Sự kiện văn hóa tuần qua: Hoa hậu H’Hen Niê cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hát 'Sứ mệnh thanh niên' chào mừng Đại hội Đoàn

11/12/2022 07:00 GMT+7

MV Sứ mệnh thanh niên (lời: Quản Văn Hải, âm nhạc: Quang Huy) là sản phẩm âm nhạc mà các văn nghệ sĩ, người nổi tiếng cùng Báo Thanh Niên đồng hành thực hiện, như món quà chào mừng Đại hội (ĐH) Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Sứ mệnh thanh niên là ca khúc đoạt giải nhất Cuộc vận động sáng tác ca khúc tuyên truyền ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XII và được Ban Bí thư T.Ư Đoàn lựa chọn là bài hát chính thức của ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Theo tác giả Quản Văn Hải (là một cán bộ Đoàn với hơn 10 năm công tác tại Bộ VH-TT-DL và vừa được bầu là Bí thư Đoàn Bộ VH-TT-DL nhiệm kỳ 2022 - 2027), bài hát nhằm cổ vũ, động viên, tiếp lửa để các bạn trẻ tham gia hoạt động Đoàn cũng như có được tinh thần và ý chí của “thanh niên VN cùng một lòng quyết tâm, xung kích sáng tạo vững bước tiên phong, tiếp bước cha anh truyền thống vinh quang, đưa sức mạnh VN vươn tầm thế giới…”. Nhạc sĩ Quang Huy (cũng là người hòa âm phối khí cho bài hát) cho biết: “Chúng tôi đã ngợi ca hình ảnh của những người đoàn viên, thanh niên bằng giai điệu vừa nhẹ nhàng, vừa trang nghiêm, kiêu hãnh, trong một không gian âm nhạc trẻ trung sôi động, với tinh thần khí thế tươi vui theo hơi thở của thời đại”.

Hoa hậu H’Hen Niê (trái) và Võ Hạ Trâm

NHẬT THỊNH

Trên tinh thần đó, MV Sứ mệnh thanh niên đã nhận được tình cảm cũng như sự tham gia hào hứng của các nghệ sĩ và người nổi tiếng trong và ngoài nước: Tùng Dương, Nguyễn Phi Hùng, Ninh Đức Hoàng Long, TG9X Thái Dương, Doãn Bách, Nhóm MTV; Hoa hậu H’Hen Niê, Phương Vy, Võ Hạ Trâm, Phí Linh, Thu Quỳnh, Hà Myo và Nhóm bè Cadillac; cùng 1.200 đoàn viên, thanh niên cả nước. MV âm nhạc sẽ được phát hành trên các kênh sóng của Đài truyền hình VN, các nền tảng số của T.Ư Đoàn và các cấp bộ đoàn.

MV Sứ mệnh thanh niên được thực hiện bởi đạo diễn: Tuấn Milano, giám đốc âm nhạc: Nguyễn Bá Hùng, quay phim: Pep Phạm cùng ê kíp.

Sứ Mệnh Thanh Niên | Tùng Dương, Phi Hùng, H'Hen Niê, Phương Vy, Võ Hạ Trâm, nhóm MTV và các nghệ sĩ

Nửa thế kỷ nhìn lại tầm vóc Điện Biên Phủ trên không

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cho thấy sức mạnh của Việt Nam với tầm nhìn chiến lược, chiến đấu thông minh, toàn dân đồng lòng và sự ủng hộ của quốc tế.

Nửa thế kỷ trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, ngày 9.12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội cùng tổ chức hội thảo Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh VN và tầm vóc thời đại.

PGS-TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, đã nhắc lại tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về âm mưu tập kích của không quân chiến lược Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng.

Xác máy bay B.52 bị bắn rơi lúc 23 giờ ngày 27.12.1972 tại phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội

TTXVN

PGS-TS Lý Việt Quang cũng nhắc lại chuyện khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Người giao nhiệm vụ: “Phải chuẩn bị cách đánh B.52, dù trong tình huống nào cũng phải đánh thắng B.52 nếu chúng đánh ra miền Bắc, nhất là Hà Nội, Hải Phòng…”. Người cũng hỏi tướng Phùng Thế Tài lúc đó: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B.52 chưa?”. Các nghiên cứu tìm hiểu sau đó của quân chủng, cộng với kinh nghiệm bắn rơi B.52 ở Quảng Bình… đã giúp biên soạn cuốn Cách đánh B.52, còn gọi là Cẩm nang bìa đỏ. Ông Quang cho biết sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định chúng ta thắng B.52 do nhiều nguyên nhân, trong đó có góp sức quan trọng của cuốn sách.

Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội, cho hay trên cơ sở dự báo chiến lược B.52 sẽ đánh Hà Nội, thủ đô đã xây dựng lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt công tác phòng không nhân dân. Hà Nội tăng cường các đội “tay búa tay súng”, “tay cày tay súng”. Dân quân cũng gấp rút sửa chữa các sân bay bị hư hỏng nặng do địch đánh phá ngày đêm. Tự vệ cầu đường thu dọn chướng ngại vật. Cán bộ y tế cứu thương binh. Đến ngày 18.12.1972, Hà Nội hoàn thành sơ tán trên 500.000 người, tương đương 85% số người ở nội thành.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng), nhìn nhận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ VN thời đại Hồ Chí Minh. Qua 12 ngày đêm đọ sức, quân dân VN không những không lúng túng trước đòn đánh phá ồ ạt mà còn tạo lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp dày đặc. Có 81 máy bay các loại của Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 máy bay B.52.

PGS-TS Nguyễn Thị Mai Hoa, ĐH Quốc gia Hà Nội, lại nhìn Điện Biên Phủ trên không từ góc độ “kết hợp các yếu tố dân tộc và quốc tế”. PGS-TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, đánh giá 12 ngày đêm đánh B.52 là “trận quyết chiến có ý nghĩa chiến lược, là thử thách chưa từng có trong lịch sử, góp phần tạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975”.

Bộ sưu tập tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân được đề cử Di sản tư liệu thế giới

Hồ sơ Bộ sưu tập tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân và hồ sơ Cửu đỉnh hoàng cung Huế là 2 hồ sơ đang nộp đề cử vào danh sách Di sản tư liệu thế giới chu kỳ 2022 - 2023.

Thông tin này được bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) đưa ra tại sự kiện "Hành trình ghi danh di sản tư liệu ở Việt Nam - hiện tại và tương lai" (9.12 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội) nhân 30 năm UNESCO khởi xướng, 16 năm VN tham gia Chương trình Ký ức thế giới.

Trang web về nhạc sĩ Hoàng Vân ra đời sau khi ông mất 100 ngày

CHỤP MÀN HÌNH

Phát biểu tại buổi lễ, bà Phạm Thị Thanh Bình, Phó tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO VN, cho biết hiện tại Ủy ban Quốc gia Ký ức thế giới VN đã có những cải tổ, thay đổi quan trọng. Theo đó, Ban Thư ký của Ủy ban Quốc gia Ký ức thế giới VN được chuyển từ Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) sang Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL).

Trong buổi lễ, cuốn sách Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ở Việt Nam của TS Vũ Thị Minh Hương cũng ra mắt. Bà là đại diện VN giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2018 tới nay. Cuốn sách gần 400 trang phản ánh thực trạng xuống cấp, mất mát và thái độ thờ ơ của xã hội với tư liệu - một phần ký ức của nhân loại trên thế giới. Sách cũng cho thấy những ký ức đó được lưu lại ra sao khi trở thành Di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh. Từ đó bà Hương hướng mọi người đến tinh thần mà UNESCO muốn lan tỏa: Giữ gìn và tạo kết nối với các di sản tư liệu để kết nối với ký ức nhân loại.

Tính đến nay, VN có 9 di sản được Chương trình Ký ức thế giới ghi danh. Trong đó có 3 Di sản tư liệu thế giới gồm: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và 82 văn bia thời Lê Mạc. Số còn lại là 6 Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Mộc bản trường học Phúc Giang, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Hoàng hoa sứ trình đồ (Hành trình đi sứ Trung Hoa), Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, tỉnh Hà Tĩnh (1689 -1943).

Đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo về nước được đề cử sự kiện tiêu biểu năm

ng Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) thông tin về chi phí mua ấn Hoàng đế chi bảo tại cuộc họp bình chọn 10 sự kiện VH-TT-DL tiêu biểu 2022.

Giá cả và các chi phí để thương lượng đưa ấn Hoàng đế chi bảo về nước là điều báo chí quan tâm trong cuộc họp bình chọn 10 sự kiện VH-TT-DL tiêu biểu 2022 (ngày 6.12 do Báo Văn hóa tổ chức).

Chiếc ấn được nhiều lần thay đổi thời điểm đấu giá

TL NHÀ ĐẤU GIÁ

Về điều này, ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), cho biết tất cả các điều khoản về chi phí đều thuộc diện không được tiết lộ theo thỏa thuận các bên để đưa ấn vàng hồi hương.

Mặc dù vậy, ông Thành khẳng định việc đàm phán đưa chiếc ấn quý về nước là thành công của ngành văn hóa. Trong suốt quá trình đàm phán để có được quyền mua chiếc ấn, đã có sự tham gia của nhiều đơn vị, bộ ngành trong nước, cũng như các đối tác nước ngoài ở tầm cấp quốc gia. Cụ thể, đại diện chính quyền Pháp cũng tham gia vào cuộc đàm phán cùng các tổ chức của Việt Nam và có ý kiến với chủ sở hữu hiện tại của ấn Hoàng đế chi bảo.

Việc đàm phán thành công để hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo, ấn vàng đẹp nhất của nhà Nguyễn, được đề cử để bình chọn 10 sự kiện VH-TT-DL tiêu biểu của năm 2022. Hiện tại việc đàm phán vẫn còn tiếp tục xong mốc quan trọng nhất đã đạt được là chúng ta giành được quyền ưu tiên mua, mang chiếc ấn trở về Việt Nam.

Tìm thấy phủ đệ thái ấp của An Sinh Vương Trần Liễu?

Các nhà khảo cổ học cho rằng đã thấy dấu vết phủ đệ thái ấp của An Sinh trong đợt khai quật mới nhất (2022).

Để phục vụ việc xây dựng và hoàn thiện Hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử là Di sản văn hóa thế giới, 3 điểm di tích tại Đông Triều (Quảng Ninh) đã được khai quật. Đó là đền An Sinh, chùa Am Hoa và di tích Trại Cấp. Các đơn vị thực hiện khai quật gồm: Hội Khảo cổ học VN, Bảo tàng Quảng Ninh, Viện Khảo cổ học, Bộ môn Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH-NV (Hà Nội).

Cảnh quan chùa Am Hoa

t.l

Báo cáo sơ bộ về khai quật tại đền An Sinh cho thấy dấu vết sân lát bằng gạch theo kỹ thuật nêm cối, tạo hình theo đồ án hoa chanh. Cũng tại đây, khảo cổ học đã làm xuất lộ một phần của 4 đơn nguyên kiến trúc. Các đơn nguyên này kết nối liên hoàn với nhau tạo thành một quần thể. Các hố thăm dò được mở ở phía bắc của kiến trúc và dấu vết ở phía nam cho thấy công trình này có quy mô khá lớn.

Các dấu vết móng cột đã xuất lộ tại An Sinh cũng cho thấy các móng được đầm chặt bằng sỏi son hoặc đá cát. Kỹ thuật và vật liệu sử dụng gia cố móng cột giống với kỹ thuật và nguyên liệu gia cố móng thời Trần phát hiện trong đền An Sinh, Thái Miếu và một số di tích thời Trần khác ở Đông Triều.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho biết việc khai quật 3 di tích trên đem đến nhiều thông tin trong việc nhận diện giá trị và phân bố di tích trong di tích Trúc Lâm Yên Tử.

Cũng theo ông Tín, đây là lần đầu tiên tìm thấy khu vực cư trú của quý tộc thời Trần ở An Sinh, cụ thể hơn là của nhân vật lịch sử quan trọng An Sinh Vương Trần Liễu. Ông Trần Liễu là anh của vua Trần Thái Tông. Ông cũng là nhân vật quan trọng được vương triều Trần phong cho vùng đất An Sinh, một vùng đất ven biển có vị trí quốc phòng quan trọng của vùng đông bắc. Người dân ở đây tôn ngài như thánh.

Lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM: 'Ghi tên HOZO vào bản đồ âm nhạc thế giới'

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM cho rằng, việc tổ chức Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM - Hò dô (HOZO) 2022 khẳng định cam kết của thành phố trong việc kiên định theo đuổi chiến lược đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng một địa chỉ, một điểm đến văn hóa mới và ghi tên HOZO vào bản đồ âm nhạc thế giới.

Nghệ sĩ Alastair Moock đã có mặt tại TP.HCM để chuẩn bị cho những buổi diễn của mình tại HOZO 2022. Đó là buổi diễn 9 giờ - 10 giờ thứ bảy ngày 10.12 và 8 giờ 30 - 9 giờ 15 chủ nhật ngày 11.12 tại Công viên cầu Thủ Thiêm 2.

Các nghệ sĩ quốc tế chia sẻ lịch diễn tại HOZO

btc

Và cùng với việc tham quan một vòng thành phố, từ đường đi bộ Nguyễn Huệ - nơi HOZO diễn ra đến những công trình kiến trúc, lịch sử, nghệ thuật... nơi đây như Nhà hát TP.HCM, Chùa bà Thiên Hậu..., Alastair Moock cũng đã thưởng thức những món ăn đặc trưng Sài Gòn - Việt Nam như cà phê pha phin, phở...

Trong 4 ngày diễn ra lễ hội (8 - 11.12), hơn 200 nghệ sĩ trong nước và quốc tế sẽ xuất hiện ở 3 đêm diễn chính trên cả 2 địa điểm: phố đi bộ Nguyễn Huệ và sân khấu tại công viên chân cầu Thủ Thiêm 2 - địa điểm mà UBND TP.HCM dành riêng cho Hò dô lần đầu sử dụng. Ðêm 8.12 sẽ dành cho HOZO Talent Contest, với sự tranh tài, biểu diễn của các ban nhạc: Nam Tộc, The Hoods, Cheffin’, Starry Night, The Lounds, WHEE!, Giấy Gấp, Universary, Những Năm 90, Lạnh; xuất phát từ mục tiêu phát hiện và nuôi dưỡng tài năng âm nhạc, cũng như tăng thêm cơ hội để những tài năng mới chớm có điều kiện tiếp cận khán giả.

Với tính chất của một festival, theo ban tổ chức (Sở VH-TT TP.HCM chủ trì, Trung tâm Ca nhạc nhẹ thành phố cùng Công ty cổ phần Lễ hội VN thực hiện), HOZO khác biệt với các không gian văn hóa khác khi các nghệ sĩ trình diễn sẽ được cộng hưởng từ những người tham gia, từ không khí lễ hội.

Từ việc nhận lời tham gia của các ngôi sao quốc tế, những huyền thoại âm nhạc thế giới như: Kenny Edmonds - nghệ danh Babyface, người 12 lần nhận giải Grammy hay Alastair Moock - nhạc sĩ được đề cử Grammy; Ricky Kej - nam ca sĩ thắng giải Grammy và là đại sứ về môi trường của Liên Hiệp Quốc; Johnny Stimson - chủ nhân bản hit Smile..., có thể khẳng định ban tổ chức cũng như TP.HCM sẵn sàng nâng tầm lễ hội HOZO lên một đẳng cấp khác, ít nhất là đẳng cấp khu vực.

Hò dô chào đón sự tham gia của các ca sĩ VN: Ngọc Mai, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Soobin Hoàng Sơn, Đông Nhi, Vũ Cát Tường, Tùng Dương, Bích Phương, Phúc Du, Hoàng Dũng, Big Daddy, Emily, Bùi Lan Hương, Đinh Hương, Ngọt, UnlimiteD... cùng Vietnam All Stars Band với các nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc tên tuổi: Anh Quân, Hoài Sa, Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Lê Thanh Tâm, Quốc Bình, Hồng Kiên…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.