Nơi để quay về

25/09/2022 08:34 GMT+7

- Sài Gòn về hồi nào đó bây, khỏe không?

Tôi “dạ” một tiếng trả lời câu hỏi của cô Hai. Xuống xe, bước vào con đường đan nhỏ quen thuộc dẫn vào căn nhà chứa đầy những kỷ niệm của tuổi thơ, tôi gặp cô Hai chắc đang đi chợ sáng. Quê tôi là vậy, hễ cứ gặp nhau, có khi còn chưa nhìn rõ mặt thì lời chào đã bay đi trước. Tôi đứng lại nói chuyện với cô thêm vài câu, tự nhiên thấy những mệt mỏi vì chặng đường dài vừa trải qua bay biến đi đâu mất.

Quê tôi ngày ấy nói nghèo cũng không hẳn, nhưng quanh quẩn ruộng đồng nên cơ hội việc làm cho những thanh niên mới lớn lên sau này ít lắm. Thế hệ bọn tôi phần nhiều học xong lớp mười hai, có khi chỉ hết lớp mười đều kéo nhau lên đất Sài thành tìm kiếm cơ hội mưu sinh, những cơ hội đổi đời. Và tôi cũng không nằm ngoài số đông ấy.

Và những dịp lễ tết, những người trẻ ấy có dịp trở về. Gặp nhau, người ta cứ hay hỏi “Sài Gòn về hồi nào đó bây?”.

“Sài Gòn về” nghe cũng oách thật! Tôi nhớ ánh mắt mấy đứa nhỏ trong xóm nhìn tôi đầy ngưỡng mộ khi tôi cho tụi nó mấy cái bánh, mấy gói kẹo xanh đỏ tím vàng. Rồi mấy cô dì cũng xúm xít hỏi thăm “công ăn chuyện làm, lương bổng sao con?”. Thiệt sự mấy lúc ấy tôi kiềm lắm mới khỏi nở mũi.

Miền Tây quê hương vẫn luôn là nơi để quay về

Trần Dũng Nhân

Ở nhà thì khỏi phải nói. Mấy ngày tôi ở nhà là bữa cơm nào cũng được cha nấu cho toàn đặc sản. Lẩu mắm, cá bống trứng kho tiêu, gà luộc xé phay với gỏi bắp chuối thơm phức… Hồi đó, tôi ít khi tự hỏi không biết bữa cơm hằng ngày của cha mẹ có những gì, cứ vô tư mà thưởng thức toàn những món ngon của những bữa cơm sum họp, thậm chí khi đi lại còn đùm theo đủ thứ bánh trái.

Chung lại, “Sài Gòn về” luôn được miền quê nghèo của tôi chào đón bằng tất cả tấm chân tình.

Lạ một điều hình như hình ảnh “quê hương” trong lòng những người “Sài Gòn về” ấy lại không quá thiêng liêng. Hay vì tiếng “Sài Gòn về” là người ta thấy mình oách quá mà đâm ra bớt coi trọng những người ở tại đấy?! Cũng có thể với nhiệt huyết tuổi trẻ họ lao ra bên ngoài với những hoài bão, ngang tàng, rồ dại cùng với cả những hụt hẫng, mất mát, đớn đau… rồi họ dùng những vật chất ít ỏi mà mình có được để lên mặt với đời, với những người ở lại cái miền quê yên bình này như một cách tự chữa lành.

Cũng không rõ! Nhưng hình như những người ở quê tôi cũng không bận tâm lắm chuyện đó. Họ cứ ở đấy, hằng ngày miệt mài với việc ruộng đồng, lo cho cuộc sống thường nhật. Gặp nhau trên đường là họ cười thật tươi mà niềm nở “Sài Gòn về nào bây? Đẹp trai dữ hen!”. Rồi đợt tản dân lớn nhất lịch sử do Covid năm vừa rồi, họ vẫn dang rộng đôi tay đón những đứa con tha hương rệu rã, nhừ đòn ấy trở về. Chăm lo, chữa lành bằng tình thương để sau đó nếu muốn những người con ấy lại cứ tiếp tục lao đi…

Chiều tàn, tôi lững thững thả bộ rồi ngồi trên đê con sông nhỏ vô danh là một nhánh nhỏ của dòng Cổ Chiên, ngắm nhìn mấy đứa nhỏ đen nhẻm nhảy ầm ầm xuống tắm. Tắm chán chê, tụi nhỏ rủ nhau mặc lại áo quần rồi về nhà ăn cơm. Không còn bị khuấy động, con sông lại trở về vẻ yên bình vốn có, lững lờ trôi. Sông quê vẫn vậy, vẫn hằng ngày chảy mang phù sa đi tưới tiêu ruộng đồng; hằng ngày làm nơi cho bọn nhỏ tắm táp, gột rửa những bùn bẩn cuộc đời. Không biết lớn lên những đứa trẻ kia có mấy đứa nhớ về con sông ấy. Cũng chẳng sao, sông quê vẫn vậy, hiền lành, vị tha. Sự vị tha đủ khiến một đứa con không còn trẻ như tôi thấy xấu hổ về một thời trẻ trâu háo thắng, bồng bột và rồ dại của mình. Sài Gòn hay từ đâu cũng được, miền Tây quê hương vẫn luôn là nơi để quay về.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.