Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 13: Giữa những cơn bão của 7 cuộc đảo chính

04/03/2004 09:11 GMT+7

"Theo Hồng Liên Liên Xuân Giáo, vào đầu năm 1962, sau vụ phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc oanh tạc dinh Độc Lập, ông được mời vào dinh gặp Tổng thống Diệm, sau gặp ông Nhu, ông được ông Nhu nhờ ra Văn khố Hoàng triều cũ ở Huế, tìm cho ông những tài liệu về "tiễu phi" và dinh điền từ thời Nguyễn Công Trứ.

Nửa năm sau, một kế hoạch tối mật được đệ trình trong đó có kế hoạch đánh vào cân não địch. Hằng ngày, Sở Tình báo in lại Báo Nhân Dân, hằng tháng in lại Báo Học Tập của Cộng sản, với khổ chữ và hình thức y như của Hà Nội. Một số sách của Võ Nguyên Giáp về chiến lược, chiến thuật cũng được in lại y như ấn bản chính song chỉ vài trăm cuốn và dăm trăm số báo. Riêng tờ Học Tập in khoảng 50 số. Một ban chuyên môn nghiên cứu các bài quan trọng hay đoạn quan trọng trong sách rồi sửa đi một cách khéo léo, như bài bình luận ở Báo Nhân Dân sửa một dòng, thêm vào một số chữ hay năm ba câu. Sách của Võ Nguyên Giáp thì thêm vào năm ba đoạn làm sai lạc ý nghĩa của chiến thuật, chiến lược. Sau đó, một cách khéo léo nhất của nghề tình báo, các tài liệu này được phổ biến tận chiến khu hay hàng ngũ cán bộ cao cấp của Việt Cộng. Đây là một trong những đòn phép tinh vi mà Sở Tình báo Phủ Tổng thống đã tuyệt đối bí mật thực hiện với ngân khoản tài trợ của CIA và phần kỹ thuật do Tình báo Trung Hoa quốc gia" (Cao Thế Dung, Việt Nam ba mươi năm máu lửa, Alpha, Hoa Kỳ, 1991).

GỬI ANH GIAO Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 13: Giữa những cơn bão của 7 cuộc đảo chính - Ảnh 1.

Ảnh chụp bài báo đăng trên Thanh Niên ngày 4.3.2004

Chúng tôi trích dẫn đoạn trên để thấy rằng hoạt động tình báo chống cộng của cơ quan mật vụ thời Ngô Đình Diệm tinh vi đến cỡ nào. Tuy nhiên cơ quan này vẫn dành tài lực nhiều hơn cho các hoạt động nhằm củng cố thế lực của những người cầm quyền mà việc "bớt xén" tiền của Mỹ dành để mua tàu hoạt động gián điệp chống phá miền Bắc vào các hoạt động củng cố lực lượng chính trị như đã đề cập ở phần trước là một minh chứng. Không những thế, bản thân Trần Kim Tuyến cũng phải lo đối phó với Ngô Đình Cẩn tìm cách thay mình. Ông Ba Quốc kể vào năm 1960, vợ ông bị bệnh nặng kéo dài. Hoàng Ngọc Điệp bảo ông nên cho vợ lên Đà Lạt một thời gian để dưỡng bệnh. Ông cử mấy nhân viên của ông lên trước để tìm nhà đưa vợ lên. Khoảng 1 tuần sau, Công an Đà Lạt báo tin về là những người của ông lên đó mạo nhận là người của Mặt trận Dân tộc giải phóng tống tiền một tiệm thuốc tây. Bọn tay chân của Ngô Đình Cẩn coi vụ này là thời cơ để hạ bệ Trần Kim Tuyến nên chúng hướng việc điều tra đưa những người của ông vào tội phạm chính trị. Vụ án đó kéo dài suốt một năm trời mới kết thúc. Những chuyện như vậy là rất nguy hiểm đối với ông.

Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Sở Nghiên cứu chính trị - xã hội trở thành đối tượng thanh toán của phe đảo chính. Tất cả đều bị điều tra, thẩm vấn, một số khá đông có tài sản bị tịch thu và đưa đi "an trí". Ông đã may mắn thoát nạn. Những năm tiếp đó, chính trường Sài Gòn rối ren, đảo chính xảy ra liên tiếp. Sở Nghiên cứu chính trị hay Đặc ủy Trung ương tình báo, như đã nói ở trên, đều là công cụ chủ yếu để củng cố quyền lực của những người cầm đầu chế độ nên đều là đối tượng thanh trừng sau đảo chính. Nếu không cảnh giác thì ông không bị bắt cũng bị loại khỏi bộ máy, vì vậy ông tự vệ rất thận trọng.

Thời gian này tình hình đảng phái, tôn giáo ở Sài Gòn rối như canh hẹ, các phe phái phân hóa chống đối lẫn nhau mà phe nào cũng có "Mỹ lớn Mỹ nhỏ" đứng phía sau, phe nào cũng tranh nhau nhận viện trợ của Mỹ. Phía Công giáo thì đảng Cần lao tập hợp lại bằng hai tổ chức: Mặt trận quốc lực và đảng Nhân xã. Phật giáo thì chia năm xẻ bảy chống đối, kìm chế nhau: Ấn Quang, Việt Nam quốc tự, Cổ sơn môn, Lục hòa tăng... Cao Đài thì chia thành 12 hệ phái. Hòa Hảo thì có 2 đảng: đảng Dân chủ xã hội Việt Nam và Việt Nam dân chủ xã hội đảng. Ngoài ra còn khoảng 70 đảng phái, hiệp hội khác, lớn nhỏ cũng chia thành nhiều phe tranh giành ảnh hưởng... Trên chính trường Sài Gòn, chỉ một năm, từ đầu năm 1964 đến đầu năm 1965 đã diễn ra 7 cuộc đảo chính. Lúc này ông Ba Quốc làm ở Sở Giao tế dân sự, một bộ phận của Đặc ủy Trung ương tình báo chuyên chống đảo chính. Đó là một công việc cực kỳ nguy hiểm.

Ngô Đình Diệm bị lật đổ tháng 11.1963 thì tháng giêng năm sau Nguyễn Khánh lật đổ Dương Văn Minh lên làm thủ tướng, rồi bổ nhiệm Dương Văn Minh làm quốc trưởng. Đến tháng 8.1964, Dương Văn Minh bị phế truất, Khánh lên làm quốc trưởng... Lúc này Mỹ trực tiếp nhúng tay sâu vào Đặc ủy Trung ương tình báo. Ông Ba Quốc kể: "Tháng 8.1964, khi Lâm Văn Phát và Trần Thiện Khiêm đảo chính hụt, Khánh đuổi Dương Văn Minh và tự phong làm quốc trưởng, Trần Văn Hương làm thủ tướng. 

Phong trào Phật giáo chống Khánh - Hương lại bộc phát. Phan Khắc Sửu thay Khánh làm quốc trưởng. Đầu năm 1965, Nguyễn Khánh - Nguyễn Cao Kỳ - Nguyễn Chánh Thi lại lật Sửu - Hương đưa Phan Huy Quát lên làm thủ tướng... Sở Giao tế dân sự đã biến thành một đơn vị trinh sát chống đảo chính. Sở này phải thường xuyên phân phối nhân viên canh gác các ngả đường tiến vào Sài Gòn.

Và chỉ một tin vịt thôi cũng làm cho các nhân viên của sở mất cả tuần lễ đêm ngày hoạt động...". Lúc này luật sư Trần Văn Tuyên đang làm Phó thủ tướng phụ trách kế hoạch. Ông quen thân với luật sư Tuyên từ lúc ông Tuyên là chính khách đối lập thời Ngô Đình Diệm. Ông bảo: "Tôi nghĩ phải khai thác mối quan hệ này để củng cố vị trí của mình. Vì vậy tôi đã hai lần đến gặp Trần Văn Tuyên, mục đích là xin làm công cán ủy viên, để từ đó trở lại Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo bằng cửa rộng. Nhưng cả hai lần tôi đều về không, vì khi tới nơi tôi lại nghĩ nhận công việc đó rồi nếu một cuộc đảo chính nữa xảy ra thì tôi sẽ mất hết, không còn một chỗ đứng nào, kể cả chỗ đứng trong Đặc ủy Trung ương tình báo". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.