Quốc hội Mỹ thông qua dự luật quốc phòng 886 tỉ USD

15/12/2023 08:00 GMT+7

Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách quốc phòng hằng năm trị giá 886 tỉ USD, trong đó có quy định cấm tổng thống đơn phương rút khỏi NATO.

Hạ viện Mỹ ngày 14.12 thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) cho năm 2024, trong đó có khoản ngân sách chi tiêu quân sự hằng năm lên đến 886 tỉ USD, theo Reuters.

Quốc hội Mỹ thông qua dự luật quốc phòng 886 tỉ USD - Ảnh 1.

Dự luật chi tiêu quốc phòng hằng năm đã được quốc hội Mỹ thông qua và chỉ còn chờ Tổng thống Joe Biden ký

AFP

Dự luật được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng với 310 phiếu thuận và 118 phiếu chống. Trước đó, dự luật được Thượng viện thông qua vào ngày 13.12 với 87 phiếu thuận và 13 phiếu chống. Dự luật sẽ được trình lên để Tổng thống Joe Biden ký ban hành.

Theo trang The Hill, dự luật có một quy định cấm tổng thống rút Mỹ ra khỏi NATO nếu không có sự thông qua của quốc hội. Quy định này nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với NATO, liên minh từng bị cựu Tổng thống Donald Trump chỉ trích nặng nề.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine, người dẫn đầu nỗ lực đưa ra quy định này, cho rằng NATO giữ vai trò quan trọng trong việc đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và các thách thức đang trỗi dậy trên thế giới. Đồng tác giả của quy định, hạ nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio cho rằng đây là biện pháp quan trọng cho quyền giám sát của quốc hội.

Mặt khác, NDAA gồm khoản chi hàng chục tỉ USD dành cho các chương trình tàu chiến, máy bay và các chính sách khác của Lầu Năm Góc, tăng lương thêm 5,2% cho binh sĩ, mức tăng lớn nhất trong 20 năm.

NATO chưa cho Ukraine gia nhập nhưng hứa gì?

Dự luật còn dành 11,5 tỉ USD để củng cố lực lượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, NDAA còn kéo dài thời hạn Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine đến cuối năm 2026, phê duyệt khoản viện trợ 300 triệu USD cho tài khóa 2024. Khoản tiền này là rất nhỏ so với 61 tỉ USD mà Nhà Trắng đã đề xuất trong một dự luật riêng rẽ còn đang được bàn bạc giữa sự phản đối của các nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Ngoài ra, NDAA còn kéo dài thời hạn của một chương trình theo dõi người dân gây tranh cãi thêm 4 tháng. Chương trình gọi là Phần 702 của Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài (FISA), cho phép các cơ quan an ninh Mỹ theo dõi người nước ngoài ở ngoài lãnh thổ Mỹ nhưng cũng có thể nghe lén người Mỹ ở trong nước. Việc gia hạn cho các nghị sĩ thêm thời gian để cải cách chương trình. Đã có một số sự phản đối từ các nhà lập pháp nhưng không đủ để cản trở nội dung này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.