hàng không trên cả nước đón tới gần 37 triệu lượt khách, tăng 55% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, phục vụ 9,7 triệu lượt khách trên các đường bay quốc tế, tăng 976% và 27,2 triệu lượt khách quốc nội, tăng 18%. Tính riêng tháng 4, các cảng hàng không của VN đã đón 9,17 triệu lượt khách, tăng 2% so tháng trước đó, gồm 2,65 triệu lượt khách quốc tế và hơn 6,5 triệu lượt khách nội địa. T

rong 5 ngày dịp lễ Giỗ tổ, 30.4 - 1.5 vừa qua (từ ngày 29.4 - 3.5), hai đầu cảng nhộn nhịp nhất cả nước là Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ghi nhận đón lượng khách kỷ lục - khoảng 1,2 triệu lượt. Trong đó, Cảng Nội Bài phục vụ gần 2.700 lượt chuyến bay và hơn 422.000 lượt hành khách, tương đương năm 2022 nhưng sản lượng chuyến bay quốc tế tăng 86% và hành khách quốc tế tăng 299%. Cảng Tân Sơn Nhất có khoảng 4.400 chuyến bay cất hạ cánh, lượng khách phục vụ khoảng 750.000 lượt. Số chuyến bay tăng 18% và lượng hành khách tăng 32% so cùng kỳ 2022, tăng nhẹ so với thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019).

Khách đi máy bay tăng mạnh, hàng không thoát lỗ - Ảnh 1.

Vận tải hành khách bằng đường hàng không đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch

T.LINH

Thực tế, kết quả tăng trưởng của vận tải hành khách bằng đường không không phải đột biến do kỳ nghỉ lễ mà đã tăng tịnh tiến và liên tục lập kỷ lục trong suốt một năm qua. Ngay từ tháng 4.2022, thị trường khách quốc nội đã đạt mức tương đương cùng kỳ năm 2019. Bùng nổ nhất phải kể đến cao điểm hè 2022, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không nội địa đã vượt cả giai đoạn du lịch tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch - năm 2019 như tháng 6.2022 tăng 40%, tháng 7 tăng 42%, tháng 8 tăng 40%. 

Không chỉ Tân Sơn Nhất, nhiều cảng hàng không đã khai thác vượt công suất công bố tại các nhà ga hành khách nội địa gồm Côn Đảo, Cát Bi, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh… Tổng kết cả năm 2022, thị trường vận tải hàng không đạt khoảng 55 triệu lượt khách, tăng 3,7 lần so với năm 2021 và bằng 69,6% so với năm 2019. Trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 43,2 triệu lượt khách, tăng 3,5 lần so với năm 2021 và tăng 15,6% so với năm 2019. Hai tháng đầu năm nay, các hãng hàng không VN cũng đã vận chuyển tới 9,8 triệu lượt khách, tăng gần 92% so với cùng kỳ năm 2022.

Lượng khách nhanh chóng phục hồi đã giúp báo cáo tài chính của một số hãng hàng không thoát khỏi màu xám nợ và lỗ kéo dài suốt 2 năm qua. Theo báo cáo tài chính mới công bố, doanh thu quý 1/2023 của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đạt 23.640 tỉ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ. Đây cũng là mức cao nhất từ đầu năm 2020 và tiệm cận mức trước dịch năm 2019. Sau khi trừ các chi phí, hãng bay này ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế 3 tháng đầu năm là 19,3 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 2.600 tỉ đồng. Với doanh thu, lợi nhuận đạt được trong quý 1, Vietnam Airlines đã ngắt mạch thua lỗ 12 quý liên tục từ khi Covid-19 xuất hiện. Công ty mẹ chỉ còn lỗ 137 tỉ đồng, lỗ hợp nhất còn 37 tỉ đồng, giảm lần lượt 98% và 99% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, doanh thu hợp nhất 3 tháng đầu năm của Vietjet Air cũng xấp xỉ 12.900 tỉ đồng - mức cao nhất 12 quý gần đây của hãng. Lĩnh vực chính là vận tải hàng không tăng gần 300% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ hoạt động kinh doanh phục hồi mạnh mẽ, lợi nhuận của Vietjet trong quý 1 đã dương trở lại với khoản lãi sau thuế từ hoạt động vận tải hàng không đạt 168 tỉ đồng, lãi hợp nhất sau thuế 173 tỉ đồng, gần bằng cùng kỳ 2022. Bamboo Airways chưa công bố kết quả chi tiết, song tại phiên họp cổ đông bất thường hồi đầu tháng 4, thông tin đưa ra cho biết hãng đã gần đạt điểm hòa vốn trong quý 1/2023. "Em út" của hàng không VN - Vietravel tuy chưa tới ngưỡng hòa vốn, nhưng số lỗ đã giảm khoảng 45%, kỳ vọng hết năm nay sẽ đạt ngưỡng hòa vốn.

Chờ khách quốc tế "hạ nhiệt" giá vé máy bay

Trong bối cảnh thị trường nội địa phục hồi mạnh mẽ nhưng thị trường quốc tế - chiếm tới khoảng 70% tỷ trọng doanh thu của các hãng hàng không trước đại dịch - vẫn còn khá èo uột, một phần yếu tố chính giúp các hãng hàng không nhanh chóng thoát lỗ là giá vé máy bay tăng mạnh. Bằng chứng là trong hơn 1 năm qua, vé máy bay nội địa đã thiết lập mặt bằng mới cao hơn rất nhiều giai đoạn trước dịch. Vé các chặng "hot" như TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đà Nẵng... "hở ra" là lên mức kịch trần. 

Trước đây, mỗi năm chỉ có Tết Nguyên đán là giá vé đồng loạt "lên đồng" còn bây giờ, một năm 4 mùa cao điểm du lịch là 4 mùa vé máy bay tăng cao như tết. Mùa thấp điểm cũng không còn vé giá rẻ mà chỉ giữ ở tầm trung. Chưa kể, khách hàng muốn mua vé rẻ cũng khó áp dụng công thức săn vé sớm bởi giá vé máy bay liên tục nhảy múa, đôi khi mua sớm giá cao mà hốt vé sát giờ lại được giá rẻ gần gấp đôi. Chỉ có thể xin nghỉ lễ trước vài ngày, nghỉ thêm vài ngày hoặc đổi hướng đi "lệch đầu", may ra mới có vé rẻ - những hành vi du lịch khó ai theo nổi.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong số 7,3 triệu lượt khách du lịch dịp lễ vừa qua, có hơn 300.000 lượt khách quốc tế, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 60%, đặc biệt với những ngày cao điểm đạt trên 70%. Một số khu vực đạt tỷ lệ lấp đầy 95 - 100%. Tổng thu từ khách du lịch trong dịp này ước đạt 24.000 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Giá vé máy bay tăng cao giúp các hãng hàng không thành công cứu trợ ngân quỹ nhưng du lịch lại "lãnh đủ". Nhiều "hub" du lịch "bể show" du lịch dịp lễ vừa qua chỉ vì vé máy bay. Điển hình như Phú Quốc, trong 5 ngày lễ chỉ đón hơn 112.000 lượt khách, giảm 11,5% so với cùng kỳ, doanh thu từ dịch vụ du lịch cũng giảm sâu hơn 24,3%, chỉ đạt hơn 132,5 tỉ đồng. Công suất phòng lưu trú bình quân đạt thấp so với năm 2022, chỉ hơn 52%; phân khúc cơ sở lưu trú hạng 4 - 5 sao đạt từ 65 - 70%. Thị trường khách du lịch từ các tỉnh thành khu vực phía bắc đến Phú Quốc giảm mạnh, được nhận định do giá vé bay tăng cao. Trong khi đó, các công ty du lịch ghi nhận tỷ lệ khách đổ đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng cao vì chi phí tour trong nước đắt đỏ.

Theo dự báo của Hiệp hội Hàng không thế giới, năm 2023, vận tải hàng không quốc tế sẽ quay về mức 80%, nội địa đạt tới mức 95% so với trước dịch với mức lãi nhỏ nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn chỉ ở mức thấp hơn 70% và tiếp tục lỗ 6,9 - 7 tỉ USD. Những con số này cho thấy VN sẽ tiếp tục nằm trong vùng trũng của sự phục hồi ngành hàng không. Hiện nay, tất cả hãng hàng không VN đã mở lại tất cả đường bay quốc tế, còn mở thêm 2 khu vực thị trường mới trong giai đoạn dịch bệnh là Ấn Độ và Mỹ. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế vẫn thấp nên hệ số sử dụng của các hãng trên các đường bay quốc tế chỉ đạt

60 - 64%. Các hãng hàng không kỳ vọng các chính sách visa, quảng bá, xúc tiến du lịch thời gian tới sẽ có đột phá để nhanh chóng phục hồi thị trường quốc tế, vừa giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không, vừa giúp điều tiết, hạ nhiệt thị trường giá vé máy bay trong nước. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.