"Quảng Nam hay cãi" - thiệt không? - Kỳ cuối: Cãi vì dân sinh

07/01/2010 11:36 GMT+7

Nguyên phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân (quê ở huyện Điện Bàn, Quảng Nam) cũng nổi tiếng về cãi. Lúc ông Lân làm bí thư tỉnh ủy - trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, trong một lần họp Quốc hội, đoàn Quảng Nam được mời phát biểu trước, ông Lân nói để các đoàn khác nói trước.

Cãi với tỉnh

Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự là người nổi tiếng hay cãi tới cùng. Hồi ông làm chủ tịch UBND thị xã Hội An (trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) đã cãi nhau kịch liệt với lãnh đạo tỉnh và tuyên bố sẽ bỏ các cuộc họp quan trọng nếu tỉnh không chấp thuận cho nơi này được bán vé tham quan để trùng tu di tích cổ.

Thời điểm 1995-1996 phố cổ Hội An xuống cấp nghiêm trọng, người dân lén phá nhà cổ xây nhà mới ngày càng nhiều. Muốn người dân không đập nhà cổ thì thị xã phải có tiền hỗ trợ bà con. Chủ trương “dựa vào di tích để nuôi di tích” ra đời. Sau nhiều lần bàn bạc, tháng 8-1996 thị xã Hội An trình lên UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng bản đề án bán vé tham quan phố cổ với giá 10.000 đồng/khách trong nước và 5 USD/khách nước ngoài.

Sự phản kháng quyết liệt nảy sinh từ các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và tỉnh đã không đồng ý. Tại cuộc họp do tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Sự bỏ họp, kéo bầu đoàn ra về. Những cuộc họp sau đó Hội An cũng không dự. Cuối cùng tỉnh nhượng bộ. Nhờ vậy nguồn thu từ bán vé tham quan mỗi năm lên đến gần 10 tỉ đồng. Thị xã hỗ trợ phù hợp 25-70% kinh phí trùng tu nhà cổ cho dân.

Cãi với... “quan”

Ông Sự hay cãi với cấp trên nhưng cho hay dân chúng cũng “cãi” với ông như cơm bữa. Ông nói: “Dân lúc nào mà không cãi, vấn đề là khi mình làm mọi chuyện vì quyền lợi của họ, họ sẽ tâm phục khẩu phục!”.

Nhà văn Nguyên Ngọc:

Cái tính hay cãi của người Quảng Nam có nguồn gốc lịch sử. Từ thời vua Lê Thánh Tông (1471) đã có một cuộc di dân vào Nam và lập nên Quảng Nam - Thừa Tuyên từ đèo Hải Vân trở vào. Đến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hoàng (1600-1602) chọn vùng đất Quảng Nam để lập nghiệp và đây là cuộc di dân lớn thứ hai từ Thanh Hóa vào.

Những người dân đi theo Nguyễn Hoàng vào Quảng Nam là những người cãi lại xã hội thối nát đương thời và mong muốn xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn. Đó chính là sự chống đối và cãi lại cái lạc hậu. Cũng nhờ vậy mà từ một xã hội thuần nông trước đây, Nguyễn Hoàng đã giúp dân làm quen với thương nghiệp, mở rộng bờ cõi về phương Nam, lập ra thương cảng Hội An sầm uất làm ăn, giao lưu với quốc tế. Nếu không có sự “cãi lại” đó thì làm gì mà có Hội An như bây giờ?

Còn “cải cách” từ phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh là từ Hán - Việt nên không đồng nghĩa với từ “cãi”. Tuy nhiên về nội dung thì như nhau, bởi cụ Phan Chu Trinh muốn cải cách là muốn thay cái cũ lạc hậu, không hợp thời để có cái mới tốt đẹp hơn. Theo cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Chu Trinh chính là nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Cách mạng ở đây là thay đổi xã hội cũ, tạo lập một xã hội mới.

Trong cơn lũ lịch sử năm 1999, trong lúc các xã khẩn cấp di dời dân tránh lũ thì có một bà cụ hơn 70 tuổi nhà ở sát sông tại thôn Vĩnh Thành, xã Cẩm Nam kiên quyết không chịu ra khỏi nhà. Tình hình mỗi lúc một khẩn cấp, cả thôn ai cũng đi, riêng bà cụ này không chịu đi với lý do: “Tui là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Xe tăng Mỹ tới ủi nhà, súng đạn tụi hắn mở rốp rốp tui còn không sợ, sợ chi ba cái nước lụt ni mà biểu tui đi. Tui không đi”.

Trước tình thế này chính quyền xã Cẩm Nam cầu cứu ông Sự. Ông Sự cho canô chạy qua và ra lệnh: “Nếu bà không chịu đi thì tôi ra lệnh bắt giam. Nhà sắp trôi sông, bà không chịu đi thì chết ai chịu”. Lúc đó bà cụ mới nhẹ giọng: “Nếu chú Sự bắt thì tôi đi”. Vừa mới đưa bà cụ ra khỏi nhà, chừng 15 phút sau ngôi nhà kiên cố của cụ ụp xuống sông. Lúc ấy bà cụ mới quay qua khóc: “Tui già rồi lẩn thẩn mấy chú bỏ qua cho. Tui cảm ơn, không có mấy chú cứu thì tui trôi sông rồi!”.

Một chuyện khác, hồi cơn bão số 6 năm 2007 tràn vào Quảng Nam - Đà Nẵng. Toàn bộ dân các xã ven biển của thị xã Hội An được di dời ngay trong đêm. Vậy mà có một ông già ở làng An Bàng, xã Cẩm An đem tấm Huân chương Kháng chiến hạng 3 để ngay trên bàn thờ giữa nhà và tuyên bố với lãnh đạo xã: “Tui không đi đâu hết, Mỹ mạnh rứa, súng ống đầy mà còn sợ tui, gió bão là cái thứ chi mà tui phải sợ. Mấy ông ngon làm chi đó làm, tui không đi”.

Thuyết phục không được, cưỡng chế cũng không ăn thua vì ông già nằm ăn vạ không nhúc nhích. Tình hình mỗi lúc thêm căng, xã nhờ ông Sự can thiệp. Lúc ông Sự xăm xăm bước vào nhà, thấy ông già nằm quay lưng ra cửa ăn vạ bèn nói to: “Lính Mỹ sợ ông chớ gió bão sợ chi ông. Bão có nghe ông cãi đâu. Chừ ông có đi hay không?”. Ông già ngoảnh mặt ra, thấy ông Sự bèn hạ giọng: “Chú Sự hả, chú nói rứa thì tui đi!”.

“Kiện” cây hoa sữa

Trên đường Huỳnh Thúc Kháng, thị xã Tam Kỳ những năm trước có đến hơn 300 cây hoa sữa được trồng ken dày. Để chung sống với mùi hoa sữa, người dân sống dọc hai bên đường đành phải đeo khẩu trang suốt ngày hoặc đóng kín cửa nhà để tránh mùi thơm bất đắc dĩ mà họ phải gánh chịu, mỗi khi trời trở gió heo may hoa sữa nở.

Các hộ dân nằm trên tuyến đường này không chịu nổi mùi hoa sữa nồng nặc nên bàn cách chặt bớt. Nhưng quy định của thị xã hễ ai đụng vào cây hoa sữa sẽ bị phạt rất nặng. Các hộ dân họp lại với nhau tìm cách đối phó với cây hoa sữa. Có người đưa ra ý phải viết đơn kể tội và “đi kiện” cây hoa sữa.

Trong lá đơn, bà con mỗi người góp một ý. Người buôn bán thì bảo rằng buôn bán ế ẩm bởi khách không dám đến, hết mùa hoa lại khổ vì mùa trái hoa sữa chín, nở bung ra bay khắp nhà giống như lông chó, đến bữa ăn phải đóng cửa vì sợ bay vô thức ăn. Người thì đưa ra chuyện nhà có người bị bệnh dị ứng với mùi hoa sữa, phải tìm cách chuyển nhà. Nói chung cả một rừng lý do thảm não và đầy tính “dân sinh”. Đơn gửi đi với lý lẽ rõ ràng, chính quyền thị xã Tam Kỳ phải ra lệnh chặt bỏ bớt cây hoa sữa trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng. Dân hỉ hả ra mặt!

Theo Kim Em / Tuổi Trẻ

>> Kỳ 1: “Chó chi cắn dê?”
>> Kỳ 2: Những “chiêu thức” cãi
>>Kỳ 3: Chiêu thức “trước cãi, sau thương”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.