"Quảng Nam hay cãi" - thiệt không? - Kỳ 2: Những “chiêu thức” cãi

06/01/2010 11:08 GMT+7

Về cơ bản, người Quảng Nam nào cũng đắc thủ được công phu cãi; chỉ khác nhau ở chỗ thâm hậu hay hời hợt, nhiều hay ít, cãi lớn hay... cãi nho nhỏ.

Cãi nhỏ

Trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Điện Bàn có quán bún xương BL khá danh tiếng. Một ông cụ vào gọi tô bún xáo. Cô phục vụ bàn bưng tô bún ra, ông cụ bảo: “Mi đem vào đổi tô khác. Tô ni nước không sôi”. Cô gái vâng lời, đem vào đổi tô khác bưng ra.

Ông cụ vẫn điềm nhiên: “Tô ni nước không sôi. Đổi tô khác cho tao”. Đến nước này thì cô gái không chịu được nữa, nói: “Răng ông nói nước không sôi? Nước sôi ào ào người ta mới đổ vào và bưng ra đây”. Ông cụ vẫn điềm nhiên: “Mi nói nước sôi hả? Nước sôi răng mi đút được hai ngón tay cái khi bưng bún ra cho tao?”.

Tôi may mắn chứng kiến được cảnh cãi lộn đó, phì cười đến nỗi cục xương bò văng ra. Đôi mắt quan sát của ông cụ khá tinh tế, nhìn một cái đã biết cô gái đút hai ngón tay vào tô bún. Chưa chắc là cô gái đã thật sự đút hai ngón tay vào nước nóng nhưng cách bưng tô bún của cô làm ông cụ bực mình.

Tôi nhắc cô gái: “Cháu nên để tô bún trên cái đĩa rồi bưng ra”. Quả nhiên, đến tô thứ ba thì ông cụ mới chịu ăn mặc dù nước có thể nguội ngắt.

Người Quảng Nam hay cãi thường có giả bộ như nghe lời của người khác nhưng... vẫn làm theo ý của mình và nói theo ý của mình. Cái gì họ thấy không đồng ý mặc dù đã được người khác quyết, họ vẫn nói ngay ra.

Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử phúc thẩm vụ phá rừng Khe Diên, trong đó có bị cáo T.Đ.M. - nguyên hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quế Sơn. Ông M. khai chính cấp trên của ông đã chỉ đạo ông làm như thế nhưng các vị cấp trên đó thì không ai ra tòa. Tòa tuyên phạt ông 12 tháng tù, cho hưởng án treo. Án đã tuyên nhưng ông M. vẫn càm ràm: “Thưa quý tòa, đây là một vụ án mà quạ ăn dưa bắt cò phơi nắng”. Tòa chỉ còn biết cười.

Và cãi... lớn

Tích cực hơn, người Quảng Nam hay cãi thẳng thừng không tuân lệnh cấp trên mặc dù họ biết hành động đó khiến họ có thể mất chức, mất việc. Ai đã chứng kiến cuộc họp khẩn cấp tại UBND tỉnh Quảng Nam trong đêm lụt tháng 12-1999 mới khâm phục tính cứng rắn, quả cảm của ông Lê Trí Tập, chủ tịch ủy ban.

Ông Tập từng là kỹ sư thủy lợi, tham gia xây dựng hồ Phú Ninh (nằm giữa thành phố Tam Kỳ và huyện Phú Ninh). Trong cơn lụt dữ dội năm 1999, nước nguồn Chiên Đàn tràn về và mưa tràn lai láng các mặt đập. Ông Tập ra lệnh cho 5.000 thanh niên xung kích, bộ đội, công an... lấy bao cát be bờ mặt đập, đồng thời cho xả lũ theo đúng quy trình, quyết giữ hồ Phú Ninh.

Đang lúc chiến đấu căng thẳng nhất thì các cán bộ trung ương đề nghị ông Tập ra lệnh phá một mặt đập cho nước thoát tự do để hồ Phú Ninh khỏi vỡ.

Ông Tập nói: “Ra lệnh nổ mìn để phá một mặt đập thì hàng mấy trăm nghìn mét khối nước sẽ tràn ngập Tam Kỳ; căn nhà mà chúng ta đang ngồi đây có thể lộn đi ba vòng; chúng ta cùng nhân dân Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình sẽ chết. Phá mặt đập cũng chết, không phá thì đập vỡ cũng có thể chết. Vậy tôi cương quyết không ra lệnh phá mặt đập”.

Cán bộ trung ương đề nghị ông Tập ra lệnh cho di dời dân rồi hãy phá mặt đập. Ông Tập cương quyết: “Bây giờ đã là 10 giờ đêm. Chúng tôi lấy đâu ra phương tiện thuyền bè để di dời mấy vạn dân? Mà ban đêm tối thui thế này, liệu họ có chịu ra khỏi nhà cho chúng tôi di dời? Nước lên bốn bề, làm sao lo chỗ ăn chỗ ngủ cho bà con? Di dời cũng chết, không di dời cũng chết, vậy tôi cương quyết không di dời”.

Cuộc họp thật sự nổi sóng gió. Ông Lê Trí Tập đã đúng. Về khuya trời ngớt mưa; sáu mặt đập vẫn xả lũ theo đúng quy trình. Nước hạ xuống. Hồ Phú Ninh hiên ngang tồn tại. Bề ngoài ông Lê Trí Tập là con người hiền hòa, rất dễ thân nhưng bên trong, tinh thần và ý chí ông rất cứng rắn. Việc ông “cãi lệnh trên” không phá mặt đập bắt nguồn từ niềm tin nội tâm và tính “dám quyết, dám chịu” của một thuyền trưởng trong giờ phút con tàu có thể đắm!

Ông Lê Trí Tập - nguyên chủ tịch tỉnh Quảng Nam: “Nước lũ đã dâng trắng đồng, tin khẩn từ hồ Phú Ninh liên tục báo về mực nước đã ngấp nghé đến cao trình xả lũ. Đúng lúc ấy tôi nhận được công điện khẩn của Ban chỉ đạo Phòng chống bão lụt trung ương gửi vào với nội dung: “Nếu nước lũ đến cao trình thì buộc phải phá đập, xả lũ”.

 

Tuy nhiên, nếu làm đúng như “lệnh trên” thì không biết dân sẽ chết như thế nào vì bên dưới chân đập Phú Ninh là cả thị xã Tam Kỳ với hàng mấy trăm nghìn dân.

Suy nghĩ một hồi tôi quyết định đưa ra một phương án đối lập với “lệnh trên” là tìm cách bảo vệ đập bằng việc đắp cao thêm 30cm. Khi ấy có người cho rằng tôi cãi lại lệnh trên. Tâm trạng tôi lúc đó hết sức bình tĩnh. Mình chắc chắn làm được thì mới dám cãi lại chứ!”.

Đăng Nam

Lý giải hiện tượng “Quảng Nam hay cãi”, phó giáo sư ngôn ngữ học Vương Hữu Lễ cho rằng điểm xuất phát câu truyền khẩu này liên quan đến sự kiện cách nay hơn 75 năm. Khởi đầu là cuộc bút chiến giữa hai nhà báo Phạm Quỳnh và Ngô Đức Kế vào năm 1924. Cụ Phạm Quỳnh đề cao Truyện Kiều là “quốc hồn, quốc hoa, quốc túy”, cụ Ngô Đức Kế chống lại bằng bài viết “Nền quốc văn và luận chính học cùng tà thuyết”. Một thời gian dài cụ Phạm Quỳnh im lặng.

Sáu năm sau, cả nhà báo Phan Khôi trên báo Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn và nhà báo Huỳnh Thúc Kháng trên báo Tiếng Dân ở Huế lên tiếng về sự im lặng của cụ Quỳnh. Thế là cuộc tranh luận có tiếng vang trong khắp nước bởi hai nhà báo tiếng tăm và sắc sảo của các tờ báo lớn trong nước thời ấy. Và hơn mười năm sau (1941), hai nhà báo gốc Quảng này lại bắt bẻ lẫn nhau về chuyện “thơ mới” được đăng tải trên báo Tiếng Dân và Dân Báo. Chính vì lẽ đó mà công luận chú ý “giọng nói” của hai ông và người ta nghĩ rằng người Quảng Nam có tính “hay cãi”.

Đáng chú ý là vào năm 1922, cụ Phan Châu Trinh đã khẳng khái “cãi” đến... thiên tử, khi nhà vua không làm tròn trách nhiệm. Đó là sự kiện khi vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo ở Marseille, cụ đã viết Thư thất điều kể bảy tội của vị vua này, trong đó có hai tội không thể dung tha: làm nhục quốc thể và vung phí của dân. Có thể xem Thư thất điều là bản “tuyên ngôn” của một công dân nước ta “cãi” với người cầm quyền cao nhất!

Phan Thanh Minh (Đài phát thanh - truyền hình Quảng Nam)

Vũ Đức Sao Biển/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.