Phương Tây bình luận gì về cuộc đấu pháo binh trong xung đột Ukraine?

Phương Tây bình luận gì về cuộc đấu pháo binh trong xung đột Ukraine?

19/08/2023 14:02 GMT+7

Pháo binh đã nhanh chóng chiếm vai trò then chốt trong hoạt động quân sự của cả Ukraine lẫn Nga từ đầu cuộc xung đột. Cho đến nay, khi Ukraine đang nỗ lực phản công, điều này vẫn không thay đổi.

Ông Davis Ellison, chuyên gia phân tích chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Hague (HCSS), nhận định với tờ Newsweek rằng: "Pháo binh cực kì quan trọng trong cuộc chiến này. Các cuộc pháo kích vào hậu phương Nga là một trong những hành động có tính quyết định nhất mà Ukraine đã thực hiện, kể cả trong chiến dịch phản công hiện tại".

Chuyên gia Paul van Hooft tại HCSS cũng đồng tình với ý kiến "pháo binh đã, và có vẻ vẫn còn quan trọng đối với các cuộc chiến trên bộ".

Pháo và đạn pháo luôn luôn chiếm vị trí ưu tiên trong danh sách đề nghị viện trợ của Kyiv. Gói viện trợ gần đây của Lầu Năm Góc cũng đã bổ sung đạn dược cho tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS và các hệ thống pháo khác. Mỹ cũng cung cấp đạn chùm cho Ukraine, bất chấp mọi tranh cãi, nhằm giúp pháo binh nước này tiếp tục hoạt động.

Nhận xét về cách Ukraine sử dụng pháo binh, ông Van Hooft cho rằng Ukraine có thể gặp nhiều khó khăn khi phải bắn tiết kiệm đạn. Theo các chuyên gia, mức độ tiêu thụ đạn hiện tại của Nga và Ukraine là chưa từng thấy ở châu Âu từ sau Thế chiến 2, và các lực lượng NATO chưa từng phải đối mặt với vấn đề này.

Tuy nhiên, rất khó để xác định chính xác số lượng pháo hai bên đã tổn thất trên chiến trường. Cả Nga và Ukraine đều tuyên bố đã tiêu diệt hơn 5.000 khẩu pháo của đối phương, nhưng số liệu này không thể kiểm chứng được.

Sở hữu 14 loại lựu pháo, Ukraine phải đối mặt với thách thức gì?

Theo nhà nghiên cứu Nick Reynolds thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) , khó biết rõ pháo binh Nga thiệt hại ra sao, nhưng hiện nước này đang bắn pháo ít hơn trước đây. Ông nói lý do có thể là tổn thất số lượng, nhưng cũng có thể liên quan đến hạn chế đạn dược.

Một số chuyên gia cho rằng quân đội Kyiv đã khắc chế chiến thuật của Moscow khi sử dụng pháo binh để tấn công hỏa lực Nga, với việc khai thác hiệu quả các thiết bị bay không người lái để xác định mục tiêu pháo kích.

Đại tá quân đội Anh đã nghỉ hưu Hamish de Bretton-Gordon, cựu chỉ huy các lực lượng phòng thủ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân của Anh và NATO, bình luận rằng Ukraine đặc biệt thành thạo trong việc sử dụng UAV để theo dõi vị trí rơi của đạn pháo để hiệu chỉnh đường đạn cho trúng mục tiêu.

Ông xem đây là "thay đổi cơ bản" giúp tăng độ chính xác của pháo binh mà các nước phương Tây đang học hỏi vì "nó thật sự hiệu quả".

Ông Van Hooft ca ngợi lực lượng vũ trang Ukraine đang tỏ ra sáng tạo và hiệu quả hơn các nước NATO, chẳng hạn pháo binh Ukraine mạnh mẽ hơn nhờ tích hợp UAV và các công nghệ như điện thoại thông minh và ứng dụng vào chiến tranh hiện đại.

Ông De Bretton-Gordon trong khi đó cho rằng Nga không có nhiều UAV để thực hiện các chiến thuật tương tự, đồng thời tân binh Nga cũng không được đào tạo phù hợp cho những cuộc đấu pháo của UAV hỗ trợ.

Trong các giai đoạn đầu của cuộc phản công, các chuyên gia cho rằng cả hai bên đang tìm diệt các tổ hợp pháo binh và trang thiết bị có giá trị cao của đối phương. Vài tuần sau đó, tốc độ phản công của Ukraine vẫn rất chậm khi vấp phải các tuyến phòng ngự kiên cố và bãi mìn dày đặc của Nga.

Ông Ellison cho rằng pháo binh của Ukraine gặp khó khăn trước hệ thống phòng thủ vững vàng và có chiều sâu được Nga xây dựng dọc theo tiền tuyến miền đông và miền nam Ukraine. Ông nhấn mạnh: "Lý tưởng là pháo binh cần hiệp đồng để yểm trợ bộ binh hay thiết giáp tấn công".

Xung đột Ukraine khẳng định vị thế "thần chiến tranh" của pháo binh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.