Phong thủy Kinh thành Huế: Những khiếm khuyết của Kinh thành Huế

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
21/08/2023 07:26 GMT+7

Mặc dù được các chúa Nguyễn chọn định đô và các vua triều Nguyễn kế tục, mở rộng để trở thành kinh đô của một triều đại, nhưng cuộc đất Kinh thành Huế vẫn có những khiếm khuyết về phong thủy.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế, khi bàn về địa thế phong thủy của xứ Huế, kiến trúc sư Lý Thái Sơn có một nhận xét thật thú vị: "Phong thủy của Huế là Kỳ lân hí cầu". Theo ông, có như vậy thì các vùng địa linh của VN mới có đủ hình "tứ tượng": Long (Thăng Long thành) - Quy (thành Gia Định thời Gia Long) - Phụng (thành Gia Định thời Minh Mạng) và Lân (Kinh thành Huế).

Cũng theo TS Phan Thanh Hải, Kinh thành Huế nằm sát bờ bắc sông Hương, trên chính nền cũ của đô thành Phú Xuân được mở rộng về 4 phía và vẫn trên trục "tọa Càn, hướng Tốn", lấy Ngự Bình làm tiền án.

Ngoài hướng chính là tây bắc - đông nam, Kinh thành còn có một hướng nữa - hướng chính nam để liên kết giữa Kinh thành và đàn Nam giao, đàn tế quan trọng nhất của vương triều, nằm cách Kỳ đài 3 km về phía nam. Sông Hương ngoài vai trò là "hoành thủy" (dòng nước chảy ngang trước mặt) còn là trục liên kết mềm giữa Kinh thành với các hệ lăng tẩm, đền miếu ở phía tây và tây nam và các cảng thị, chợ búa ở phía đông.

Phong thủy Kinh thành Huế: Những khiếm khuyết của Kinh thành Huế   - Ảnh 1.

Sông Kẻ Vạn cũng là con sông đào từ sông Hương dẫn nước vào Kinh thành để cải tạo phong thủy

B.N.L

Hệ thủy đạo của Kinh thành cũng được điều chỉnh, tạo cho cuộc đất Kinh thành cái thế "Tứ thủy triều quy"- bốn mặt đều là nước vây bọc. Sông Kim Long bị lấp hẳn ở phần phía tây để triệt tiêu cái họa "tà lưu thủy" gây bất an cho chủ nhân Kinh thành. Một phần dòng sông chảy bên trong đất Kinh thành thì được cải tạo lại thành các ao hồ và một đoạn của Ngự Hà. Từ năm 1825, do nhu cầu giao thông và cấp thoát nước, vua Minh Mạng cho đào thêm đoạn Ngự Hà ở phía tây, nối thông ra bên ngoài (qua cửa Tây Thành Thủy Quan). Dẫu đã cố gắng tránh xa Hoàng thành nhưng đây vẫn là một điều bất lợi về phong thủy. Mùa nước lũ, Ngự Hà lại chảy xiết, xói thẳng vào phía lưng Kinh thành, tạo thế "Trực thủy xung môn" thường gây ra những biến động bất lợi (chủ nhà bất an, gia tộc ly tán…) nhất là trong những năm Thân, Dậu (tức những năm vượng về Kim).

ĐÀO SÔNG ĐIỀU CHỈNH LONG MẠCH

Thế nhưng, theo chuyên gia phong thủy - TS Đoàn Trung Hữu, cuộc đất Kinh thành Huế dù có phong thủy đế vương, nhưng vẫn có khiếm khuyết đó là Huyền võ (tức phần dựa lưng), tuy có dãy Hoành Sơn bọc hậu nhưng long mạch chính lại theo mạch sông Hương, nên phần sau lưng hơi mỏng. Thêm nữa, cánh Bạch hổ phía bên phải rất dày và mạnh, nhưng cánh Thanh long (bên trái, cánh đàn ông) lại yếu.

Phong thủy Kinh thành Huế: Những khiếm khuyết của Kinh thành Huế   - Ảnh 2.

Sông Đông Ba nhìn từ điểm đầu sông Hương vào là con sông đào nhằm mục đích nắn chỉnh phong thủy

V.T

Cũng theo TS Đoàn Trung Hữu, các vua nhà Nguyễn và quân sư của họ chính là những người có am hiểu sâu sắc về phong thủy nên đã nỗ lực cải tạo cuộc đất. Việc đào sông Kẻ Vạn (ở Kim Long) để lấy nước sông Hương dẫn vào sông Bạch Yến bọc hậu sau Kinh thành nhằm tạo Huyền võ thủy và lấy nước đinh dẫn vào sông Ngự Hà (chảy trong Kinh thành) để củng cố con cháu nhằm mục đích phát đinh (phát con trai). Việc đào sông Đông Ba nối về Bao Vinh ra phá Tam Giang nhằm tạo Thanh long thủy, hỗ trợ thêm cho cánh đàn ông.

Theo tư liệu lịch sử, sông Kẻ Vạn (nay thuộc P.Kim Long, TP.Huế) được đào vào năm 1814 - 1815, dưới thời vua Gia Long, còn được gọi là Hữu Hộ Thành hà.

Sông có chiều dài 5,5 km, bắt đầu từ sông Hương ở khu vực cầu Bạch Hổ, chảy dọc mặt tây Kinh thành, nối với sông Bạch Yến rồi đổ vào Cửa Hậu ở mặt bắc Kinh thành.

Ngoài lý do phong thủy, sông còn có chức năng quân sự, giao thông… Dưới triều Nguyễn, dọc bờ sông là các trại thủy quân, có âu thuyền để neo đậu và tu sửa định kỳ các loại thuyền bè. Sau đó, gia đình lính thủy dần dần định cư ven bờ khu vực làng Vạn Xuân, từ đó nhân dân gọi là làng Kẻ Vạn. Cũng từ đó, khu vực này hình thành bến đò và chợ Kẻ Vạn…

Cùng với sông Kẻ Vạn (bên phải Kinh thành), sông Đông Ba (bên trái Kinh thành, nay nằm giữa hai phường Đông Ba và Gia Hội, TP.Huế) chảy dọc theo mặt phía đông Kinh thành Huế cũng là con sông đào thời Gia Long. Sông có chiều dài khoảng 3 km nối liền đoạn sông Hương từ phía cầu Gia Hội đến phố cổ Bao Vinh, có nhiệm vụ phòng hộ phía đông Kinh thành Huế.

Dưới thời Nguyễn, sông Đông Ba có tên là Tả Hộ Thành hà, tức là con sông bảo vệ phía bên trái Kinh thành. Năm 1808, vua Gia Long đã cho xây ba cây cầu bắc qua sông gồm cầu An Hội, cầu Đông Gia, cầu Thanh Tước, đến thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị đổi tên thành cầu Gia Hội, cầu Đông Ba và cầu Đông Hội. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.