Vụ tai nạn tàu cao tốc: Nhảy liều để sống

25/07/2011 17:23 GMT+7

(TNO) Phát ngôn viên Bộ Đường sắt Trung Quốc Vương Dũng Bình đã chính thức đưa ra lời xin lỗi đối với tất cả hành khách sau vụ tàu cao tốc đâm nhau gây nhiều thương vong tại TP Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang đêm 23.7, theo Tân Hoa Xã.

>> "Cú tát" tàu cao tốc
>> Vụ tai nạn tàu cao tốc: 36 người chết, 192 người bị thương
>> Trung Quốc sa thải 3 quan chức cấp cao
>> Đường sắt Trung Quốc lớn mạnh trong lo ngại

Xin lỗi nhưng vẫn tự tin về đường sắt cao tốc

Tính đến nay, đã có 38 người chết và 190 trường hợp bị thương trong tai nạn nói trên.

Ông Vương trong cuộc họp báo tối 24.7 cũng chia buồn đối với các nạn nhân và gia quyến của những hành khách tử nạn.

Vụ tai nạn xảy ra lúc 19 giờ 30 phút (giờ VN) trên đoạn đường sắt trên cao ở TP Ôn Châu của tỉnh Chiết Giang giữa hai tàu hỏa D301 và D3115, khiến 2 toa tàu trật đường ray và 4 toa khác rơi xuống đất.

 
Hiện trường khắc phục sự cố tại khu vực xảy ra vụ hai tàu cao tốc đâm nhau ở Chiết Giang đêm 23.7 - Ảnh: AFP

Ông Vương cho hay, hiện vẫn còn khoảng 132 người đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 12 nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó, đã có 52 người xuất viện do chỉ bị thương nhẹ.

Người phát ngôn họ Vương cũng cam kết rằng Bộ Đường sắt Trung Quốc sẽ khẩn trương điều tra để làm rõ nguyên nhân sự cố gây nhiều thương vong trên, đồng thời sẽ dùng những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn các tai nạn tương tự.

Ông Vương khẳng định, Bộ Đường sắt vẫn rất tự tin đối với dự án tàu cao tốc Trung Quốc sau tai nạn đêm 23.7: "Tàu cao tốc của chúng ta vẫn sẽ tiến xa và đủ chất lượng. Chúng tôi vẫn rất tin tưởng điều này và yếu tố an toàn sẽ được ưu tiên hàng đầu".

 
Người nhà của các nạn nhân ngã quỵ sau khi nhận được tin thân nhân tử nạn - Ảnh: AFP


Tuy nhiên, ông Vương thừa nhận rằng dịch vụ đường sắt cao tốc của Trung Quốc chỉ mới đi vào hoạt động trong thời gian ngắn, nên chắc chắn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mới.

Đại diện Bộ Đường sắt cũng cam kết sẽ nhanh chóng khắc phục các lỗi kỹ thuật và kiểm tra kỹ hệ thống an toàn nhằm loại trừ tất cả những rủi ro tiềm ẩn.

Hiện tất cả các đoạn đường ray bị hư hại sau sự cố trên đã được sửa chữa và sẵn sàng nối lại hoạt động chạy tàu, song hiện vẫn còn phải chờ thời tiết mưa bão lắng dịu mới quyết định thời gian hoạt động trở lại trên tuyến đường ray này.

Theo thông tin từ nhà chức trách, lúc xảy ra vụ va nhau, trên tàu D3115 có 1.072 hành khách, còn tàu D301 có 558 hành khách.

Nhắm mắt nhảy liều để sống sót

Nhiều nạn nhân may mắn sống sót trên các toa tàu bị trật đường ray kể rằng họ phải nhắm mắt nhảy khỏi toa tàu để được sống sót.

Tại Bệnh viện Khang Ninh của TP Ôn Châu, có 54 hành khách đang điều trị, trong đó có bé trai 8 tuổi được chăm sóc do bị xây xát nhẹ. Bố của em đã chết trong vụ tai nạn, còn mẹ thì vẫn đang được cấp cứu.

"Đó là chuyến đi đường dài đầu tiên của cháu. Cháu nghe một tiếng va chạm lớn sau đó tất cả đèn đều tắt và toa tàu bị lật. Cháu bị một hành lý rơi trúng đầu ", bé trai kể lại.

 
Nhiều nạn nhân đã nhắm mắt nhảy liều khỏi những toa tàu treo lơ lửng trên không để được sống sót - Ảnh: AFP


Bé trai 8 tuổi này đi cùng 6 thành viên khác trong gia đình trên toa tàu số 1 của chiếc tàu đã húc vào đuôi chiếc tàu đang dừng.

Cháu bé đã tìm được đường thoát ra khỏi toa sau 10 phút dò tìm trong bóng tối.

"Khi chạy được ra ngoài, cháu thấy nhiều người đang khóc. Nhưng cháu không khóc. Cháu chỉ muốn tìm bố mẹ", cậu bé nói.

Cuối cùng, cháu bé cũng tìm được mẹ, mẹ cậu đang bị hôn mê sâu trên xe cấp cứu.

Một nạn nhân nữ khác, họ Phụng, cùng chồng và đứa cháu 14 tuổi của bà trên toa số 4 của chiếc tàu D301, cũng thoát chết kỳ diệu bằng cách nhảy ra khỏi cửa kiếng bị vỡ lúc tai nạn xảy ra.

"Đèn đều tắt hết. Toa tàu của chúng tôi bị rung lắc mạnh và hành khách đều nháo nhào. Tôi không biết chuyện gì xảy ra nhưng tôi đã kêu cháu tôi chạy, chạy đi. Sau đó nhiều người đã đập vỡ cửa sổ bằng kiếng và chúng tôi nhảy ra ngoài", bà Phụng kể.

Lúc nhảy, bà Phụng và người nhà của bà đành "nhắm mắt làm liều" chứ không biết đang ở độ cao bao nhiêu so với mặt đất.

 
Người đàn ông này khóc thương thảm thiết sau khi nhận dạng  cháu mình đã tử nạn - Ảnh: AFP

Và dưới đây là câu chuyện của một nạn nhân khác may mắn thoát chết trong vụ tai nạn 23.7. Ngay giữa lúc hành khách đều hoảng loạn do bị mắc kẹt lại trong toa tàu bị trật đường ray, một hành khách 19 tuổi đã dùng điện thoại di động nhắn ký hiệu cầu cứu SOS lên blog của mình, kèm thông điệp: "Hãy cứu chúng tôi với. Tàu của chúng tôi bị nghiêng và mọi người bị mắc kẹt lại bên trong".  

Tin nhắn này đã nhận được 18.441 phản hồi tính đến sáng hôm sau. Và đó là một trong những thông tin đầu tiên giúp mọi người biết tới vụ tai nạn.

Trên toa số 15 của đoàn tàu D301 đi từ Bắc Kinh đến Phúc Châu, Thiên và vợ cùng hai con đang ngồi chơi thì đột ngột có cảm giác như đoàn tàu của anh tông vào cái gì đó thật mạnh.

Tất cả đèn đều tắt và mọi người la toáng lên: tàu của chúng ta tông vào một tàu khác rồi.

'Lúc này tôi không thể nhìn thấy vợ và hai con tôi vì bên trong quá tối. Tôi chỉ nghe mọi người hoảng loạn và la hét. Sau đó mọi người được thông báo rời khỏi con tàu càng sớm càng tốt".

Tìm thân nhân gặp nạn qua internet

Hơn 1.700 người dân ở Ôn Châu đã tham gia hiến máu hôm qua 24.7 sau lời vận động của ngân hàng máu địa phương.

Trước đó, các trang xã hội trên internet, cư dân mạng cũng ra sức kêu gọi mọi người cùng tham gia hiến máu để giúp các nạn nhân gặp nạn.

 
Danh sách các nạn nhân được dán ngoài các bệnh viện để thân nhân theo dõi - Ảnh: AFP

Nhiều thông tin mới nhận cũng được đăng tải thông qua các website của những cơ quan truyền thông chính thức lẫn các kênh mạng xã hội.

Bức ảnh đầu tiên về vụ tai nạn do cư dân mạng đăng tải

Báo điện thoại di động Tứ Xuyên, một cơ quan chuyên cung cấp dịch vụ truyền thông kỹ thuật số và mobile tương tác cho các cơ quan truyền thông, đã gửi một thông điệp trên blog cho biết: bức ảnh đầu tiên ghi lại hiện trường vụ tàu hỏa đâm nhau đêm 23.7 không được đăng tải bởi một tờ báo chính thống mà là từ cư dân mạng họ Trần, ở TP Ôn Châu.

Không lâu sau khi các hành khách bị thương được đưa vào nhiều bệnh viện ở Ôn Châu, một danh sách khá dài ghi tên các nạn nhân ban đầu đã lập tức được đăng tải lên mạng. Và theo cách đó, các gia đình có thể tìm kiếm thân nhân của họ từ xa một cách nhanh nhất. 

Ngoài ra, gia đình nhiều nạn nhân đã đăng tải các tấm ảnh kèm phần mô tả về người thân đã gặp nạn trong sự cố tàu hỏa hôm 23.7 lên internet để nhờ người dân tốt bụng ở Ôn Châu kiểm tra giúp.

Một cư dân mạng ghi trên blog cá nhân kèm tấm ảnh cô đang khóc và cầm một ngọn nến đang cháy: "Tôi thật sự không biết phải làm gì. Xin mọi người hãy chuyển thông điệp này giúp tôi với. Tôi đang tìm Lô Hải Thiên, ngồi ở toa số 3. Tôi gọi cho anh ấy nhiều giờ rồi mà không được".

Thông điệp này sau đó đã được lan truyền và đăng lại 4.464 lần khắp các trang web trên mạng.   

Trong khi nguyên nhân của vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng trên đang được làm rõ thì cư dân mạng cũng đã kêu gọi Chính phủ Trung Quốc tổ chức một ngày quốc tang để tưởng niệm những người tử nạn.

Một cư dân mạng khác từ Quảng Châu lên tiếng bức xúc: "Tôi chưa hết bàng hoàng trong vụ xe khách bốc cháy làm 41 người chết hôm 22.7 qua trên xa lộ Bắc Kinh - Chu Hải thì giờ lại tiếp tục xảy ra vụ tai nạn thảm khốc này nữa. Vậy bây giờ đi phương tiện nào mới an toàn đây?".

Nhiều người nhà của các nạn nhân từ khắp nơi đã lập tức đi xuyên đêm đến TP Ôn Châu để tìm kiếm người thân của mình, những người vốn đã có mặt trên hai con tàu nói trên.

Hiện có 58 chuyến tàu hỏa bị tạm ngưng hoạt động sau vụ tai nạn. Cơ quan chức năng địa phương hứa sẽ phục hồi hoạt động chạy tàu trong thời gian sớm nhất và đã bắt đầu trả lại tiền vé cho những hành khách bị ảnh hưởng.

 
Bé gái 2 tuổi, nạn nhân cuối cùng được tìm thấy trên các toa tàu bị ảnh hưởng, đang được điều trị tại bệnh viện - Ảnh: AFP

Một lính cứu hộ kể anh tìm thấy nhiều hành khách bị kẹt dưới ghế và một số khác bị đống hành lý đè lên người.

Theo China Daily, một bé gái 2 tuổi được nhân viên cứu hộ phát hiện trong tình trạng bất tỉnh ở một toa tàu vào 16 giờ 15 phút chiều 24.7, tức 21 tiếng đồng hồ sau vụ va chạm tàu thảm khốc nói trên.

Đây là nạn nhân sống sót cuối cùng được cứu thoát khỏi các toa tàu bị ảnh hưởng.

Tăng cường an toàn cho tàu điện ngầm

Bắc Kinh vừa cho tăng cường các thủ tục an toàn trên mạng lưới các tàu điện ngầm ở thành phố sau khi xảy ra tai nạn tàu cao tốc hôm 23.7, theo Beijing Times hôm nay 25.7.

Phó thị trưởng TP Bắc Kinh Cẩu Trọng Văn, đã tổ chức một cuộc họp khẩn về việc công bố triển khai 4 thủ tục an toàn trong hoạt động tàu điện ngầm.

Cụ thể là: các toa tàu không được chở quá tải, sân ga không được tụ tập quá đông người, không để kẹt cứng lối đi và cầu thang cuốn không thể cho chạy quá công suất.

Ông Cẩu cũng khẳng định tại buổi họp rằng các biện pháp ngăn chặn những sự cố húc đuôi nhau của các con tàu cũng được tăng cường.

Theo thống kê của cơ quan điều hành tàu điện ngầm Bắc Kinh, vào ngày 15.7 vừa qua, có đến 6,2 triệu chuyến hành trình được thực hiện trên 12 tuyến tàu điện ngầm của thành phố, đạt mốc kỷ lục mới.

Hiện tại, công suất phục vụ hành khách của hệ thống tàu điện ngầm đã đạt tới cực điểm.

Cơ quan trên cũng tiến hành thiết lập thành lan can bên ngoài trạm tàu điện ngầm để ngăn hành khách tự ý ào ra và để giúp các chuyến tàu an toàn bỏ qua các trạm lúc cần thiết.

Trí Quang
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.