Phát hiện học sinh triệu chứng đau mắt đỏ, nhà trường cần làm gì?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
10/09/2023 19:03 GMT+7

Nhiều học sinh TP.HCM bị đau mắt đỏ ngay khi năm học mới vừa bắt đầu, công tác phòng chống dịch đau mắt đỏ đang được triển khai mạnh mẽ tại các địa phương, từ phòng GD-ĐT tới các trường học.

Phát hiện học sinh triệu chứng đau mắt đỏ, nhà trường cần làm gì? - Ảnh 1.

Trẻ em bị đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt TP.HCM

BVCC

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ đầu năm 2023 đến ngày 31.8, tổng số ca bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM là 63.309 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022 là 53.573 ca.

Dịch đau mắt đỏ dễ lây lan trong môi trường trường học, phụ huynh cần lưu ý gì?

Trong tổng số 63.039 ca bệnh đau mắt đỏ ở TP.HCM, có 1.001 ca có biến chứng, chiếm 1,59%. Các biến chứng của bệnh viêm kết mạc thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực,...

Số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh viêm kết mạc trong 8 tháng đầu năm 2023 là 15.402 ca, chiếm 24,43%.

Không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ có chỉ định nghỉ học đến trường

Để nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch đau mắt đỏ trong các cơ sở giáo dục, Phòng GD-ĐT Q.7, TP.HCM vừa ban hành hướng dẫn về việc tăng cường các hoạt động phòng bệnh đau mắt đỏ. Ông Hà Thanh Hải, Phó phòng GD-ĐT Q.7, đề nghị các cơ sở giáo dục cần chủ động triển khai các biện pháp để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do virus (thường gặp là Adenovirus).

Đã xác định 2 tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ ở TP.HCM

"Khi phát hiện học sinh có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tại hoặc dưới hàm... cần hướng dẫn trẻ đi khám ngay tại cơ sở khám chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Đồng thời báo cáo kết quả khám bệnh cho giáo viên chủ nhiệm được biết", ông Hà Thanh Hải nhấn mạnh.

Phát hiện học sinh triệu chứng đau mắt đỏ, nhà trường cần làm gì? - Ảnh 2.

Học sinh thực hành rửa tay thường xuyên với xà phòng cũng là cách để phòng chống đau mắt đỏ

THÚY HẰNG

Trong trường hợp phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong lớp học, cần làm gì? Phòng GD-ĐT Q.7 cho biết cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh; Thông báo thông tin ca bệnh cho trạm y tế để phối hợp xử lý.

"Các đơn vị giáo dục cần đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức cho giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và phụ huynh. Truyền thông tạo sự đồng thuận cho phụ huynh với thông điệp không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ có chỉ định nghỉ học đến trường", Phó phòng GD-ĐT Q.7, TP.HCM lưu ý.

HCDC cũng lưu ý, khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ thì cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp. Chỉ định nghỉ làm hay học sinh cần nghỉ học hay không là do bác sĩ quyết định.

Xem nhanh 12h ngày 10.9: Cách chữa đau mắt đỏ tại nhà | Người dân có được đăng clip CSGT?

Các trường chủ động phòng dịch

Phòng GD-ĐT Q.11 cũng triển khai các biện pháp tuyên truyền về phòng chống dịch đau mắt đỏ tới các cơ sở giáo dục trong quận, hướng dẫn các trường học vệ sinh trường lớp, tuyên truyền về cách phòng chống bệnh tới cha mẹ học sinh, giáo viên, học sinh.

Tại quận Q.12, mới đây giáo viên Trường tiểu học Hà Huy Giáp nhắn tin cho phụ huynh tuyên truyền về phòng chống dịch đau mắt đỏ để phụ huynh phối hợp thực hiện, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho con em mình tại nhà.

Trường tiểu học Kim Đồng, Q.12; Trường tiểu học Nguyễn An Khương, Q.12… cũng phát đi thông báo về các phương pháp làm gì để phòng chống bệnh cũng như các cách để phòng tránh bệnh lây lan.

Bên cạnh đó, nhiều trường tiểu học khác tại TP.HCM đều gửi thông tin tới phụ huynh học sinh, nhấn mạnh cách để phụ huynh chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ cho con em mình. 

Phát hiện học sinh triệu chứng đau mắt đỏ, nhà trường cần làm gì? - Ảnh 3.

Học sinh kiểm tra sức khỏe đầu năm tại trường học, trong đó có kiểm tra mắt

THÚY HẰNG


Kiểm tra sức khỏe ban đầu cho học sinh

Mới đây, Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, TP.HCM có công văn chỉ đạo về việc kiểm tra sức khỏe ban đầu cho học sinh tại các cơ sở giáo dục. Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, TP.HCM Trịnh Vĩnh Thanh đề nghị các cơ sở giáo dục kiểm tra sức khỏe ban đầu cho học sinh theo đúng quy định; Báo cáo sức khỏe học sinh trên cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD-ĐT; Cập nhật kết quả kiểm tra sức khỏe của học sinh vào sổ theo dõi sức khỏe học sinh theo quy định...

Theo HCDC, các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ như sau:

  1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. 
  2. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. 
  3. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… 
  4. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. 
  5. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. 
  6. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. 
  7. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
  8. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.