Ông Trần Tuấn Anh: Sự can thiệp của nhà nước không được gây cản trở thị trường

06/11/2023 18:19 GMT+7

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đồng tình với việc nhà nước cần can thiệp để thị trường vận hành đúng định hướng nhưng sự can thiệp đó không được gây cản trở sự phát triển.

Sáng 6.11, Đoàn khảo sát thực tế nhóm 2 (phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) - Ban chỉ đạo tổng kết Trung ương một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, làm việc với Thành ủy TP.HCM.

Đoàn khảo sát do ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, làm trưởng đoàn.

PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM cho biết, thành phố có nhiều mô hình thành công khi thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là chương trình xóa đói giảm nghèo xuất phát từ truyền thống nghĩa tình của người dân thành phố, sau đó trở thành chương trình quốc gia.

Một chương trình khác là chương trình bình ổn thị trường được thực hiện từ những năm 2000 đến nay. PGS-TS Nguyễn Tấn Phát nhìn nhận, sự can thiệp của nhà nước vào thị trường sẽ không phù hợp với quan điểm về kinh tế thị trường của phương Tây, nhưng ở góc độ nghĩa tình, đảm bảo an sinh xã hội thì thành phố dùng ngân sách để bình ổn giá một số hàng hóa thiết yếu.

Ông Trần Tuấn Anh: Sự can thiệp của nhà nước không được gây cản trở thị trường - Ảnh 1.

PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, phát biểu tại hội thảo

NGUYÊN VŨ

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, vào năm 2016, khi tổng kết 30 năm đổi mới, TP.HCM đã chỉ ra 14 mô hình thí điểm, tiên phong của nước. Ngoài bình ổn giá, xóa đói giảm nghèo còn có quỹ phát triển đô thị, khu chế xuất, thị trường huy động vốn, thực hiện các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao)…

Ông Vũ đánh giá 14 mô hình đó phát huy những gì tốt của nền kinh tế thị trường và khắc phục những thiếu sót mà thị trường chưa làm được.

PGS-TS Nguyễn Tấn Phát cho biết, bất kỳ nền kinh tế nào cũng có vai trò của nhà nước. Nhà nước phải can thiệp để thị trường tốt hơn khi có diễn biến xấu, và rút bớt ra khi thị trường đang tốt lên. Đây là điều mà thời gian qua làm chưa tốt. "Lúc thị trường tốt lên chúng ta xen vào quá mạnh, làm cho năng lực điều tiết của thị trường giảm xuống, còn khi thị trường có vấn đề thì sự can thiệp lại lòng vòng, không hiệu quả", ông Phát nói.

Cùng quan điểm, TS Trương Minh Huy Vũ nhìn nhận việc hoàn thiện cơ chế để phát huy tốt nhất chức năng của kinh tế thị trường còn chậm, mà thị trường bất động sản, thị trường vốn diễn ra vừa qua là minh chứng rõ nét nhất.

Ông Vũ cho rằng nhà nước cần phải tham gia điều tiết, trực tiếp thực hiện ở những lĩnh vực mà thị trường chưa làm hoặc không làm hiệu quả như đầu tư nhà ở xã hội, xử lý môi trường, hay định hướng về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Ông Trần Tuấn Anh: Sự can thiệp của nhà nước không được gây cản trở thị trường - Ảnh 2.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, trao đổi tại buổi khảo sát

NGUYÊN VŨ

Phát biểu kết luận, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đánh giá các ý kiến thảo luận tại buổi khảo sát tập trung làm rõ quan điểm của TP.HCM về sự phát triển nhận thức, tư duy sáng tạo, đột phá lý luận cơ bản của Đảng về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ năm 1986 đến nay, mà tập trung vào 10 năm gần đây.

Ông Trần Tuấn Anh cũng thống nhất với báo cáo của Thành ủy TP.HCM và các ý kiến về hạn chế trong thể chế hóa các chủ trương chính sách, cũng như những tồn tại của hệ thống pháp luật còn chậm sửa đổi, làm chậm sự phát triển của thành phố. Vấn đề này được thảo luận nhiều ở Trung ương, Quốc hội. Những hạn chế về chậm thể chế hóa chủ trương và chậm sửa đổi quy định dẫn đến câu chuyện không dám làm và không làm được của đội ngũ cán bộ, công chức.

Về vai trò nhà nước, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh thống nhất nhà nước cần can thiệp thị trường để đúng định hướng nhưng không cản trở sự phát triển của thị trường.

Không ngó lơ để thị trường muốn làm gì thì làm

Trao đổi tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, chuyên đề này nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các thời kỳ, chuyên gia kinh tế, văn hóa. TP.HCM muốn cung cấp ở mức tối đa thực tiễn hơn 40 năm qua để cơ quan trung ương có thêm chất liệu phục vụ công tác tổng kết lý luận.

Ông Trần Tuấn Anh: Sự can thiệp của nhà nước không gây cản trở thị trường - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM

NGUYÊN VŨ

Ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ, thời gian càng lùi xa càng thấy rõ, sâu, toàn diện và có tính hệ thống hơn về những mô hình đổi mới của thành phố. Với vai trò, vị trí và tâm thế hành động, TP.HCM trở thành địa phương tiên phong đi đầu trong công cuộc đổi mới, hiện đại hóa, công nghiệp hóa, cung cấp thực tiễn để Trung ương đưa ra các chủ trương, chính sách mới áp dụng chung cho cả nước.

Nói thêm về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Bí thư Thành ủy TP.HCM đồng quan điểm với các chuyên gia rằng vai trò nhà nước là quan trọng nhưng thực hiện không dễ chút nào. "Như thế nào là dẫn dắt và dẫn dắt ở đâu, như thế nào là cân bằng, giới hạn can thiệp, cấp nào can thiệp", ông Nguyễn Văn Nên nói và cho biết nhất thiết phải có vai trò điều tiết của nhà nước chứ không ngó lơ để thị trường muốn làm gì thì làm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.