Quy định trái luật làm khó vốn vay

Mai Phương
Mai Phương
04/01/2024 07:35 GMT+7

Nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 đang được thực hiện quyết liệt, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên một số quy định tại Thông tư 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước liên quan hoạt động cho vay vẫn đang "trói" dòng vốn từ ngân hàng chảy vào nền kinh tế.

Thông tư 06 trái với bộ luật Dân sự

Ngay trong ngày đầu năm mới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông báo phân giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng cả năm vừa qua. Đặc biệt, việc giao hết "room" tín dụng ngay từ đầu năm của NHNN trái ngược với nhiều năm trước khi chỉ giao một phần và đến giữa năm mới tiếp tục thực hiện. Điều này có thể được xem như dấu hiệu để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, rót vốn vào nền kinh tế. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp (DN) lẫn các chuyên gia kinh tế, dù "room" tín dụng gia tăng nhưng khi các quy định, điều kiện cho vay vẫn không thay đổi thì nhiều công ty vẫn khó vay vốn.

Từ đó, dòng vốn hấp thụ vào nền kinh tế vẫn có thể không đạt như mục tiêu đề ra. Một trong những quy định hiện nay liên quan đến hoạt động cho vay từ hệ thống ngân hàng thương mại (NH) là Thông tư 06/2023 của NHNN đã có hiệu lực từ tháng 9.2023. Cụ thể, điểm c khoản 6 điều 1 Thông tư 06 quy định tổ chức tín dụng "phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm" được nhiều DN phản ánh là vô lý, thiếu thực tế.

Quy định trái luật làm khó vốn vay- Ảnh 1.

Quy định phong tỏa số tiền cho vay tại Thông tư 06 đang trái với bộ luật Dân sự 2015

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trao đổi với Thanh Niên ngày 3.1, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho hay ông có nghe thông tin Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa có kết luận kiểm tra đối với Thông tư 06 của NHNN. Trong đó cơ quan này cũng khẳng định rằng yêu cầu phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay nói trên là trái với quy định biện pháp bảo đảm theo bộ luật Dân sự năm 2015.

Ngay từ khi Thông tư 06 vừa được ban hành, HoREA đã có nhiều văn bản kiến nghị xem xét sửa đổi một số quy định chưa hợp lý, thậm chí trái với các quy định có liên quan của luật Dân sự. Trong đó có quy định về phong tỏa số tiền giải ngân cho vay nêu trên. Bên cạnh đó, HoREA cũng cho rằng khoản 2 điều 22 của Thông tư 06 yêu cầu các NH: "Trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án, có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thỏa thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích" đã hạn chế quyền sử dụng vốn của DN.

Ví dụ, đối với trường hợp cho vay để đặt cọc mua nhà ở hình thành trong tương lai, theo quy định của Thông tư 06 thì chủ đầu tư dự án (bên nhận đặt cọc) bị phong tỏa tiền đặt cọc, không được sử dụng số tiền mà người mua đặt cọc. Điều này quá bất hợp lý, không bảo đảm quyền sở hữu của chủ tài sản, trong đó có quyền sử dụng số tiền đặt cọc.

Trong khi đó, việc các bên không thực hiện đúng thỏa thuận nghĩa vụ bảo đảm (nếu có) thuộc phạm vi điều chỉnh của bộ luật Dân sự 2015. Đồng thời trên thực tế, thường khoảng 30% khách hàng mua bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai vay vốn tín dụng để đặt cọc thì số tiền đặt cọc này lại bị NH phong tỏa, còn đối với khoảng 70% khách hàng sử dụng vốn tự có để đặt cọc thì số tiền được chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư và chủ đầu tư toàn quyền sử dụng. Do vậy, quy định trên cũng không phù hợp với thực tiễn.

Cần sửa đổi nhanh quy định phi lý

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng một số quy định tại Thông tư 06 đã được kiến nghị xem xét sửa đổi thời gian qua nên cần phải thực hiện nhanh từ đầu năm. Đặc biệt, quy định tại điểm c khoản 6 điều 1 Thông tư 06 về phong tỏa vốn vay không phù hợp với các quy định khác. Cụ thể, theo quy định tại điều 12 Nghị định số 101/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt thì NH chỉ có quyền phong tỏa tài khoản trong các trường hợp như khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định; khi NH thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền; Khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung. Ngoài ra, NH chỉ được phong tỏa tài khoản trong trường hợp đã có thỏa thuận với chủ tài khoản.

Hơn nữa, phải hiểu rằng việc cho vay để góp vốn không phải là "trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ" để phải phong tỏa tiền vay. Nếu hiểu theo cách DN vay tiền nhưng lại không được dùng tiền thì làm sao bên nhận góp vốn có thể triển khai được dự án và hoàn thành nghĩa vụ với bên góp vốn? Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải có tài sản bảo đảm gấp đôi (để NH cho vay và để NH giải tỏa số tiền đã giải ngân) cho cùng một khoản vay. Quy định này là quá vô lý, gây lãng phí nguồn lực , tăng chi phí của DN, thậm chí là đánh đố DN.

Trong ngày cuối cùng của năm cũ 2023, HoREA đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm vừa qua nhưng chưa được các bộ, ngành thực hiện. Trong đó, HoREA chỉ rõ một số quy định do NHNN ban hành không phù hợp. Cụ thể, HoREA cho biết tại Công điện 1177 ngày 23.11.2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định không phù hợp để tạo điều kiện tiếp cận tín dụng thuận lợi cho người dân và DN. Do đó, hiệp hội đề nghị NHNN rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư số 02/2023, Thông tư số 03/2023 và Thông tư số 06/2023 theo hướng sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định không phù hợp.

Ông Lê Hoàng Châu đề xuất: "Ngoài các quy định vô lý trong Thông tư 06 nêu trên, chúng tôi cũng đề xuất NHNN bỏ quy định tổ chức tín dụng kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích tại điểm c khoản 6 và điểm b khoản 9 điều 1 Thông tư 06". Bởi các NH gần như không thể thực hiện được quy định này trong trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án. Đồng thời xem xét bãi bỏ khoản 8, khoản 9 và khoản 10 điều 8 của Thông tư số 39/201 (đã được bổ sung theo khoản 2 điều 1 Thông tư 06) do các quy định này chỉ mới ngưng hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.9.2023. DN rất mong chờ các vướng mắc phát sinh sẽ được tháo gỡ kịp thời, bảo đảm quy định đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần hỗ trợ DN nói riêng và cả nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Đầu tháng 12.2023, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn số 9470 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xoay quanh nội dung Báo Thanh Niên phản ánh về Thông tư 06. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thống đốc NHNN nghiên cứu thông tin báo chí để xem xét, có giải pháp xử lý các nội dung phản ánh theo đúng quy định và theo tinh thần lắng nghe các ý kiến của các chủ thể có liên quan, DN, người dân để hoàn thiện khung khổ pháp lý phù hợp, khả thi, hiệu quả, không gây ách tắc, tắc nghẽn dòng vốn tín dụng của nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.