Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 14: Nhãn quan chính trị

05/03/2004 08:51 GMT+7

Trong lúc ông Ba Quốc đang lúng túng trước những cơn bão của các cuộc đảo chính thì Nguyễn Gia Hiến đến tìm ông. Lúc này Phan Huy Quát đang làm thủ tướng.

Ông Hiến là một kỹ sư nông cơ, người của linh mục Hoàng Quỳnh, sau khi di cư vào Nam được cử sang Mỹ học. Thời Ngô Đình Diệm, ông Ba Quốc có liên hệ với vị linh mục khét tiếng chống cộng này thông qua bác sĩ Trần Kim Tuyến, khi Nguyễn Gia Hiến ứng cử vào Hạ nghị viện, bác sĩ Tuyến cử ông Ba Quốc làm cố vấn kế hoạch bầu cử cho ông Hiến, nhưng ông Hiến không trúng cử.

Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, linh mục Hoàng Quỳnh thành lập "Lực lượng Đại đoàn kết", đưa Nguyễn Gia Hiến làm chủ tịch với mục đích dựng nhân vật này thành một con bài chính trị. Nguyễn Gia Hiến nói với ông: "Cha Quỳnh thấy rõ nguy cơ mất nước, vì một bên là cộng sản đang tiến gần tới Sài Gòn, một bên Phan Huy Quát vừa dựa vào Phật giáo vừa bán Cam Ranh, Vũng Tàu cho Mỹ để củng cố địa vị...". Ông Hiến đặt yêu cầu là nhờ ông làm trung gian cho sự hợp tác của nhóm Nhân Xã (hậu thân của đảng Cần lao) để "có đủ sức mạnh áp đảo" giới cầm quyền. Ông nhớ lại: "Bề ngoài tôi chấp nhận đề nghị giúp họ, nhưng tôi biết lúc đó người Mỹ đang tiếp tục gây xáo trộn để lựa chọn tay sai, tôi dính vào thì không bể đầu cũng sút tai".

GỬI ANH GIAO Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 14: Nhãn quan chính trị - Ảnh 1.

Ảnh chụp bài báo đăng trên Thanh Niên ngày 5.3.2004

Tháng 2.1965, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Chánh Thị lật đổ Nguyễn Khánh, trục xuất Khánh khỏi miền Nam. Về quân sự, Mỹ bắt đầu đưa quân ào ạt vào miền Nam. Mỹ cũng nắm chặt hơn Đặc ủy Trung ương tình báo. Cơ quan này lại bị thanh lọc và củng cố để "chống Việt cộng xâm nhập". Việc củng cố đang thực hiện thì Nguyễn Chánh Thi bị "đá" nốt. Nguyễn Văn Thiệu lên làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo quốc gia (ngang tổng thống), Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp trung ương (ngang thủ tướng). Đặc ủy trưởng Trung ương tình báo tất nhiên được thay bằng người Thiệu. Lúc này ông Ba Quốc được cấp trên chỉ thị phải bám vị trí, nắm chắc các hoạt động của tình báo chống cách mạng, theo dõi những diễn biến chính trị, các kế hoạch quân sự, đồng thời tiếp tục củng cố thế đứng, thâm nhập sâu hơn vào hàng ngũ đối phương. Khi Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ lên cầm quyền, qua những động thái của người Mỹ, nhất là qua Hội nghị Honolulu tháng 2.1966, ông dần dần biết rõ người Mỹ đã chọn được Nguyễn Văn Thiệu và bắt đầu hậu thuẫn mạnh mẽ chính quyền Thiệu - Kỳ. Từ lúc này cho đến khi kết thúc chiến tranh, người Mỹ ủng hộ triệt để Nguyễn Văn Thiệu và dập tắt tất cả những âm mưu đảo chính ngay từ trong trứng nước.

Lúc Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố bầu cử, Trịnh Quốc Khánh tìm gặp ông. Trịnh Quốc Khánh bấy giờ là Tổng bí thư Dân xã đảng của Hòa Hảo. Còn nhớ, thời Ngô Đình Diệm, mặc dù Khánh bị ông bắt về cho Ngô Đình Nhu, nhưng Khánh vẫn chịu ơn ông và hối hận đã không nghe lời ông. Khánh đã bị giam cầm cho đến khi Ngô Đình Diệm đổ mới được thả ra. Giờ đây gặp ông, Trịnh Quốc Khánh ôn lại chuyện cũ và "tham khảo ý kiến" của ông về công việc của mình. Trước khi đi dự Hội nghị Honolulu, Nguyễn Văn Thiệu tập hợp các đảng phái ủng hộ mình thành "Mặt trận quốc gia dân chủ" để làm hậu thuẫn. Trịnh Quốc Khánh là đồng chủ tịch của mặt trận này. 

Sau đó Khánh được Nguyễn Văn Thiệu chọn làm ứng cử viên phó tổng thống đứng chung liên danh với Thiệu. Đối thủ dự kiến lúc đó là liên danh của Nguyễn Cao Kỳ. Trịnh Quốc Khánh tâm sự thật với ông rằng liên danh của Thiệu yếu thế hơn liên doanh của Kỳ rõ rệt, rằng Nguyễn Cao Kỳ không những là đương kim thủ tướng, nắm trong tay các tỉnh trưởng, lại được các tướng lĩnh ủng hộ, do đó Nguyễn Văn Thiệu khó thắng Nguyễn Cao Kỳ. Kể xong, Trịnh Quốc Khánh mời ông Ba Quốc vào Ban bầu cử để giúp ông ta. Qua theo dõi rất chặt chẽ tình hình các tôn giáo, ông biết giới Công giáo, kể cả Công giáo Mỹ, rất bất mãn về việc Mỹ ra lệnh giết anh em Ngô Đình Diệm - một con bài Công giáo đáng giá nhất, trong khi một bộ phận khá đông đảo các chức sắc Công giáo là lực lượng chính trị chống cộng mạnh nhất ở miền Nam.

Người Mỹ không thể không "rút kinh nghiệm" về việc này. Còn Nguyễn Văn Thiệu, vừa là chân tay duy nhất "còn sót" lại của Ngô Đình Diệm, vừa là người Công giáo, vừa có năng lực thực hiện các yêu cầu của người Mỹ. Vì vậy ông nghĩ Nguyễn Văn Thiệu là nhân vật được Mỹ ủng hộ tập trung nhất. Bởi thế ông vui vẻ nhận lời Trịnh Quốc Khánh, tham gia Ban bầu cử. Nhưng... ông nhớ lại: "Bữa sau, Trịnh Quốc Khánh đến báo tin cho tôi biết, Nguyễn Văn Thiệu đã khóc trong cuộc họp các tướng lĩnh và để cho Nguyễn Cao Kỳ đứng chung liên danh làm phó tổng thống, Trịnh Quốc Khánh bị Thiệu loại ra ngoài". Nếu Trịnh Quốc Khánh không bị Nguyễn Văn Thiệu bất đắc dĩ loại bỏ thì ông Ba Quốc chắc chắn sẽ tạo thêm được một cánh cửa rộng hơn cho hoạt động tình báo.

Những câu chuyện trên cho thấy nhãn quan chính trị và sự nhìn xa trông rộng của ông trên chính trường của đối phương. Bởi vậy mà ông vừa vượt qua được những cơn bão táp chính trị để tồn tại, vừa tận dụng mọi thời cơ để luồn sâu vào nội bộ kẻ địch. Ông không chịu ở yên để "thâm canh" trên mảnh đất đang đứng mà luôn luôn chủ động "quảng canh" để giành thêm trận địa mới.

Nhưng những nỗ lực thâm nhập vào chính trường của ông không chỉ dừng lại ở đó... (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.