Sau 1 tháng ăn cá, nam thanh niên được phát hiện áp xe tụy do xương cá

Lê Cầm
Lê Cầm
25/10/2023 16:17 GMT+7

Ăn cá cách đây khoảng một tháng, không có dấu hiệu bị mắc xương nhưng anh T.M.H (33 tuổi, ngụ tại TP.HCM) thấy đau bụng, sốt nhẹ kéo dài.

Anh T. nhập viện ở cơ sở y tế gần nhà với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, điều trị khoảng một tuần. Sau khi xuất viện, anh T. tiếp tục xuất hiện cơn đau bụng âm ỉ, ăn uống kém nên nhập Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Các bác sĩ bất ngờ khi phát hiện người bệnh có ổ áp xe vùng đầu tụy cùng với dị vật nghi ngờ là xương cá.

Ngày 25.10, bác sĩ chuyên khoa 2 Chung Hoàng Phương (Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định) cho biết khi nhập viện, người bệnh sốt trên 38 độ C, mạch 100 lần/phút, huyết áp 110/70 mmHg, bụng vùng thượng vị đau âm ỉ kéo dài. Qua khai thác tiền sử biết được người bệnh bắt đầu có các triệu chứng này sau khi ăn cá nhưng không có biểu hiện mắc xương, bác sĩ cho chỉ định siêu âm bụng và chụp CT có cản quang để tìm dị vật trong bụng.

Kết quả cho thấy người bệnh có ổ áp xe vùng đầu tụy cùng với dị vật cản quang nghi ngờ là xương cá, người bệnh được chuyển vào khoa Ngoại tiêu hóa điều trị. Tại đây các bác sĩ hội chẩn và quyết định phẫu thuật nội soi xử trí thương tổn vùng áp xe tụy và gắp dị vật ra, tránh áp xe lan rộng, diễn tiến nhiễm trùng nặng hơn.

Sau 1 tháng ăn cá, nam thanh niên được phát hiện áp xe tụy do xương cá - Ảnh 1.

Hình ảnh xương cá gây ổ áp xe trong tụy

B.H

Bác sĩ Phương cho biết, khi phẫu thuật vào ổ bụng vùng bờ dưới gan trái thì phát hiện đầu xương cá nhô ra, các bác sĩ tiến hành rút xương cá. Sau đó mở tiếp vào vùng sau dạ dày, bờ trên tụy có khối áp xe to phập phều kích thước 8x5cm, dùng ống dẫn lưu chọc khối trên rút ra được 20ml dịch mủ nâu đặc có lẫn mô hoại tử.

Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, ê kíp đã dẫn lưu hiệu quả ổ áp xe và lấy được 1 đoạn xương cá 3cm ra khỏi ổ bụng. Sau phẫu thuật ngày thứ 5, người bệnh tiếp tục được dẫn lưu thêm 150ml dịch từ khối áp xe. Hiện diễn biến người bệnh ổn định, không sốt, không đau bụng, tự ăn uống được, tiếp tục được theo dõi điều trị tại Đơn vị Gan Mật Tụy và dự kiến sẽ xuất viện trong một vài ngày tới.

Theo bác sĩ Phương, thông thường các dị vật đường tiêu hóa như xương cá, tăm xỉa răng... sẽ gây rách, thủng, viêm ở vùng ổ bụng (dạ dày, đại tràng, ruột non...), ít khi đi sâu được vào bên trong tuyến tụy. Áp xe tụy do nuốt xương cá hoặc vật lạ khác là một tình trạng hiếm gặp, nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng.

"Khi một vật thể lạ, trong trường hợp này xương cá, đã xuyên qua đường tiêu hóa và đến tuyến tụy, nó có thể dẫn đến viêm tụy, gây tổn thương, nhiễm trùng và hình thành áp xe. Nếu không xử lý kịp thời có thể bị nhiễm trùng lây lan sang các mô và cơ quan xung quanh, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng", bác sĩ Phương chia sẻ.

Qua đó, bác sĩ khuyến cáo khi ăn uống, cần phải cẩn thận nhai chậm và kỹ, đặc biệt là người lớn tuổi mất răng và trẻ nhỏ. Trong trường hợp nghi ngờ hóc xương hoặc các loại dị vật khác thì cần phải đến cơ sở y tế có chuyên môn để thăm khám. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng và phát triển các biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như nhiễm trùng huyết hoặc suy đa cơ quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.