Chưa thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội

21/06/2006 23:58 GMT+7

Ngày 21/6, Quốc hội dự kiến thông qua 4 dự án luật: Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Điện ảnh; Luật Phòng, chống nhiễm HIV/AIDS và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, đến cuối ngày, dự án Luật BHXH đã được gác lại.

Hơn một nửa đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã không nhất trí với điều khoản 95 của dự án luật cho phép mức chi phí hằng năm của Quỹ BHXH không quá 2,2% trên tổng số thực thu BHXH bắt buộc hằng năm do người lao động và người sử dụng lao động đóng. Trước đó, trong quá trình thảo luận, góp ý cho dự thảo luật này, nhiều ĐB đã có ý kiến và Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp xin ý kiến ĐB. Kết quả tổng hợp cho thấy, có 151/373 ý kiến nhất trí với quy định mức chi phí quản lý tối đa bằng 2,4% (trên tổng số thực thu BHXH bắt buộc hằng năm do người lao động và người sử dụng lao động đóng), 40/373 ý kiến đề nghị quy định ở mức thấp hơn (2%, 1,5%, 1%) và số ý kiến còn lại đồng ý để Chính phủ quy định mức cụ thể sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH.

Từ kết quả này, Ủy ban Thường vụ QH chỉ đạo Ban soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục tính toán mức chi phí quản lý BHXH cho phù hợp. Các cơ quan hữu quan đề nghị quy định mức chi phí quản lý BHXH bắt buộc là 2,2%. Ủy ban Thường vụ QH tán thành với đề nghị này, coi đây là mức quy định "trần", hằng năm Chính phủ sẽ quy định theo hướng giảm dần.

Tuy nhiên, điều bất ngờ xảy ra là trong phiên họp chiều qua, đã có tới 45,84% số ĐBQH không tán thành với quy định trên, trong khi chỉ có 37,73% tán thành. Điều hành phiên họp, Phó chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh đã đề nghị với QH tạm dừng chưa thông qua dự án luật trong ngày, lui lại vào hôm khác để ban soạn thảo chuẩn bị thêm.

Ngoài điều khoản trên, ở các điều khoản khác, ban soạn thảo đã tiếp thu, sửa đổi và bổ sung nhiều điểm và được đa số ĐBQH chấp nhận, ví dụ như quy định về mức bình quân tiền lương hằng tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần với người tham gia BHXH từ 1/1/1995 đến trước ngày dự án luật có hiệu lực (1/1/2007) và có toàn bộ thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương của Nhà nước. Trước đó, đã có ý kiến ĐB đề nghị quy định đối với người lao động tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Có ĐB đề nghị quy định là 8 năm, có ĐB cho rằng, không nên quy định quá nhiều mức (6, 8, 10 năm...).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu, tiếp thu ý kiến ĐB, để có bước đi phù hợp, không tạo ra chênh lệch lương hưu giữa những người lao động có thời điểm bắt đầu tham gia BHXH gần nhau, Ủy ban Thường vụ QH đã đề nghị sửa lại theo hướng: chia thời gian từ ngày 1/1/1995 đến trước ngày luật có hiệu lực thành 2 giai đoạn: từ 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân 6 năm và từ 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006 tính bình quân 8 năm. Đa số ĐBQH đã tán thành quy định này.

Trong ngày hôm qua, dự án Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã được thông qua với 79,92% ý kiến ĐBQH tán thành. Sau khi tiếp thu ý kiến ĐB từ phiên họp ngày 20/5, dự án luật này đã được bổ sung một số quy định như: bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm "bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được mình giám hộ chưa thành niên nhiễm HIV". Một khoản bổ sung đáng chú ý khác là người nhiễm HIV có nghĩa vụ "thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng hoặc cho người chuẩn bị kết hôn với mình biết".

Hai dự án Luật Điện ảnh và Luật Kinh doanh bất động sản cũng đã được đa số ĐBQH nhất trí thông qua mà không có nhiều thay đổi so với dự thảo.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.