Bất ngờ mới trong vụ cảnh sát bắn chết thợ mỏ Nam Phi

31/08/2012 14:30 GMT+7

(TNO) Hai tuần sau khi cảnh sát Nam Phi nổ súng bắn vào đám đông 3.000 công nhân trong cuộc đình công tại mỏ bạch kim ở gần Johannesburg, làm thiệt mạng 34 người, các công tố viên đã đưa ra một quyết định gây sửng sốt khi khởi tố các thợ mỏ tội giết người.

>> Cảnh sát đụng độ thợ mỏ Nam Phi, 30 người chết

Viện đến một học thuyết pháp lý mơ hồ thường được áp dụng trong những ngày tàn của chế độ Apartheid, các công tố viên đã không khởi tố cảnh sát, lực lượng bắn vào những người biểu tình cầm rựa trên tay.

Thay vào đó, nhà chức trách Nam Phi thông báo hôm 30.8 rằng họ đã khởi tố 270 thợ mỏ bị bắt sau khi cuộc đình công kết thúc.

Đây là một bước ngoặt gây sửng sốt trong câu chuyện làm chấn động Nam Phi, kích động một làn sóng giận dữ về tình trạng bất bình đẳng, đói nghèo và nạn thất nghiệp đang trở nên trầm trọng tại nước này.

Vụ cảnh sát bắn chết thợ mỏ Nam Phi: Thợ mỏ bị khởi tố tội giết người
Các thợ mỏ Nam Phi tụ tập tưởng niệm những đồng nghiệp xấu số tại ngọn đồi được mệnh danh là "Đồi kinh hoàng" sau vụ nổ súng của cảnh sát hôm 16.8 - Ảnh: Reuters

Một công tố viên cho biết 270 thợ mỏ sẽ bị xử theo học thuyết “mưu đồ chung” (common purpose) bởi họ có mặt trong đám đông đối đầu với cảnh sát vào ngày 16.8.

Quyết định khởi tố các thợ mỏ đã bị cựu thủ lĩnh thanh niên của đảng Đại hội Dân tộc Phi cầm quyền (ANC) Julius Malema lên án là “điên rồ”, theo BBC.

Malema, người bị khai trừ khỏi đảng trong năm nay vì những bất đồng với Tổng thống Jacob Zuma, phát biểu: “Các cảnh sát giết người không bị bắt giam, không một ai. Đây là chuyện điên rồ… Toàn thế giới chứng kiến các cảnh sát giết những người đó”.

Vụ giết 34 người là hành động trấn áp bạo lực nhất của cảnh sát từ khi Nam Phi chuyển sang chế độ dân chủ vào năm 1994.

Người phát ngôn của Viện Công tố Quốc gia Frank Lesenyego nói với BBC rằng 270 công nhân sẽ đối mặt với các tội danh giết người, kể cả những người không mang vũ khí hoặc ở phía sau đám đông.

“Vụ án được xử theo thông luật, các nghi can bị khởi tố bằng học thuyết “mưu đồ chung” trong những tình huống mang theo súng hoặc bất kỳ vũ khí khác, đối đầu hoặc tấn công cảnh sát và vụ nổ súng diễn ra dẫn đến trường hợp tử thương”, ông Lesenyego nói.

Luật sư người Nam Phi Jay Surju nói với BBC rằng học thuyết “mưu đồ chung” từng được chế độ cũ của người da trắng thiểu số áp dụng chống lại các nhà hoạt động đấu tranh vì bình đẳng chủng tộc ở Nam Phi.

“Đó là một học thuyết rất lỗi thời và đáng hổ thẹn. Nó mang tai tiếng từ thời Apartheid”, ông Surju nói.

Trong chuyến thăm hầm mỏ sau vụ nổ súng, Tổng thống Zuma đã nói với các thợ mỏ rằng ông cảm nhận được nỗi đau của họ và cam kết sẽ thành lập một ủy ban điều tra vụ việc.

Ông Lesenyego nói ủy ban sẽ ra phán quyết về hành vi của các cảnh sát trong một vụ án khác.

Cảnh sát khẳng định họ bắt đầu nổ súng sau khi bị một nhóm những thợ mỏ mang rựa đe dọa. Mười người, trong đó có hai cảnh sát và hai bảo vệ, đã bị giết trong cuộc biểu tình trước khi cảnh sát nổ súng.

Cuộc biểu tình phát xuất từ những đòi hỏi tăng lương và công nhận một nghiệp đoàn mới của thợ mỏ.

Vụ án nổi tiếng nhất được xử theo học thuyết “mưu đồ chung” là vụ án “Upington 14”, tên của nhóm 14 người bị tuyên án tử hình vào năm 1989 vì vụ giết một cảnh sát hồi năm 1985.

Thẩm phán xét xử đã kết án 14 nhà hoạt động ngay cả khi thừa nhận rằng họ không tiến hành vụ giết người.

Các nhà hoạt động chống Apartheid trên toàn thế giới sau đó đã biểu tình phản đối phản quyết vốn được đảo nghịch trong phiên phúc thẩm.

Sơn Duân

>> Thợ mỏ Ý tử thủ cùng thuốc nổ
>> Thợ mỏ Zambia giết quản lý người Trung Quốc
>> Trung Quốc cứu được 45 thợ mỏ bị mắc kẹt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.