Phá cách cùng thời trang phi giới tính

06/01/2016 05:10 GMT+7

Không chỉ có phong cách khác biệt, sự xuất hiện của thời trang unisex (phi giới tính) còn được cho là đảm bảo bình đẳng giới.

Không chỉ có phong cách khác biệt, sự xuất hiện của thời trang unisex (phi giới tính) còn được cho là đảm bảo bình đẳng giới.

Phong cách phi giới tính ấn tượng của thí sinh trong cuộc thi thiết kế thời trang - Ảnh: Thanh CaoPhong cách phi giới tính ấn tượng của thí sinh trong cuộc thi thiết kế thời trang - Ảnh: Thanh Cao
Quyền chuyển đổi giới tính trong bộ luật Dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2015 đã góp phần tạo thêm sự cởi mở dành cho cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) - đối tượng lớn của thời trang phi giới tính. Nếu như trước đây chuyện nam mặc áo quần, sử dụng các phụ kiện của nữ và ngược lại chỉ xuất hiện trên sàn diễn, thì hiện tại xu hướng này có thể bắt gặp ngay trên phố. Hiểu theo một cách đơn giản, phi giới tính là phong cách có thể phù hợp với cả hai giới, có thể biến hóa từ đơn giản đến cầu kỳ.
“Độc” mà không “dị”
Với những bạn trẻ yêu thời trang thì Kelbin Lei, Gil Le, Lý Quý Khánh, Đỗ Mạnh Cường… đã không còn xa lạ. Cách phối trang phục - phụ kiện của họ khá nhuần nhuyễn đã tạo được dấu ấn riêng và đều đi theo phong cách phi giới tính. Tuy nhiên, nhìn thì dễ nhưng để phối đồ đẹp và không gây phản cảm là cả một... nghệ thuật.


Theo nghiên cứu của Mary Rizzo thuộc ĐH Rutgers University Newark (New Jersey, Mỹ), trào lưu này đã manh nha từ năm 1824 ở châu Âu, phát triển mạnh ở thế kỷ 19 khi nhà nữ quyền Amelia Bloomer đấu tranh cho quyền được... mặc quần của phụ nữ. Việc đàn ông để tóc dài vào những năm 1960 với trào lưu hippy ở Mỹ hay chuyện mặc quần áo thể thao của dân hiphop vào thập niên 1980 cũng là biểu hiện của unisex.

Hoàng Tú, du học sinh VN ở Canada, thừa nhận mình thuộc giới tính thứ ba. Tú chia sẻ rằng mình khá thoải mái khi diện đồ phi giới tính như quần ống rộng, quần bó, túi tote (túi bản lớn) hoặc đeo vòng tay nhiều màu.
“Ở nước ngoài thì không ai nói gì, về VN khi đi ngoài đường mình mặc như vậy người ta hay xì xào. Nhưng mình cũng không để tâm, vì mình cảm thấy nó đẹp và tự tin. Suy nghĩ của người khác, mình làm sao điều khiển được”, Tú nói.
Anh Vũ, chuyên viên tổ chức sự kiện ở TP.HCM, “rất thích trào lưu này nhưng chưa đủ can đảm diện nó ra đường”. “Lâu lâu đi trên đường cũng thấy mấy du khách nước ngoài, nhất là thanh niên Nhật, mặc trang phục phi giới tính nhìn rất “chất”. Mình cũng muốn thử nhưng lại ngại người ta nhìn ngó rồi xì xào về giới tính…”, Vũ chia sẻ.
Trần Nguyên, nhân viên shop thời trang ở Q.1, cho biết nhiều bạn trẻ hiện cũng rất chuộng đồ phi giới tính, nhưng đa phần cách phối hợp trang phục vẫn dừng lại ở mức “an toàn”. “Đa số chọn màu đen hoặc trắng, hai màu căn bản nhất mà nam nữ đều mặc được. Áo thun hay sơ mi trơn, quần jeans, giày kiểu dáng cổ điển, ba lô, nón phớt, đồng hồ hay nước hoa... là những món không thể thiếu trong phong cách này. Phá cách hơn một chút là áo in họa tiết, áo khoác dáng dài, bông tai... đa phần là hàng nhập, trong nước gần như không có”, Nguyên nói.
Thể hiện cái tôi ?
Từng làm giám khảo của cuộc thi dành cho tín đồ thời trang VN, Kelbin Lei (tên thật là Lê Hoàng Anh Khoa), khẳng định xu hướng, gu thẩm mỹ cá nhân là yếu tố để tạo nên phong cách. Xây dựng hình ảnh “người mẫu lưỡng tính” đã nhiều năm, điểm thành công của Kelbin là giữ được vẻ thời thượng trong những set đồ “nữ tính”, theo nhiều người nhận định.
Môt bộ trang phục phong cách phi giới tínhMôt bộ trang phục phong cách phi giới tính

Chính vẻ ngoài ấn tượng cũng tạo cho anh chàng cơ hội xuất hiện trong các sự kiện giải trí với vị trí khách mời và đưa đẩy đến việc kinh doanh thời trang riêng. Hay ca sĩ trẻ Đào Bá Lộc, phong cách phi giới tính với quần bó, áo ôm, trang điểm mắt đậm cũng đã trở thành “thương hiệu” sau cuộc thi The Voice. Còn cô bạn Gil Lê, trước khi bật lên với vai diễn trong phim Yêu đang tạo hiệu ứng tốt, cũng đã “bỏ túi” một lượng lớn người hâm mộ bởi phong cách cực cá tính, với vẻ “đẹp trai” rất thời thượng.
Theo Hoàng Tú, một lý do khiến một bộ phận giới trẻ thích thời trang phi giới tính là sự ảnh hưởng từ văn hóa thần tượng ở Hàn Quốc, khi những “nam thần” đều trang điểm và kẻ mắt, quần áo đầu tóc thì bóng bẩy, nổi bật. Tú cho rằng, việc thể hiện cái tôi hay bình đẳng giới vẫn chưa phải là “sứ mệnh” của trào lưu phi giới tính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.