Phong thủy Kinh thành Huế: Đệ nhất án Ngự Bình

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
22/08/2023 07:30 GMT+7

Điểm nổi bật nhất của phong thủy Kinh thành Huế là núi Ngự Bình được chọn để làm tiền án. Vậy ngọn núi này có gì đặc biệt?

Theo Dư địa chí Thừa Thiên-Huế, núi Ngự Bình, gọi ngắn gọn là núi Ngự, trước có tên là hòn Mô hay núi Bằng (Bằng sơn), là một hòn núi đất cao 103 m ở bờ nam sông Hương, cách Kinh thành Huế khoảng 4 km về phía nam. Núi Ngự có dạng hình thang, đỉnh bằng phẳng, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Phụ sơn và Hữu Bật sơn. Vương triều Nguyễn khi xây dựng Kinh thành Huế đã chọn núi này làm tiền án của hệ thống phòng thành đồ sộ, kiên cố.

Núi Ngự Bình nằm trên trục chính của Kinh thành Huế. Theo TS Phan Thanh Hải, đây là trục dũng đạo, thẳng hướng tây bắc - đông nam, chạy xuyên tâm với Kinh thành. Trên trục dũng đạo là các công trình Kỳ đài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Cần Chánh… đến cửa Hòa Bình. Trục này cũng chạy xuyên tâm hệ thống thành quách, gồm: Kinh thành (thành ngoài), Hoàng thành và Tử cấm thành (thành trong), quay mặt về, được xây dựa vào địa thế của núi Ngự, sông Hương.

Phong thủy Kinh thành Huế: Đệ nhất án Ngự Bình - Ảnh 1.

Núi Ngự Bình trong tổng thể quần sơn làm tiền án nhìn từ điện Thái Hòa ra Ngọ Môn - Kỳ đài

V.T

Bởi núi có hình dạng như thế, nên khi chúa Nguyễn Phúc Thái (vị chúa thứ 5, ở ngôi: 1687 - 1691) dời thủ phủ Đàng Trong từ làng Kim Long (thuộc H.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên) về làng Phú Xuân (chỗ của Kinh thành Huế ngày nay) vào năm 1687, đã dùng núi ấy làm án (chắn ngang) trước thủ phủ. Về sau, khi chúa Nguyễn Phúc Khoát (ở ngôi: 1738 - 1765) xây dựng đô thành Phú Xuân (hoàn tất năm 1739), và vua Gia Long xây dựng Kinh thành Huế (1805) cũng đặt núi Bằng làm án.

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: "Ở phía đông bắc Hương Thủy, nổi vọt lên ở quãng đất bằng như hình bức bình phong làm lớp án thứ nhất trước Kinh thành Huế, tục gọi là núi Bằng, đời Gia Long đặt cho tên hiện nay (Ngự Bình), đỉnh núi bằng phẳng, khắp nơi trồng thông".

Sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Tổng tài Cao Xuân Dục cũng viết về núi này như sau: "Núi Ngự Bình, tục gọi là núi Bằng... vuông chằn chặn như bức bình phong, là bức án trọng yếu bậc nhất phía trước Kinh thành".

Năm 1822, vua Minh Mạng nhân ngự giá lên Ngự Bình đã đặt tên cho hai ngọn núi nhỏ hai bên là Tả Phụ sơn và Hữu Bật sơn. Năm 1836, khi đúc Cửu đỉnh, hình tượng núi Ngự Bình đã được nhà vua cho khắc vào Nhân đỉnh.

Núi Ngự Bình là một trong 20 thắng cảnh của Kinh đô do vua Thiệu Trị chọn và có làm thơ trong tập thơ ngự chế. Bài thơ đã được khắc vào một tấm bia bằng đá thanh, kích cỡ 1,35 m x 0,52 m x 0,175 m, đặt trong một nhà bia xây gạch kiểu vòm cuốn khá kiên cố, tọa lạc ngay dưới chân núi. Đến nay, toàn bộ tấm bia vẫn còn nguyên vẹn dù nhà bia đã bị hư hỏng khá nặng.

Kể từ thời Gia Long đã đặt ra lệ tất cả quan lại không phân biệt phẩm trật lớn nhỏ, mỗi người đều phải trồng ở Ngự Bình một cây thông, cho nên trải các đời vua, Ngự Bình trở thành một rừng thông cảnh quan tuyệt đẹp. Bởi vẻ đẹp ấy, nên núi được nhiều người đến viếng và làm thơ đề vịnh, trong số đó có vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị.

Phong thủy Kinh thành Huế: Đệ nhất án Ngự Bình - Ảnh 2.

Núi Ngự Bình nhìn từ Kỳ đài ra Phu Văn Lâu thẳng hướng về phía đông nam

Bùi Ngọc Long

NGỰ BÌNH DƯỚI CÁI NHÌN PHONG THủy

TS Hán - Nôm Đoàn Trung Hữu, người có nhiều năm nghiên cứu phong thủy, cho rằng theo lời chỉ điểm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hoàng đã vào Thuận Quảng để khởi nghiệp. Nhưng từ đèo Ngang vào tới Hải Vân, không có ngọn núi nào đặc biệt hội đủ các yếu tố để làm tiền án cho cuộc đất đế vương như núi Ngự Bình.

Thứ nhất, núi Ngự Bình nhô lên giữa vùng đất bằng phẳng có chiều cao vừa phải, hình thế núi cân đối, hai bên còn có hai núi nhỏ là Bân sơn (nơi Tây Sơn đặt đàn Nam Giao) và núi Tam Thai phù trợ. Thứ nữa, núi nằm cách sông Hương một khoảng cách lý tưởng để có thể chọn làm tiền án, nếu núi nằm sát ngay sông hoặc quá xa đều không tốt. Đối với phong thủy, Ngự Bình chính là đệ nhất án: Án vua!

Chính vì vậy, trong lời dẫn của Ngự chế thi của vua Thiệu Trị có mô tả: "Xuất bình địa chi giao cao khởi, quần phong triều củng, tráng thùy thiên chi thế đoan lâm, đương khuyết phiên bình" (Núi cao nổi lên giữa khu vực bình địa, có nhiều núi chầu về, sừng sững đến trời cao tạo bức bình phong của kinh thành).

Theo TS Đoàn Trung Hữu, dưới cái nhìn phong thủy, tất cả những yếu tố khác của cuộc đất Kinh thành Huế đều ở dạng ẩn tàng, ít lộ bày chỉ duy nhất núi Ngự Bình là tiền án nổi bật nhất. (còn tiếp) 

Ngày nay, núi Ngự Bình đã bị người dân lấn chiếm làm nghĩa địa từ chân núi lấn lên gần 1/2 núi cả 4 mặt. Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giao UBND TP.Huế triển khai dự án giải tỏa, di dời mồ mả chỉnh trang khu vực núi Ngự Bình. Dự án chỉnh trang phát huy giá trị cảnh quan núi Ngự Bình và cảnh quan khu vực tượng đài Quang Trung thực hiện phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn đảm bảo phù hợp với nguồn lực của tỉnh và thành phố. Trong đó, giai đoạn 1 ưu tiên thực hiện di dời khu vực nghĩa địa chân núi Ngự Bình tính từ đường Ngự Bình vào núi với quy mô khoảng 9 ha song song với việc giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu vực tạo quỹ đất để có nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn tiếp theo; phấn đấu thực hiện xong toàn bộ khu vực trong năm 2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.