Rừng phòng hộ Sóc Sơn tiếp tục bị 'xẻ thịt': Trách nhiệm thuộc về ai?

09/08/2023 09:05 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, việc rừng phòng hộ Sóc Sơn tiếp tục bị "xẻ thịt" có trách nhiệm của lãnh đạo UBND H.Sóc Sơn và TP.Hà Nội cần cương quyết xử lý trách nhiệm đối với địa phương này vì sự yếu kém trong quản lý.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội), vài năm trước, nhiều cán bộ địa phương đã bị xử lý nhưng thời gian gần đây, rừng phòng hộ ở H.Sóc Sơn tiếp tục bị "xẻ thịt" đã thể hiện mức độ vi phạm ở nơi này có tính hệ thống, dây chuyền. Thậm chí, việc xử lý vi phạm trước đó chưa dứt điểm, chưa nghiêm, nhiều người tiếp tục vi phạm, vì họ nghĩ rằng mình đã có "ô dù" bao che.

Rừng phòng hộ Sóc Sơn tiếp tục bị 'xẻ thịt': Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1.

Một phần rừng phòng hộ Sóc Sơn nhìn từ trên cao

NGUYỄN TRƯỜNG

Đại biểu Hòa nhìn nhận, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo UBND H.Sóc Sơn và lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cần cương quyết xử lý trách nhiệm đối với địa phương này vì có sự yếu kém trong công tác quản lý rừng phòng hộ.

"Anh quản lý yếu kém thì tôi phân công, bố trí người khác. Không lẽ tiếp tục để anh làm ở đó rồi sai phạm vẫn tiếp diễn. UBND TP.Hà Nội cần phải điều chuyển người có trách nhiệm ở H.Sóc Sơn đi chỗ khác, phân công người có trách nhiệm hơn, tốt hơn về quản lý để đạt hiệu quả cao", đại biểu Hòa bày tỏ.

Về việc có cần thanh tra toàn diện đối với vi phạm ở rừng phòng hộ Sóc Sơn từ năm 2019 đến nay hay không, đại biểu Hòa cho biết, điều này do lãnh đạo UBND TP.Hà Nội tự quyết định, bởi "quả bóng" thuộc về lãnh đạo UBND TP.Hà Nội và nhân dân, dư luận đang chờ đợi.

Kết quả thực hiện công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn H.Sóc Sơn thể hiện, từ đầu năm 2023 đến nay, có 187 công trình sai phạm. Trong năm 2022, có 245 trường hợp bị xử lý, còn năm 2021 đã xử lý hơn 300 trường hợp. Địa phương đã hoàn thiện 164 hồ sơ, trong đó xã Minh Phú 35 hồ sơ, xã Minh Trí 129 hồ sơ chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội thụ lý.

Theo ông Phạm Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND H.Sóc Sơn, tháng 6 vừa qua, huyện đã tạm đình chỉ 3 phó chủ tịch các xã Minh Trí, Nam Sơn, Mai Đình để tập trung vào công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng, bao giờ làm xong nhiệm vụ thì thôi đình chỉ. Trước đó, đã có 2 chủ tịch xã bị kỷ luật (một người bị buộc thôi việc, một người bị cảnh cáo) vì để địa bàn xảy ra nhiều vi phạm.

Dù nhiều cán bộ bị xử lý, kỷ luật nhưng lãnh đạo UBND H.Sóc Sơn thừa nhận, vi phạm vẫn chỉ được xử lý ở phần "ngọn". Từ năm 2019 cho đến nay, hai bên hồ Đồng Đò (xã Minh Trí - nằm trong phạm vi quy hoạch rừng phòng hộ) có thêm nhiều công trình vi phạm. Riêng ở xã Minh Trí có gần 30 trường hợp, chưa tính 268 ngôi lều nhỏ dựng trong rừng đã bị phá dỡ hoàn toàn.

Như Thanh Niên đã đưa tin, năm 2019, Thanh tra TP.Hà Nội ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng ở H.Sóc Sơn, trong đó nêu rõ còn hàng ngàn trường hợp vi phạm, trong đó đa số là vi phạm đất rừng. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng, đã có 797 công trình vi phạm.

Tuy nhiên, đến nay, bên đường ven hồ Đồng Đò vẫn có nhiều công trình kiên cố, lưng tựa núi, mặt hướng hồ. Đặc biệt, sát mép hồ có nhiều công trình đang xây dựng. Trên sườn núi xuất hiện nhiều vị trí được san gạt, kè bờ kiên cố và tạo lối đi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.