Sự kiện văn hóa tuần qua: 'Facebook, YouTube chia sẻ nhiều nhất tin giả liên quan đến chính trị'

01/01/2023 07:00 GMT+7

Thông tin trên được ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - truyền hình - thông tin điện tử ( Bộ TT-TT ) cho biết tại lễ ra mắt “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”, do Bộ TT-TT tổ chức ngày 27.12.

Theo Bộ TT-TT, tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây thiệt hại về kinh tế... Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, phản cảm được người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng rãi gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - truyền hình - thông tin điện tử chia sẻ thông tin tại lễ công bố

LÊ SƠN

Ông Lê Quang Tự Do cho hay: “Hiện chưa có thống kê cụ thể tin giả, tin sai sự thật trên nền tảng nào nhiều nhất, nhưng qua quá trình quản lý chúng tôi thấy, Facebook là nền tảng chia sẻ nhiều tin giả liên quan đến chính trị nhất. Tung tin nói xấu chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo, xuyên tạc chính sách đường lối, quan điểm của đất nước… thì trên Facebook là chính, sau đó đến nền tảng YouTube. Còn nền tảng TikTok chủ yếu là tin giả, tin sai sự thật liên quan đến đời sống”.

Mặc dù Bộ TT-TT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, ngăn chặn xử lý tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng dần được hoàn thiện, nhưng tin giả trên không gian mạng vẫn xảy ra liên tục, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn.

Ông Do chia sẻ: “Mức xử phạt đối với hành vi tung tin giả ở Việt Nam hiện nay từ 10 - 15 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, so với Singapore, Việt Nam thấp hơn khoảng 10 lần, so với Malaysia và Thái Lan thấp hơn 4 lần. Cái khó là chúng ta không thể nâng mức xử phạt đối với hành vi tung tin giả lên mức quá cao bởi mức xử phạt này nằm trong nghị định xử phạt hành chính chung của các vấn đề xử phạt hành chính khác”.

Theo ông Do, Bộ TT-TT sẽ triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn xử lý hành vi này trên không gian mạng, trong đó phối hợp với Bộ VH-TT-DL xây dựng quy trình hạn chế hình ảnh người nổi tiếng, nghệ sĩ trên không gian mạng, trên sóng truyền hình, trên báo chí và trên các sân khấu biểu diễn. Với giải pháp đó sẽ giải quyết được các vấn đề cơ bản đang đặt ra.

Cưỡng chế các hộ kinh doanh tại di tích quốc gia Bạch Dinh

Năm 2020, Báo Thanh Niên có bài viết Đất di tích quốc gia Bạch Dinh bị sử dụng trái phép, phản ánh năm 2011, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ký hợp đồng cho 5 hộ dân thuê hàng ngàn mét vuông đất di tích quốc gia nhằm kinh doanh.

Để xây dựng quán cà phê, quán nhậu, các hộ kinh doanh phải “xẻ núi”, bê tông hóa đất di tích quốc gia. Ngày 9.11.2016, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành lập Tổ thanh lý hợp đồng, yêu cầu các hộ này phải giao trả mặt bằng trước ngày 20.11.2016. Do các hộ kinh doanh không thực hiện giao trả mặt bằng sau nhiều lần ra thông báo, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải gửi đơn đến TAND TP.Vũng Tàu để kiện đòi lại đất di tích.

Một quán nước chưa bàn giao mặt bằng cho Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

NGUYỄN LONG

Ngày 23.2.2022, TAND TP.Vũng Tàu đã tuyên án sơ thẩm, buộc các hộ dân phải trả lại mặt bằng cho Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và số tiền phát sinh trong quá trình kinh doanh sau khi đã hết thời hạn hợp đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm sau đó, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tuyên xử chấm dứt hợp đồng kinh tế năm 2011 giữa bảo tàng và 5 hộ dân. Các hộ dân phải có trách nhiệm tháo dỡ và di dời toàn bộ tài sản, công trình, vật kiến trúc, giao trả mặt bằng cho bảo tàng; đồng thời trả hơn 2 tỉ đồng là tiền bồi thường thiệt hại do chậm bàn giao mặt bằng cho Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ông Trần Anh Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết sau khi án có hiệu lực, ngày 18.12, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Vũng Tàu đã ra quyết định thi hành án theo yêu cầu, buộc các hộ kinh doanh tháo dỡ, di dời các tài sản, công trình, vật kiến trúc trên quán để bàn giao mặt bằng cho bảo tàng. Sau đó, có 2 hộ dân đã chấp hành bàn giao mặt bằng cho Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, còn 3 hộ khác vẫn kinh doanh quán nước.

Trong khi đó, ông Trần Văn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP.Vũng Tàu cho biết đến hết tháng 12.2022 các hộ dân còn lại phải bàn giao mặt bằng cho Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nếu không thi hành, Chi cục Thi hành án sẽ lên kế hoạch, huy động lực lượng công an để tổ chức cưỡng chế.

Sử gia Pierre Brocheux, 'cây đại thụ' từng nhận thưởng Quỹ Phan Chu Trinh mất tại Pháp

Sử gia Pierre Brocheux đã từ trần tại Paris (Pháp) vào ngày 25.12 (hưởng thọ 91 tuổi). Ông là "cây đại thụ" của ngành Việt Nam học từng nhận giải thưởng Quỹ Phan Chu Trinh.

Giáo sư Pierre Brocheux - người đồng tác giả cuốn sách nổi tiếng Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng giai đoạn 1858 - 1954 do Omega+ và NXB Thế giới vừa ấn hành tại Việt Nam. Ông sinh năm 1931, tại Chợ Lớn - Sài Gòn.

Cố Giáo sư Pierre Brocheux

OMEGA PLUS BOOKS

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Diệu: “Cha ông Pierre Brocheux là người Pháp đến lập nghiệp ở Đông Dương năm 1929, mẹ ông xuất thân trong một gia đình Việt nhập tịch Pháp. Pierre Brocheux sang Paris học tú tài, rồi theo học cử nhân và tiến sĩ ngành sử ở Đại học Sorbone, giảng dạy và nghiên cứu lịch sử Á Đông tại khoa sử, địa, khoa học xã hội thuộc Đại học Paris Diderot từ đầu những năm 1970. Năm 2018, Pierre Brocheux, cùng người bạn Daniel Hémery, được Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao giải Việt Nam học. Tôi có thực hiện bài phỏng vấn ông, mọi thứ đã xong nhưng còn nấn ná chờ một lá thư của ông".

Trong văn bản gởi tới Quỹ Phan Châu Trinh khi được trao giải Việt Nam học, Giáo sư Pierre Brocheux viết: "Quỹ Phan Châu Trinh đã đưa một vinh dự thật lớn lao khi trao cho tôi giải thưởng năm 2018 của Quỹ. Quỹ đã trao thưởng cho một công trình sử học viết và nói, khiêm nhường về mọi mặt nhưng chân thực. Vì sao tôi đã cống hiến 37 năm cuộc đời nhà giáo và nghiên cứu của tôi cho lịch sử của dân tộc Việt Nam và số phận của quốc gia Việt Nam? Cho phép tôi trong vài lời bày tỏ cùng quý vị hành trình cá nhân và nghề nghiệp của tôi. Tôi càng dễ nhạy cảm hơn trong nhận thức về các công trình chép sử của tôi khi nó bắt nguồn từ đất nước mà tôi gọi là đất mẹ trong khi Tổ quốc tôi là đất nước của cha tôi. Nhà Brocheux vốn thuộc một dòng họ vùng Normandie còn mẹ tôi lại thuộc dòng họ Trương mà cái nôi sinh thành là Phan Thiết và sau đó đã di cư về Vĩnh Long".

Sự ra đi của Giáo sư Pierre Brocheux, người đồng tác giả cuốn sách nổi tiếng Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng giai đoạn 1858 - 1954 có nhiều ý kiến cho rằng đây một ngày buồn cho giới Sử học Việt Nam (và cả giới sử học Pháp), cũng như những nhà nghiên cứu Sử học các nước.

Hội An khởi công tu bổ di tích chùa Cầu

Ngày 28.12, UBND TP.Hội An (Quảng Nam) tổ chức lễ khởi công dự án tu bổ di tích chùa Cầu (còn gọi là cầu Nhật Bản, Lai Viễn kiều), biểu tượng của Di sản văn hóa thế giới Hội An.

Dự án có tổng kinh phí 20,2 tỉ đồng, từ ngân sách của tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An, thời gian thi công 360 ngày do UBND TP.Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An quản lý. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng cử chuyên gia hỗ trợ tu bổ. Các hạng mục tu bổ gồm: gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, hệ khung gỗ, hệ mái; đồng thời, cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình. Bên cạnh đó, dự án cũng tiến hành số hóa di tích bằng công nghệ 3D phục vụ lưu trữ, tu bổ, hội thảo, lập hồ sơ khoa học, tôn tạo cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật.

Chùa Cầu là biểu tượng của Di sản văn hóa thế giới Hội An

C.X

Chùa Cầu là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có giá trị đặc biệt trên nhiều phương diện lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật… Theo phát biểu tại lễ khởi công trùng tu của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, di tích này là sự hội tụ, kết hợp hòa quyện các thành phần, các giá trị văn hóa nội sinh và ngoại nhập, phương Đông - phương Tây, tạo nên một chỉnh thể đa dạng trong thống nhất, trở thành biểu tượng của Hội An. Với tuổi đời gần 400 năm, tồn tại trong khu vực có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, di tích ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Trung tâm quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, trước khi tu bổ chùa Cầu, địa phương và ngành chức năng đã đánh giá hiện trạng kỹ thuật di tích kỹ lưỡng, được đặc biệt chú trọng từng chi tiết; tiến hành 2 đợt khoan địa chất để xác định kết cấu địa tầng, đánh giá khả năng gây lún móng và đo xung điện để đánh giá độ rung, tính ổn định của mố, trụ cầu…

Đường sách TP.Thủ Đức đi vào hoạt động, chào mừng ngày thống nhất đất nước 30.4

Kỷ niệm hai năm ngày thành lập TP.Thủ Đức (1.1.2021-1.1.2023), UBND TP.Thủ Đức tổ chức Lễ khởi công Đường sách TP.Thủ Đức. Đây là một hoạt động trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm quan trọng này.

Đường sách TP.Thủ Đức không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân thành phố mà còn xuất phát từ yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập của một thành phố trẻ, năng động.

TP.HCM có Đường sách Nguyễn Văn Bình, thu hút sự quan tâm của người dân, du khách trong và ngoài nước tạo nên một nét văn hóa độc đáo, giờ lại có thêm Đường sách TP.Thủ Đức.

Các đại biểu làm thủ tục khởi công Đường sách TP.Thủ Đức

QUỲNH TRÂN

Được biết, nhằm thực hiện tốt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TP.HCM, TP.Thủ Đức xây dựng một không gian lâu dài cho hoạt động phát triển văn hóa đọc, hình thành một thiết chế văn hóa ngoài trời, là không gian văn hóa và sinh hoạt công cộng của người dân TP.Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung.

Được sự thống nhất của Ban thường vụ Thành ủy Thủ Đức, sự phối hợp của Hội Xuất bản Việt Nam, Đường sách TP.Thủ Đức được thực hiện tại tuyến đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú trên cơ sở vận động các nguồn lực trong xã hội tham gia.

Đường Hồ Thị Tư, tọa lạc tại vị trí trung tâm thành phố Thủ Đức, có chiều dài khoảng 286 m, có hai nhánh đường lưu thông song song, đầu tuyến giáp với đường Lê Văn Việt, cuối tuyến giáp với đường Ngô Quyền. Nơi đây là nơi thường xuyên được tổ chức chợ hoa xuân, hội chợ thương mại, hội chợ triển lãm cấp TP.Thủ Đức và TP.HCM. Việc xây dựng Đường sách nơi đây sẽ góp thêm một điểm nhấn văn hóa trong nếp sinh hoạt của người dân thành phố, một điểm du lịch thú vị cho du khách khi ghé thăm TP.Thủ Đức.

Đường sách TP.Thủ Đức dự kiến được hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng đúng dịp chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.