Phúc thẩm vụ Thuduc House: Cựu sếp nữ Cục Thuế TP.HCM kháng cáo xin án treo

Phúc thẩm vụ Thuduc House: Cựu sếp nữ Cục Thuế TP.HCM kháng cáo xin án treo

Nguyễn Anh
Nguyễn Anh
22/04/2024 14:17 GMT+7

Bị tòa cấp sơ thẩm tuyên 4 năm tù trong vụ án liên quan đến Thuduc House, cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh (55 tuổi) cho rằng bản án quá nặng và kháng cáo xin hưởng án treo.

Sáng 22.4, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (gọi tắt là Thuduc House).

Phiên tòa được mở ra do có 43 trong tổng số 67 bị cáo kháng cáo đề nghị tòa xem xét lại bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM. Ngoài ra, vụ án còn có kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm Thuduc House và Công ty TNHH thương mại quốc tế Hoàng Nam Anh.

Phúc thẩm vụ Thuduc House: Cựu sếp nữ Cục Thuế TP.HCM kháng cáo xin án treo

Trong vụ án, cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh (55 tuổi) bị cấp sơ thẩm là TAND TP.HCM phạt 4 năm tù về tội "vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" kháng cáo xin được hưởng án treo.

Cựu Phó cục trưởng cho rằng mức án 4 năm tù đối với bị cáo là quá nghiêm khắc. Bị cáo không có động cơ vụ lợi, thực hiện nhiệm vụ theo chức trách, hiểu biết pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế từng thời kỳ. Hậu quả vụ án đã khắc phục 100%, ngân sách nhà nước không bị thất thoát.

Phúc thẩm vụ Thuduc House: Cựu sếp nữ Cục Thuế TP.HCM kháng cáo xin án treo- Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa

NGUYỄN ANH

Theo hồ sơ vụ án từ năm 2016 - 2020, Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo thành lập nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài để lập hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động phạm tội.

Tại Việt Nam, Trịnh Tiến Dũng chỉ đạo nhiều người thành lập một số doanh nghiệp, trong đó phần lớn là các công ty ma (không có hoạt động kinh doanh thực tế), hoặc mua các CMND từ các nguồn trôi nổi và thuê làm giả để thành lập công ty, ký giả chữ ký giám đốc để mở tài khoản ngân hàng, mua bán trong nước và xuất nhập khẩu hàng hóa.

Để phục vụ chuyển tiền ra vào Việt Nam, lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế GTGT, Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo cấp dưới chuẩn bị sẵn một số hàng hóa, linh kiện điện tử là hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng, hàng có giá trị thấp.

Để hợp thức hóa đầu vào, Trịnh Tiến Dũng và Lưu Thị Ngát (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Khánh Hưng) thành lập và sử dụng 17 công ty vỏ bọc xuất hóa đơn GTGT khống để hợp thức hóa đầu vào cho Công ty Sài Gòn Tây Nam, Thuduc House và Công ty Hoàng Nam Anh để các công ty này xuất khẩu và hoàn thuế GTGT.

Sau khi tiền hàng và 10% tiền thuế GTGT (do các công ty Sài Gòn Tây Nam, Thuduc House và Công ty Hoàng Nam Anh ứng trước) được chuyển về tài khoản của 17 công ty vỏ bọc, Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo nhân viên, người quen, lao động tự do rút tiền, chuyển tiền, nộp tiền. Sau đó, làm thủ tục kê khai khống hàng hóa đầu vào để các “công ty ma” được khấu trừ, không phải nộp khoảng 9,9% tiền thuế GTGT, Lưu Thị Ngát được Trịnh Tiến Dũng trả phí dịch vụ 0,8%/tổng doanh số.

Từ đó, Trịnh Tiến Dũng và đồng phạm vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới gần 1.760 tỉ đồng; lừa đảo chiếm đoạt hơn 537 tỉ đồng thuế GTGT.

Giữa năm 2023, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm phạt cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh mức án 4 năm tù; các bị cáo còn lại bị phạt với 10 tội danh từ phạt tiền đến 30 năm tù. Trong đó, bị cáo Lưu Thị Ngát bị phạt 16 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong khi đó, Trịnh Tiến Dũng đã bỏ trốn và hiện đang bị truy nã.

Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Thuduc House phải trả cho Cục Thuế TP.HCM hơn 365 tỉ đồng, số tiền này đã được Thuduc House nộp vào tài khoản của cơ quan điều tra.

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 5 ngày, từ ngày 22.4 - 26.4.2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.