Phát hiện 'mặt gương' bí ẩn, lớn nhất vũ trụ

11/07/2023 11:10 GMT+7

Các nhà khoa học vừa tìm thấy hành tinh sáng nhất từ trước đến nay, cũng là "mặt gương" lớn nhất của vũ trụ từng được biết đến.

Phát hiện 'mặt gương' bí ẩn, lớn nhất vũ trụ - Ảnh 1.

Hình ảnh mô phỏng hành tinh LTT9779b

ĐẠI HỌC CHILE

Mây có thể phản xạ nhiều ánh sáng. Mây trên trái đất phản xạ khoảng 30% lượng ánh sáng từ mặt trời vào không gian, trong khi sao Kim phản ánh đến 75%, biến nó thành vật thể sáng nhất trên bầu trời đêm của địa cầu.

Giờ đây, các nhà thiên văn học đã phát hiện hành tinh còn sáng hơn cả sao Kim. Theo báo cáo trên chuyên san Astronomy & Astrophysics, hành tinh tên LTT9779b phản xạ 80% lượng ánh sáng tiếp nhận từ sao trung tâm. Điều này giúp nó trở thành hành tinh sáng nhất từng được biết, hoặc "mặt gương" sáng nhất vũ trụ.

LTT9779b được phát hiện thông qua qua sứ mệnh Cheops của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA). Hành tinh mất khoảng 19 giờ để hoàn thành vòng quay xung quanh một ngôi sao giống mặt trời của chúng ta.

Khoảng cách giữa nó với sao trung tâm gần đến nỗi mặt bị khóa chặt về hướng ngôi sao có nhiệt độ ước tính lên đến 2.000 độ C.

LTT9779b nặng hơn và lớn hơn một ít so với Hải Vương tinh. Đặc điểm gây ấn tượng nhất của hành tinh này những tầng mây có mức độ phản xạ ánh sáng cực cao vì cấu tạo từ các nguyên tố kim loại và khoáng chất silica.

"Thử tưởng tượng một thế giới ngùn ngụt lửa cháy, sát bên sao trung tâm, với những tầng mây kim loại nặng trôi nổi trong khí quyển, còn mưa rơi xuống toàn là những hạt kim loại titanium", theo đồng tác giả James Jenkins, nhà thiên văn học của Đại học Diego Portales và CATA (Santiago, Chile).

Sự tồn tại của LTT9779b quả thật là một điều bí ẩn. Thông thường, những hành tinh cỡ Hải Vương tinh và ở gần sao trung tâm gần như vô phương duy trì khí quyển của chúng. Lẽ ra chúng chỉ còn lại phần lõi đặc cỡ kích thước trái đất.

Việc LTT9779b vẫn giữ được bầu khí quyển và những lớp mây dày bao quanh bề mặt hành tinh có thể là nhờ vào khả năng phản xạ ánh sáng cực cao của nó.

Mây của LTT9779b là một bí ẩn khác. Ở nhiệt độ nóng khủng khiếp, lẽ ra mây không thể nào được tiếp tục duy trì, cho dù chúng có cấu tạo từ thủy tinh hoặc kim loại.

Từ ngưỡng nhiệt độ 100 độ C trở lên, mây dưới dạng nước không thể hình thành vì quá nóng. Thế nhưng, hành tinh vẫn tồn tại với khí quyển và mây, đi ngược lại mọi quy tắc mà con người từng biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.