Rút ngắn thời gian xây dựng luật, tránh quy định lắt léo

18/10/2023 16:03 GMT+7

Từ chủ trương, nghị quyết đến luật, nghị định rồi thông tư hướng dẫn mất nhiều thời gian nên các chuyên gia cho rằng cần sớm hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật, tránh quy định chồng chéo.

Sáng 18.10, đoàn khảo sát nhóm 6 Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua do ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó trưởng nhóm 6 làm trưởng đoàn khảo sát làm việc với Thành ủy TP.HCM.

Các ý kiến trao đổi tại buổi khảo sát ghi nhận TP.HCM có nhiều mô hình mới đóng góp thực tiễn để Trung ương nhân rộng ra cả nước. Trong bối cảnh mới, các đại biểu cũng kỳ vọng TP.HCM sẽ tiếp tục đóng góp vào cơ sở lý luận, định hướng phát triển đất nước.

GS Nguyễn Quang Thuấn, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhìn nhận vấn đề liên kết vùng đặt ra nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ nhưng thực tế chưa hiệu quả. Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển 6 vùng.

Ông Thuấn đặt một số vấn đề như TP.HCM đóng vai trò nào trong vùng Đông Nam bộ, cơ chế hiện có đã giải quyết được bài toán liên kết vùng chưa, và TP.HCM cần thêm gì nữa để phát triển vùng Đông Nam bộ nói riêng và 6 vùng nói chung.

Rút ngắn thời gian xây dựng luật, tránh quy định lắt léo - Ảnh 1.

Đoàn khảo sát nhóm 6 làm việc với Thành ủy TP.HCM

SỸ ĐÔNG

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM cho rằng cần sớm hoàn thiện thể chế để vận hành các đô thị, đặc biệt là đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Nói về phân cấp phân quyền, ông Phát dẫn chứng hầu hết quốc gia đều muốn quản trị theo hướng tập trung quyền lực trung ương. Tuy nhiên, nếu quyền lực rơi vào các bộ ngành sẽ cản trở sự phát triển địa phương, dẫn đến tình trạng luật lắt léo, quy định chồng chéo.

Một số ý kiến cũng chỉ ra bất cập khi từ chủ trương, nghị quyết đến luật, nghị định, thông tư hướng dẫn là một quá trình dài, đôi khi làm mất cơ hội nên đề nghị cần rút ngắn thời gian, giảm khâu trung gian.

Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Phát biểu kết luận, ông Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn khảo sát nhìn nhận qua 40 năm đổi mới, TP.HCM đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thực hiện đường lối đổi mới, mang lại những thành tựu to lớn, hết sức quan trọng.

Thành phố đã giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kể cả khi tình hình trong nước có nhiều khó khăn, thế giới có những diễn biến phức tạp.

Gần đây, bối cảnh quốc tế, khu vực và tình hình trong nước có những biến động, thay đổi nhanh chóng, khó lường, nhất là đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức mới, gay gắt, tác động nặng nề.

Tuy nhiên, TP.HCM đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ bản thực hiện thắng lợi một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là kiểm soát dịch bệnh và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Rút ngắn thời gian xây dựng luật, tránh quy định lắt léo - Ảnh 2.

Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hà Nội, trưởng đoàn khảo sát phát biểu kết luận buổi làm việc

SỸ ĐÔNG

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Dũng cũng đánh giá việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của TP.HCM chưa đáp ứng yêu cầu, đóng góp vào nền kinh tế cả nước có xu hướng giảm trên một số phương diện.

Việc phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế có mặt chưa hiệu quả; hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị chưa có bước đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố…

Ông Đinh Tiến Dũng đề nghị trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa, huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đồng thời, có giải pháp huy động hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Nhiều mô hình đầu tiên cả nước

Báo cáo của Thành ủy TP.HCM nêu 7 dấu ấn tiêu biểu qua 40 năm đổi mới, đặc biệt là đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập của đất nước.

Đơn cử như từ tháng 10.1989, UBND TP.HCM ban hành quy định về các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần để tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đây là một trong những khuôn khổ pháp lý ban đầu tạo niềm tin cho kinh tế tư nhân, khuyến khích thành phần kinh tế này phát triển một cách hợp pháp. Đó cũng là cơ sở thực tiễn để Quốc hội khóa VII ban hành luật Doanh nghiệp tư nhân và luật Công ty năm 1991.

Rút ngắn thời gian xây dựng luật, tránh quy định lắt léo - Ảnh 3.

Khu Công nghệ cao TP.HCM là mô hình khu công nghệ cao đầu tiên cả nước

ĐỘC LẬP

TP.HCM chủ động nghiên cứu và thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp để hướng nền kinh tế vào xuất khẩu, thực hiện chính sách kinh tế mở. Mạnh dạn thí điểm các chế định vận hành của thị trường như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ năm 1992; thành lập Trung tâm Chứng khoán TP.HCM vào năm 1998, chủ động thành lập ngân hàng thương mại cổ phần từ năm 1987 để khơi thông thị trường vốn.

TP.HCM cũng là nơi hình thành các mô hình khoa học và công nghệ điển hình như: Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, Khu nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học.

Bên cạnh đó, TP.HCM chủ động kiên trì đeo bám, tham mưu đề xuất Trung ương những cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để thành phố phát triển, với tinh thần "vì cả nước, cùng cả nước".

Một dấu ấn khác của TP.HCM là kiên định mục tiêu xây dựng "thành phố nghĩa tình", là nơi khởi xướng chương trình "Xóa đói giảm nghèo", hình thành cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật, cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ HIV/AIDS; mô hình "Bệnh viện miễn phí" dành cho người nghèo, người có hoàn thành khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.