Không thể sống trong di sản chỉ để ngắm nhìn

31/07/2013 11:00 GMT+7

Giằng co giữa một bên là những quy định về bảo tồn di sản và bên kia là nhu cầu bức thiết của người dân giữa vùng di sản đã trở thành vấn đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm. Thanh Niên có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, người được coi là đã có công đầu trong việc bảo tồn và phát triển phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới.

Thưa ông, mới đây UNESCO “siết” lại danh hiệu di sản, theo đó mỗi năm VN sẽ có không quá 1 hồ sơ ứng cử di sản văn hóa thế giới (DSVHTG), đồng thời yêu cầu chúng ta phải đẩy mạnh bảo tồn “hậu danh hiệu”. Ông nghĩ gì về việc này?

Chủ trương của UNESCO là đúng đắn, vì nếu siết không khéo ở ta sẽ hình thành “hội chứng DSVHTG”. Cái gì có giá trị, mang tầm nhân loại, xứng đáng được công nhận là DSVHTG thì phải công nhận. Nhưng công nhận xong rồi thì bảo tồn và phát huy di sản mới là điều quan trọng. Có khi chưa công nhận thì di sản tồn tại đấy, nhưng được công nhận rồi thì có thể bị khai thác cạn kiệt cho hoạt động du lịch nên có thể sẽ mất đi.

Nhưng dù được công nhận hay không chúng ta vẫn phải giữ gìn di sản để lớp trẻ có thể đọc lịch sử trên di sản. Chứ không phải được công nhận DSVHTG thì mới giữ gìn. Cha ông ta tạo ra di sản và giữ gìn nó đâu phải để được danh hiệu!

Việc hết dân làng cổ Đường Lâm đến dân phố cổ Đồng Văn “đòi” trả lại danh hiệu di tích quốc gia xới lên đòi hỏi cấp bách phải có những quy định mới phù hợp với điều kiện hiện tại trong quản lý - bảo tồn và khai thác di sản. Nếu một sáng thức dậy, đùng một cái ông đọc báo thấy tin người dân Hội An cũng đòi trả lại danh hiệu DSVHTG thì ông sẽ làm gì?

Tôi tin rằng sẽ không bao giờ có việc người dân Hội An đòi trả lại di sản. Vì chính người dân Hội An đã tạo ra và giữ gìn phố cổ để rồi được công nhận DSVHTG và đang được hưởng lợi từ đó, thì không có lý do gì mà họ đòi trả lại cả. Chỉ có mình làm bậy, dân họ bảo mình nghỉ thì có.

 Hội An là nơi người dân gìn giữ tốt di sản văn hóa -d
Hội An là nơi người dân gìn giữ tốt di sản văn hóa - Ảnh: H.D

 

Sống trong di tích nhưng cuộc sống phải tiện nghi, chứ thế kỷ 21 rồi không thể bắt người ta sử dụng một công trình vệ sinh từ thế kỷ 15-16 được

Nguyễn Sự
Bí thư Thành ủy Hội An 

Về việc Đường Lâm và Đồng Văn, tôi có thể nói thế này, với tư cách một người đã làm lâu ở Hội An và đã ở phố cổ Hội An: Đến bây giờ luật Di sản có nhiều điều không phù hợp với thực tiễn. Thứ nhất, phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An, phố cổ Đồng Văn là những di tích sống, người dân đang ở trong đó, hoàn toàn khác với kinh thành Huế, Mỹ Sơn hay những di sản không có người ở, do nhà nước quản lý, để bảo tồn chỉ cần đặt barie chắn lại là được. Luật phải nghiên cứu tới đặc thù của những phố cổ có người dân sinh sống này, chí ít là nên có nghị định mở ra hướng cho người dân vẫn giữ gìn được di tích và vẫn sống được trong thời đại bây giờ. Chứ cứ giữ như bây giờ thì muốn làm gì đụng tới di tích phải lên Bộ xin, rồi chờ đợi Bộ phải xem xét, chờ đợi, trong khi mình cũng chưa đủ sức để trùng tu, sửa chữa cho người dân.

Vấn đề thứ hai, người dân không thể sống trong di sản chỉ để ngắm nhìn. Khi người ta đói, chật chội, thiếu thốn thì không thể bắt người ta giữ di sản được, và buộc lòng người ta phải tính kế để đảm bảo đời sống với những nhu cầu hiện tại. Sống trong di tích nhưng cuộc sống phải tiện nghi, chứ thế kỷ 21 rồi không thể bắt người ta sử dụng một công trình vệ sinh từ thế kỷ 15-16 được. Vừa rồi tôi có xem một phóng sự về làng cổ Đường Lâm và phố cổ Đồng Văn thấy nhà dột người ta phải che giấy dầu và chịu những bất tiện khác, điều này dân khó chấp nhận. Do đó, luật phải sửa, và chính quyền phải có phương sách để dân sống được, sống khá cả về vật chất lẫn tinh thần. Giải quyết được điều đó thì di sản mới tồn tại lâu dài được.

Ông từng tiết lộ là riêng tiền bán vé tham quan phố cổ Hội An hằng năm đã thu được xấp xỉ 50 tỉ đồng. Đó là số thu lớn so với nhiều di sản khác trong nước. Theo ông, người dân phố cổ Hội An đã thực sự “sống được” chưa?

Đó là nguồn thu cũng tương đối lớn, nhưng tiền đó chỉ đủ để trùng tu di tích. Thu nhập trong dân ở Hội An mới là lớn và mới khiến người ta gắn bó với di tích. Muốn người ta gắn bó với di tích thì người ta phải được lợi chính từ di tích, vì vậy phải tạo cơ chế cho người ta phát triển dịch vụ du lịch phù hợp với việc gìn giữ phố cổ.

Việc giữ gìn di sản tuy khó nhưng có thể làm được bằng những biện pháp hành chính. Giữ gìn nếp sống đẹp của người dân trong thời kỳ hiện nay mới là phức tạp. Các cấp chính quyền phải làm sao để người dân tự ý thức rằng cái di sản văn hóa vật thể này chỉ thực sự cuốn hút du khách khi có nét đẹp trong nếp sống người dân phù hợp với di sản. Khi hiểu được thì chính người dân sẽ cố gắng tự gìn giữ văn hóa sống, văn hóa ứng xử của mình.

Xin hỏi thật, đã bao giờ chính quyền Hội An chấp nhận thỏa hiệp“hy sinh” một phần nào đó của di sản để người dân được sống thoải mái hơn chưa?

Chưa bao giờ, và người dân Hội An cũng sẽ không chấp nhận thỏa hiệp ấy, nếu có. Vì làm thế chính là xóa bỏ một phần lợi ích trước mắt và lâu dài.

Với di sản Hội An, lúc nào người dân và chính quyền cũng cảm thấy nó mong manh, dễ mất đi nếu ứng xử không tốt với nó. Vì thế phải nhẹ tay với nó, hứng như hứng hoa vậy. Muốn vậy thì phải tạo được sự đồng thuận trong dân, bằng cách khi đề ra mọi hoạt động, mọi dự án phải nghĩ ngay rằng người dân được lợi cái gì trong đó. Ví dụ Hội An không cho xe máy đi vào trong phố. Về lợi ích tinh thần, người dân cảm thấy rất an toàn, yên bình khiến họ sống chậm lại, thư giãn. Lợi ích vật chất là khi người dân và du khách đi bộ thì người ta có thể ghé nhà anh, cửa hàng của anh mua đồ nhiều hơn. Du khách đến tìm một không gian yên tĩnh trong phố ngày càng đông thì người ta bán được càng nhiều hơn. Vậy thì không có sự thỏa hiệp và hy sinh nào ở đây cả.

Người ta nói rằng khai thác di sản là “ăn của quá khứ”. Chúng ta sử dụng, khai thác di sản nhưng phải làm giàu nó lên, bổ sung vào các giá trị vốn có của cha ông, để bàn giao cho tương lai một di sản đồ sộ, phong phú, chứ nếu không chúng ta đã không chỉ ăn của quá khứ mà ăn của cả tương lai.

Hội An luôn được nhắc tới như một điển hình bảo tồn và phát huy phố cổ. Liệu rằng kinh nghiệm từ Hội An có thể áp dụng được vào những phố cổ ở các đô thị khác trên cả nước?

Mỗi nơi có xuất phát và đặc điểm riêng. Có những điều Hội An làm được nhưng nơi khác không làm được và ngược lại. Chẳng hạn muốn Hội An phát triển sôi động như các thành phố khác thì Hội An không làm được, và muốn các thành phố khác yên tĩnh như Hội An cũng chưa chắc được. Tôi nghĩ chỉ có người từng sống ở địa phương ấy, hiểu rõ những đặc điểm nơi đó và có một tình yêu tha thiết với nó mới tìm được cho nó cách thức bảo tồn và phát triển tốt nhất.

Phạm Thu Nga
(thực hiện) 

>> Thêm gần 2 tỉ đồng 'cứu' nhà cổ Hội An
>> Hội An và du lịch di sản
>> Dựng phim 3D về khu di tích nhà lao Hội An
>> Phố cổ Hội An thành phim trường về cụ Phan Bội Châu
>> Phố cổ Hội An “vào” phim về tình bạn Phan Bội Châu - Asaba Sakitaro
>> Nhà cổ Hội An bị mối tấn công sau trùng tu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.