Không đồng tình việc nâng tuổi nghỉ hưu

30/05/2014 03:00 GMT+7

Đây là quan điểm của khá nhiều đại biểu Quốc hội trong các phiên thảo luận ở tổ hôm qua 29.5 về dự án luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Đây là quan điểm của khá nhiều đại biểu Quốc hội trong các phiên thảo luận ở tổ hôm qua 29.5 về dự án luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Không đồng tình việc nâng tuổi nghỉ hưu

Với một số ngành nghề đặc thù, việc tăng tuổi nghỉ hưu là không hợp lý - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Hiện nay, Chính phủ còn nợ Quỹ BHXH hơn 50.000 tỉ và vẫn đang xin khất. Nếu QH thông qua điều khoản này, mỗi năm QH sẽ phải chuyển cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bao nhiêu nghìn tỉ để nộp bảo hiểm cho các đối tượng này?

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình)

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhận định dự thảo chưa thực sự hướng đến lợi ích của người dân mà mới chỉ tập trung giải pháp giải quyết tình trạng mất cân đối của quỹ hưu trí bằng cách tăng nghĩa vụ cho người lao động (NLĐ), người sử dụng LĐ chứ chưa thấy có giải pháp, nghĩa vụ của các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ĐB Thường, quy định bổ sung đối tượng người nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là chưa hợp lý. Theo đó, chỉ nên quy định điều khoản này đối với NLĐ của những nước mà VN đã có quy định hợp tác quốc tế hay có hiệp định song phương về lĩnh vực BHXH nhằm tạo điều kiện cho LĐ của nước này khi sang làm việc ở nước kia.

ĐB Thường cũng bày tỏ không đồng tình với quy định tăng độ tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức. Thay vào đó, việc nâng tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo điều 187 của bộ luật LĐ. Bình luận về vấn đề này, ĐB Đào Tiến Sinh (Hòa Bình) chỉ ra tình trạng độ tuổi LĐ đã được quy định trong bộ luật LĐ, tuy nhiên không chỉ dự luật BHXH mà nhiều dự luật khác cũng có các quy định tuổi riêng, tạo thành “trào lưu” các luật vi phạm bộ luật LĐ.

Theo ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam), việc nâng tuổi nghỉ hưu mà không xem xét các yếu tố liên quan là cứng nhắc, bất hợp lý. Do đặc thù nhiều nhóm ngành nghề ví dụ dệt may, da giày, thủy hải sản hay địa bàn nông thôn miền núi mà số người đủ sức khỏe để phục vụ đến 60 - 62 là không nhiều. Nếu kéo dài như dự thảo là thiệt hại quyền lợi của NLĐ cũng như cản trở lực lượng LĐ trẻ.

ĐB Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh) cũng cho biết trong quá trình tiếp xúc, nhiều cử tri đã đề nghị không nâng tuổi nghỉ hưu. “Nguy cơ vỡ quỹ là do ít người đóng, nợ đọng nhiều, thất thu lớn... chứ không phải do nguyên nhân đóng ngắn hưởng dài. Khắc phục bất cập trên thì sẽ giảm được nguy cơ vỡ quỹ”, ĐB Chiến nói.

Theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), việc đưa hạ sĩ quan, chiến sĩ công an, quân đội vào đối tượng thu BHXH là bất hợp lý. Nếu điều khoản này được chấp nhận QH sẽ phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để đóng bảo hiểm vì các đối tượng này đều thuộc diện “bao cấp”. “Hiện nay, Chính phủ còn nợ Quỹ BHXH hơn 50.000  tỉ và vẫn đang xin khất. Nếu QH thông qua điều khoản này, mỗi năm QH sẽ phải chuyển cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bao nhiêu nghìn tỉ để nộp bảo hiểm cho các đối tượng này?”, ĐB Sinh đặt câu hỏi.

Theo báo cáo của Chính phủ thì quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu có xu hướng tăng nhanh, năm 2007, tỷ trọng chi/thu là 57,2%, nhưng đến 2013 đã là 76,6%. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế, đến 2021 quỹ hưu trí của VN hằng năm sẽ rơi vào tình trạng thu không đủ chi; đến năm 2034, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.

Để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Theo đó, từ 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi (nữ) và 62 tuổi (nam). Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi (nữ) và 62 tuổi (nam). Theo phương án này, đến năm 2031 thì tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi và đến năm 2022 thì tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi.

Nhiều trường dạy nghề “tay không bắt giặc”

Cùng ngày, các ĐB dành thời gian thảo luận ở tổ về dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Dạy nghề. ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị làm rõ vấn đề quy hoạch dạy nghề. “Khi xác định tỷ lệ người LĐ được đào tạo nghề rất thấp, chúng ta giật mình ban hành nhiều chính sách cấp tập, các trường dạy nghề mọc như nấm, đào tạo tất cả những gì trường có mà không quan tâm đến nhu cầu thị trường LĐ. Chúng tôi đi giám sát vấn đề này ở Tây nguyên thì thấy ở nhiều làng, bản vùng sâu, vùng xa lại dạy nghề làm đầu, sửa chữa xe máy... Giám sát chương trình đào tạo nghề cho LĐ nông thôn (Đề án 1956) thì thấy có tới 80% chi phí để xây dựng trang bị các trường dạy nghề, còn kinh phí thực để người thụ hưởng có nghề là bao nhiêu thì không rõ”, ĐB Sinh cho biết.

Cũng theo ĐB Sinh, dự luật phải quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước về việc dự báo nhu cầu thị trường LĐ. “Hằng năm có hàng vạn cử nhân ra trường, thất nghiệp nhưng tại sao vẫn phải nhập LĐ phổ thông nước ngoài?”, ĐB Sinh đặt câu hỏi. Theo ĐB Sinh dự luật cũng cần làm rõ vấn đề quản lý chất lượng, điều kiện đào tạo nghề. Hiện nay rất nhiều trường dạy nghề đang ở trong tình trạng “tay không bắt giặc” vì không có kinh phí.

Bảo Cầm - Thái Sơn - Trường Sơn

>> Chưa thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội
>> ĐBQH chuyên trách thảo luận về dự án Luật Dạy nghề: Quy định rõ hơn về vấn đề liên thông trong đào tạo
>> Hội nghị Luật Dạy nghề
>> Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu thêm 2 - 5 năm
>> Cần cân nhắc khi tăng tuổi nghỉ hưu
>> Kiến nghị không quy định tuổi nghỉ hưu 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.