Sáp nhập quận, phường: Tránh gây xáo trộn lớn tới người dân

06/08/2023 06:33 GMT+7

Nhiều đơn vị hành chính tại TP.HCM thuộc diện sắp xếp lại trong 3 năm tới không chỉ dẫn đến thay đổi địa giới hành chính mà còn khiến hàng triệu người dân phải thay đổi giấy tờ.

THÁNG 10.2023 SẼ CÓ PHƯƠNG ÁN

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 35/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Chính phủ ban hành Nghị quyết 117/2023 về kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Sáp nhập quận, phường: Tránh gây xáo trộn lớn tới người dân - Ảnh 1.

Vòng xoay ngã 6 Dân chủ (Q.3 và Q.10, TP.HCM)

Độc Lập

Theo văn bản hợp nhất số 19 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính thì cấp quận có dân số từ 150.000 người, diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên và ít nhất 10 phường. Cấp huyện ở khu vực đồng bằng có dân số từ 120.000 người, diện tích từ 450 km2 và 13 xã, thị trấn trở lên. Đối với cấp phường, diện tích rộng từ 5,5 km2, dân số phường thuộc quận từ 15.000 người, phường thuộc thành phố từ 7.000 người trở lên; xã rộng từ 30 km2 và dân số từ 8.000 người trở lên.

Trong khi đó, Nghị quyết 117/2023 của Chính phủ xác định 3 trường hợp phải sắp xếp trong 3 năm tới gồm: cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn; cấp huyện đồng thời có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn; cấp xã đồng thời có diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% tiêu chuẩn. Như vậy, những đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp gồm: quận có diện tích dưới 7 km2 và dân số dưới 300.000 người; phường rộng dưới 1,1 km2 và dân số dưới 45.000 người (phường thuộc quận) và dưới 21.000 người (thuộc thành phố); xã rộng dưới 6 km2 và dân số dưới 24.000 người.

Quận Hoàn Kiếm thuộc diện sáp nhập: Người Hà Nội sợ 'rắc rối chuyện giấy tờ'

Hiện TP.HCM có 16 quận, 5 huyện và TP.Thủ Đức với 312 phường, xã, thị trấn. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ TP.HCM), cho biết qua rà soát, TP.HCM có 6 quận chưa đủ điều kiện về dân số và diện tích nên thuộc diện sắp xếp gồm: Q.3, Q.4, Q.5, Q.10, Q.11 và Q.Phú Nhuận. Ngoài ra, trong 3 năm tới TP.HCM cũng có 142 đơn vị cấp xã (hơn 45%) thuộc diện phải sắp xếp lại để đáp ứng các tiêu chuẩn chung.

Sau khi thông tin sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, phường, quận ở TP.HCM được nêu ra tại buổi họp báo chiều 3.8, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều phương án sáp nhập các quận lại với nhau khiến Sở Nội vụ TP.HCM phải lên tiếng bác bỏ. Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết Sở đang phối hợp các địa phương rà soát, xây dựng phương án để tham mưu UBND TP.HCM. Do vậy, các phương án lan truyền trên mạng xã hội đều là tin giả. "Dự kiến đề án sẽ được trình UBND TP.HCM trước ngày 31.10", ông Nhân cho biết.

Sáp nhập quận, phường: Tránh gây xáo trộn lớn tới người dân - Ảnh 2.

Q.4 có diện tích thấp 4,18 km² nhưng mật độ dân số cao nhất TP.HCM

Ngọc Dương

DÂN PHIỀN, CÁN BỘ DÔI DƯ

Theo thống kê từ năm 1975 đến nay, TP.HCM trải qua 7 lần tách lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, lần lớn nhất là năm 1997, TP.HCM lập 5 quận mới, gồm tách H.Thủ Đức thành 3 quận (2, 9 và Thủ Đức), tách Q.12 từ H.Hóc Môn và tách Q.7 từ H.Nhà Bè. Đến năm 2003, TP.HCM lập thêm Q.Tân Phú trên cơ sở tách ra từ Q.Tân Bình và lập Q.Bình Tân trên cơ sở tách ra từ H.Bình Chánh. Đến năm 2021, TP.HCM có đợt sắp xếp 19 phường thành 9 phường và sáp nhập Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức thành TP.Thủ Đức.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính tác động trực tiếp đến người dân, nhất là thay đổi giấy tờ. Hiện chưa có danh sách cụ thể 142 phường thuộc diện sáp nhập nên chưa có tổng số dân bị ảnh hưởng, nhưng chỉ tính riêng 6 quận thuộc diện sắp xếp đã có hơn 1,1 triệu người.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 tổ chức ngày 31.7 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi dẫn chứng câu chuyện tách H.Thủ Đức năm 1997 rồi nhập lại năm 2021 đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tư, tình cảm, hoạt động kinh doanh và đời sống người dân. "Đây là bài học thực tiễn rất lớn đối với TP.HCM trong quá trình sắp xếp sắp tới", ông Mãi nói.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trong 6 tháng đầu năm 2021, hơn 1 triệu người dân và hàng chục ngàn doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại TP.Thủ Đức, nhất là các phường mới sáp nhập của TP.Thủ Đức, phải lật đật đổi đủ loại giấy tờ. Đáng chú ý, trong 19 phường đã hoàn thành sắp xếp giai đoạn 2019-2021 có 15 phường tại Q.3, Q.4, Q.5, Q.10 và Q.Phú Nhuận. Nếu như 5 quận này phải sắp xếp lại và dẫn đến thay đổi tên quận mới, thì những hộ dân ở 15 phường đã sắp xếp phải tiếp tục đổi giấy tờ lần thứ hai chỉ trong 5 năm.

Trong đợt sáp nhập mới nhất, TP.HCM giảm 170 cán bộ, công chức cấp huyện, 100 cán bộ, công chức và 124 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Đơn cử như tại Q.Phú Nhuận, P.12 được sáp nhập với P.11, P.14 được sáp nhập với P.13. Một lãnh đạo Q.Phú Nhuận cho biết do số lượng công chức cần sắp xếp cấp phường không nhiều nên đến nay đã hoàn thành. Tuy nhiên, nếu vừa sắp xếp các phường vừa sắp xếp cả quận thì sẽ không đơn giản.

Nhận định của lãnh đạo Q.Phú Nhuận hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào câu chuyện thành lập TP.Thủ Đức. Sau khi sáp nhập, Thành ủy Thủ Đức có 5 cơ quan tham mưu, tương ứng với 5 cấp trưởng nhưng có đến 37 cấp phó, trong đó 18 cấp phó có chức vụ thấp hơn chức vụ cũ trước khi sáp nhập. Còn UBND TP.Thủ Đức giảm 24 phòng ban và giảm 29 nhân sự cấp trưởng. Để dễ hình dung, trước đây 3 quận có 3 cấp trưởng, nay thành một thì nhiều cấp trưởng phải chuyển thành cấp phó dẫn đến tình trạng "lạm phát" cấp phó. Hiện một số phòng ban ở TP.Thủ Đức có đến 7-8 cấp phó, trong khi quy định chỉ được phép 3 cấp phó. Trong 3 năm tới, UBND TP.Thủ Đức cần phải tiếp tục sắp xếp 36 cấp phó.

Trong báo cáo tổng kết 3 năm sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 vào tháng 7.2023, UBND TP.HCM nhận định việc sắp xếp, bộ trí cán bộ, công chức tại các đơn vị hành chính mới gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là đối với cấp xã, do số lượng cán bộ, công chức tăng cơ học khi sáp nhập, lại vừa phải giảm số lượng theo Nghị định 34/2019 của Chính phủ càng làm tăng áp lực lên hoạt động của bộ máy và cán bộ, công chức. Khi sáp nhập 2-3 đơn vị hành chính thành 1 thì việc bố trí các chức danh chủ chốt là vấn đề nan giải, nhất là số cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản.

6 quận TP.HCM thuộc diện phải sáp nhập vì không đủ diện tích, dân số

DÂN ĐÔNG, HỒ SƠ NHIỀU CÓ ĐƯỢC COI LÀ ĐẶC THÙ?

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói rằng đặc điểm nổi bật ở các đơn vị hành chính tại TP.HCM là có diện tích nhỏ nhưng dân số rất đông, hoạt động hành chính nhiều, quy mô kinh tế lớn. Trong đó, 21 đơn vị cấp huyện và 223 đơn vị cấp xã đạt trên 100% tiêu chuẩn về dân số, đặc biệt xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh) gấp 20 lần tiêu chuẩn. Trong khi đó, Q.1 có dân số đăng ký chỉ 239.000 người nhưng hằng ngày phục vụ cho khoảng 1 triệu người làm việc, vui chơi, giải trí…

"Đặc điểm này đặt ra nhiều khó khăn, buộc thành phố phải nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, vừa thực hiện chủ trương chung vừa phù hợp thực tế nhằm hướng đến xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhưng không gây xáo trộn lớn cho người dân", ông Mãi nói.

Đất chật, người đông là đặc điểm chung của các quận nội thành Hà Nội và TP.HCM. Theo Cục Thống kê TP.HCM, năm 2022, mật độ dân số bình quân của TP.HCM là 4.470 người/km2, các quận gần 21.000 người/km2, còn các huyện ngoại thành chưa tới 1.400 người/km2. 6 quận thuộc diện sáp nhập (Q.3, Q.4, Q.5, Q.10, Q.11 và Q.Phú Nhuận) cũng là những quận có mật độ dân số cao nhất TP.HCM, trong đó cao nhất là Q.4 có trên 42.000 người/km2 còn Q.5 và Q.Phú Nhuận cũng trên 34.000 người/km2.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhận định trong 3 năm tới TP.HCM có số lượng đơn vị hành chính phải sắp xếp rất lớn. Đồng quan điểm với lãnh đạo TP.HCM, bà Trà cho biết đơn vị hành chính ở TP.HCM có nơi diện tích rất nhỏ nhưng dân số lớn nên phải cân nhắc kỹ lưỡng để có phương án sắp xếp phù hợp. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp các bộ ngành hướng dẫn TP.HCM trong việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Nói thêm về phương án sắp xếp đơn vị hành chính, ông Phan Văn Mãi cho biết việc sắp xếp phải gắn liền với việc lập quy hoạch, rà soát quy hoạch chung và đề án xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả. TP.HCM sẽ tập trung đánh giá kỹ lưỡng các tác động đối với người dân, doanh nghiệp và hoạt động kinh tế xã hội; đồng thời chuẩn bị phương án xử lý vướng mắc phát sinh.

"TP.HCM sẽ lấy ý kiến người dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính", ông Mãi khẳng định.

Sáp nhập quận, phường: Tránh gây xáo trộn lớn tới người dân - Ảnh 5.

Sẽ rà soát yếu tố đặc thù

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ TP.HCM), cho biết Nghị quyết 35/2023 của Quốc hội nêu 4 trường hợp đặc thù không thuộc diện sắp xếp gồm: có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề; Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào; Đơn vị có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Đơn vị hành chính nông thôn được phê duyệt phát triển thành đô thị trong giai đoạn 2023 - 2030.

Theo ông Hiếu, Sở Nội vụ TP.HCM đang phối hợp các địa phương rà soát, xem xét yếu tố đặc thù để tham mưu phương án cuối cùng.

Cần chủ động đổi giấy tờ cho người dân

Theo ghi nhận từ một số quận của TP.HCM thuộc diện sáp nhập, nhiều ý kiến đều băn khoăn rằng đô thị ở TP.HCM có tính đặc thù, cường độ kinh tế, giao thương, hồ sơ hành chính rất lớn; nhất là mỗi quận có đặc thù riêng, phức tạp riêng trong quản lý đô thị, an ninh trật tự... Do đó, nếu áp chung tiêu chuẩn mô hình đơn vị hành chính như các nơi khác, sẽ phát sinh nhiều bất cập.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý và kinh tế TP.HCM, đại biểu HĐND TP.HCM, cho rằng chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính là cần thiết, giúp tinh giản biên chế, tăng quy mô đơn vị hành chính. Nhưng mỗi lần sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính là người dân lại phải thay đổi giấy tờ. Do vậy, nhà nước phải có cơ chế chủ động đổi giấy tờ cho người dân chứ không phải bắt người dân đi đổi giấy tờ.

"Các cơ quan phải chuẩn bị sẵn hồ sơ, người dân chỉ cần đến ký tên là hoàn thiện thủ tục và chờ ngày nhận giấy tờ mới", TS Thắng nói. Việc sắp xếp cần tính toán đến quy hoạch, bố trí dân cư hài hòa các phúc lợi xã hội, mang lại sự thuận lợi cho người dân.

Liên quan đến bố trí cán bộ hậu sáp nhập, TS Thắng cho rằng đây cũng là cơ hội để chọn lọc những nhân sự có chất lượng, đáp ứng kỹ năng chuyên môn, công vụ.


Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.