Quảng Trị: TT.Cam Lộ cấm 'loa kẹo kéo' thứ hai đến thứ sáu, có đúng luật?

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
25/02/2023 09:39 GMT+7

Việc TT.Cam Lộ (Quảng Trị) cấm 'loa kẹo kéo', nhạc sống từ thứ hai đến thứ sáu được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý còn rất nhiều vấn đề phải bàn.

Như Thanh Niên đã thông tin, UBND TT.Cam Lộ có văn bản về quản lý hoạt động "karaoke di động" (loa kẹo kéo), nhạc sống trên địa bàn thị trấn. Theo văn bản, từ ngày 1.3, các tổ chức, cá nhân và người dân không được sử dụng "karaoke di động" (loa kẹo kéo), nhạc sống các ngày làm việc trong tuần (từ thứ hai đến thứ sáu).

Trường hợp tổ chức đám cưới, đám hỏi, lễ hội thì phải báo cáo với chính quyền địa phương. Ngoài ra, ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, cho phép hoạt động nhưng đảm bảo âm thanh vừa phải và nghiêm cấm hoạt động từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

UBND TT.Cam Lộ cũng nêu rõ, các trường hợp vi phạm tùy theo tính chất, mức độ sẽ có những hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Thị trấn ở Quảng Trị cấm 'loa kẹo kéo' thứ hai đến thứ sáu có đúng luật? - Ảnh 1.

Văn bản gây tranh cãi của UBND TT.Cam Lộ

THANH LỘC

Vừa khó áp dụng trong thực tế vừa trái luật

Ngay sau khi văn bản được ban hành, rất nhiều người bày tỏ sự đồng tình bởi những hệ lụy mà "loa kẹo kéo" gây ra trong đời sống thời gian qua. Nhiều vụ xô xát, đánh nhau, thậm chí là án mạng xuất phát từ mâu thuẫn trong lúc hát karaoke với loa kẹo kéo. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng văn bản này khó áp dụng trong thực tế.

Theo luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng), với hành vi hát hò, gây tiếng ồn đều có những quy định của pháp luật để xử lý vi phạm. Đến nay, không có quy định nào của pháp luật là cấm hát từ thứ mấy đến thứ mấy cả.

Cũng theo luật sư Cao, công văn hành chính thì không phải là văn bản quy phạm nhưng công văn này của UBND TT.Cam Lộ lại chứa nội dung mang tính quy phạm, tức là cấm hoặc là không cấm cho người này thực hiện việc này, không cho người kia thực hiện việc kia... thành ra đó là nội dung mang tính quy phạm pháp luật.

Vì thế, nội dung trong công văn trên là không phù hợp với luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật sư Cao lưu ý văn bản cấm làm một việc gì đó thì đảm bảo phải đúng theo quy định pháp luật, mà luật là do Quốc hội ban hành.

Luật sư Cao lưu ý thêm, cấm gây ra tiếng ồn cũng phải căn cứ khung giờ quy định; còn nếu không, người ta hát bình thường, không gây ra tiếng ồn quá mức quy định của pháp luật thì không cấm người ta được. Như vậy, văn bản mang tính công văn này lại điều chỉnh những nội dung mà nó vượt với thẩm quyền ban hành.

"Nội dung không đảm bảo quy định của pháp luật về ban hành văn bản, khi thực hiện nếu mà người ta không chấp hành thì chế tài cũng không được bởi vì anh ban hành một quy định không đúng với pháp luật. Nếu chế tài người ta sẽ khởi kiện, khiếu nại ngay", luật sư Cao nói.

Thị trấn ở Quảng Trị cấm 'loa kẹo kéo' thứ hai đến thứ sáu có đúng luật? - Ảnh 3.

Loa kẹo kéo, nguyên nhân của không ít vụ gây rối trật tự công cộng.

T.L.

Luật sư Cao cho rằng, nếu hương ước của làng xóm, cộng đồng dân cư có những quy ước với nhau mang tính văn hóa, rồi lệ làng lệ xóm như vậy có những quy chuẩn ngầm để thực hiện là câu chuyện khác. Còn cơ quan quản lý nhà nước mà ban hành một văn bản như nêu trên là không phù hợp. Dưới danh nghĩa cơ quan thuộc thẩm quyền nhà nước thì phải ban hành đúng quy định pháp luật, chứ không thể tự đặt ra một cái quy định mà trong luật chưa cho phép.

XEM NHANH 12H ngày 25.2: Vì sao bắt bà Đặng Thị Hàn Ni, ông Đặng Anh Quân | Cập nhật vụ án Đỗ Hữu Ca

Sẽ cho rà soát lại, chỉnh sửa hoặc thu hồi

Liên quan đến sự việc, Thanh Niên trao đổi với ông Thái Quang Hoàng, Phó chủ tịch UBND TT.Cam Lộ, người đã ký văn bản gây tranh cãi nói trên. Theo ông Hoàng, văn hóa - văn nghệ là một trong những nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hiện nay. Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng sử dụng "karaoke di động" (loa kẹo kéo), nhạc sống diễn ra tràn lan, bất kể ngày đêm, âm thanh quá lớn đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và học tập của người dân trên địa bàn thị trấn.

Cho nên, văn bản của TT.Cam Lộ nhằm đưa hoạt động này vào nề nếp, đồng thời thực hiện nghị quyết của HĐND TT.Cam Lộ về việc ban hành Quy chế quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thị trấn.

Thị trấn ở Quảng Trị cấm 'loa kẹo kéo' thứ hai đến thứ sáu có đúng luật? - Ảnh 4.

Hiện vẫn chưa có quy định cấm hát loa kẹo kéo từ ngày nào đến ngày nào.

T.L

Theo ông Hoàng, cũng có một văn bản ban hành khá lâu rồi, nhân dân địa phương đã thực hiện sau đó dịch bệnh tràn lan nên dừng lại. Sau khi hết dịch, mọi việc lại đâu vào đấy, loa kẹo kéo lại tràn lan.

PV Thanh Niên đặt câu hỏi về cơ sở pháp lý nào để UBND TT.Cam Lộ ra văn bản cấm, ông Hoàng cho biết ông đang đọc lại và đúng là thấy văn bản có nhiều thiếu sót. "Trong văn bản chúng tôi quy định sẽ có hiệu lực từ 1.3 nên đang cho xem lại kỹ hơn để chỉnh sửa cho phù hợp, hoặc thu hồi", ông Hoàng cho hay.

Theo Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, nếu hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau: sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300.000 đồng đối với cá nhân (tổ chức vi phạm phạt tiền từ 200 - 600.000 đồng).

Nếu hát karaoke ngoài khoảng thời gian nêu trên (6 giờ tới 22 giờ) gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật sẽ xử phạt, cụ thể: Tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 10 dBA: phạt từ 1 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 30 dBA: phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 40 triệu đồng đến 200 triệu đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.