An toàn cho trẻ mầm non học hè

Thúy Hằng
Thúy Hằng
16/06/2023 08:09 GMT+7

Ngày 15.6, các trường mầm non tại TP.HCM bắt đầu giữ trẻ trong hè. Trước tình hình bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng, các trường đã có kế hoạch phòng chống, hướng dẫn gia đình trẻ cùng chăm sóc, bảo vệ trẻ em như thế nào?

TRƯỜNG LỚP SẠCH SẼ, SẴN SÀNG CÁC HOẠT ĐỘNG HÈ

Từ ngày 12 - 14.6 vừa qua, các giáo viên, nhân viên Trường mầm non Sơn Ca 14 (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã tăng cường dọn dẹp, tổng vệ sinh trường, phòng học, đồ chơi, đồ dùng học tập để ngày 15.6 sẵn sàng đón trẻ tới lớp.

Cô Lê Cẩm Linh, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca 14, cho biết năm nay có 289 phụ huynh đăng ký cho bé đến trường dịp hè. Cô Linh cho hay nhà trường xây dựng kế hoạch hoạt động hè, phân công nhân sự và có biên bản kiểm tra các khâu.

"Trong thời gian hè từ 15.6 - 15.8, trẻ mầm non ở trường sẽ có chương trình hoạt động riêng. Nhà trường căn cứ theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM, Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, xây dựng chương trình riêng, chủ yếu giúp trẻ phát triển kỹ năng, tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích", cô Lê Cẩm Linh nói.

An toàn cho trẻ mầm non học hè - Ảnh 1.

Các cô giáo Trường mầm non Sơn Ca 14 (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vệ sinh trường lớp trong ngày 14.6, sẵn sàng đón trẻ đến trường dịp hè

CẨM LINH

Tại Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM), cô Lâm Thị Thùy Loan, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay có 220 trẻ được phụ huynh đăng ký đến trường dịp hè. Nhà trường đã hoàn tất việc dọn dẹp, sửa sang trường lớp ngay đầu tháng 6 để sẵn sàng đón trẻ vào ngày 15.6.

Là trường mầm non tư thục, hoạt động xuyên suốt 12 tháng trong năm, Trường mầm non Sao Mai (Q.8, TP.HCM) thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát quang các bồn cây, tỉa cành cho không gian cây xanh ngoài cổng trường đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, phòng ngừa dịch bệnh. Trong dịp hè, nhà trường tăng cường các hoạt động vui chơi, cho trẻ trải nghiệm làm gốm, vẽ tranh, thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe, phát huy trí sáng tạo…

CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Trong bối cảnh tình hình bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng, các trường mầm non cho biết đã có kế hoạch triển khai các biện pháp phòng chống theo hướng dẫn của ngành y tế, đồng thời thông tin rộng rãi để phụ huynh hợp tác với nhà trường trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Trường mầm non Phú Mỹ (Q.7, TP.HCM) có khá đông phụ huynh đăng ký gửi con ngày hè. Cô Phạm Bảo Hạnh, Hiệu trưởng, cho biết số trẻ em tham gia học hè bằng khoảng 70% sĩ số trẻ em trong năm học 2022 - 2023. Trước ngày trẻ trở lại trường vào dịp hè (15.6), giáo viên, nhân viên nhà trường đã thực hiện vệ sinh lớp học, khuôn viên sân trường, khu nhà bếp, các phòng học chức năng, vệ sinh mặt bàn ghế, vệ sinh đồ chơi, đồ dùng học tập sạch sẽ, đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.

An toàn cho trẻ mầm non học hè - Ảnh 2.

Trẻ em trải nghiệm làm gốm tại Trường mầm non Sao Mai (Q.8, TP.HCM) dịp hè

NHÀ TRƯỜNG CUNG CẤP

Trong khi đó, ngay từ đầu tháng 6.2023, Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận (TP.HCM) đã gửi các thông tin tuyên truyền về bệnh tay chân miệng đến các trường mầm non để trường chuyển đến các phụ huynh, phối hợp cùng chăm sóc, bảo vệ trẻ, phòng ngừa bệnh.

Còn tại Trường mầm non Hoa Đào (Q.12, TP.HCM), trước khi đón trẻ tới trường vào dịp hè, nhà trường đã tiến hành tổng vệ sinh trường lớp, đồ chơi, không gian chơi ngoài sân, các phòng chức năng… Thông qua các nhóm Zalo của lớp, các giáo viên cũng thông tin về tình hình bệnh tay chân miệng, các văn bản chỉ đạo, khuyến cáo của ngành y để giáo viên và phụ huynh cùng phối hợp, đảm bảo an toàn cho trẻ trong thời gian ở nhà cũng như khi đến trường.

NHIỀU BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO TRẺ

Theo Bộ Y tế, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay cả nước có gần 9.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 3 bệnh nhân tử vong.

Trước tình hình bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng, ngày 6.6 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế, Sở GD-ĐT và các sở, ngành liên quan khẩn trương tăng cường phòng chống.

Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Y tế chủ trì phối hợp các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, tập trung phòng chống bệnh tay chân miệng tại các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh như: điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, khu dân cư, khu nhà trọ có nhiều trẻ em. Xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế lây lan. Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng. Chuẩn bị sẵn sàng việc thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng theo đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế. Chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp…

An toàn cho trẻ mầm non học hè - Ảnh 3.

Sẵn sàng đón trẻ đến trường dịp hè

CẨM LINH

Đầu tháng 6.2023, trong văn bản số 2673 do bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ký có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức gửi trẻ, giữ trẻ trong hè. Sở yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện quy định về phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo đủ số lượng giáo viên/trẻ theo quy định. Nhà trường phải tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng như: tự phục vụ, hoạt động vui chơi, trải nghiệm, rèn luyện thể lực... Đối với trẻ mới vào cơ sở giáo dục mầm non, nhà trường phải tạo điều kiện cho cha mẹ, người chăm sóc đưa trẻ vào làm quen với lớp, chế độ sinh hoạt. Cơ sở mầm non đồng thời hỗ trợ phụ huynh cập nhật thông tin của trẻ chuẩn bị vào lớp 1. 

Hơn 44.000 học sinh ở Gia Lai được học bơi

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, trong năm học qua có hơn 44.000 học sinh tỉnh này được tiếp cận với hoạt động học bơi trong trường học.

Hiện toàn tỉnh Gia Lai có 64 bể bơi trong các cơ sở giáo dục và 406 giáo viên, nhân viên tham gia dạy bơi, trong đó 348 người có chứng chỉ/chứng nhận dạy bơi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GD-ĐT Gia Lai, số học sinh trên địa bàn được dạy bơi vẫn còn quá ít.

Năm 2022, Gia Lai có 59 vụ đuối nước khiến 60 em tử vong. Từ đầu năm đến nay, tỉnh này đã có hơn 20 vụ đuối nước khiến hơn 30 học sinh tử vong. Đây là một trong những tỉnh có số học sinh tử vong do đuối nước cao. 

Trần Hiếu

Nhận diện và chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng

Ngày 14.6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phát thông báo về nhận diện, chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng. Theo HCDC, bệnh tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh dễ lây lan nhất nếu do Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Đa phần trẻ mắc bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên ở một số trường hợp, trẻ có thể diễn tiến nặng với các biến chứng ảnh hưởng tới não bộ, tim…

Trẻ mắc tay chân miệng ban đầu sẽ nổi bóng nước. Nếu bóng nước ở trong miệng thì vỡ ra thành vết loét, còn bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông thì thường không bị vỡ ra và sau đó sẽ khô dần. Diễn tiến bệnh thường kéo dài từ 5 - 7 ngày, có thể nhiều hơn 10 ngày. Sau đó bóng nước có thể tự khô, tự ổn định và tự khỏi.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tự khỏi chiếm khoảng trên 90% trường hợp. Còn lại trẻ mắc bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng ảnh hưởng tới não bộ, thân não gây ra suy hô hấp; ảnh hưởng tới tim gây ra viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp… thậm chí dẫn đến tử vong.

Do đó, HCDC lưu ý khi chăm sóc trẻ bệnh, người chăm sóc cần theo dõi kỹ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo trẻ chuyển bệnh nặng (trẻ thay đổi giấc ngủ, giật mình, chới với...). Khi đó, chúng ta cần mang ngay trẻ đến bệnh viện vì thời gian giữ lại mạng sống cho trẻ khi có biến chứng lên não là khoảng 6 - 12 tiếng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.