Lỡ hẹn miền Tây

20/09/2022 09:30 GMT+7

Trong phim, người ta cứ gọi nhau bằng số: ông tám, cô tư rồi bác sáu…, nên chúng tôi cũng học theo. Dạo đó phim đã chiếu hết rồi nhưng chúng tôi vẫn cứ gọi nhau là thằng hai, con ba, con tư... để đến tận bây giờ lũ bạn thời thơ ấu gặp nhau vẫn gọi nhau bằng những cái tên thân thương đó như một cách gợi nhớ về một tuổi thơ vô tư lự.

Tôi biết đến đất và con người miền Tây qua phim Đất phương Nam, bộ phim khiến những đứa trẻ miền Trung như tôi chết mê chết mệt một thời, cả ngày chỉ ôm khư khư chiếc ti vi đen trắng đếm từng phút đến giờ chiếu.

Cảnh phim Đất phương Nam

tư liệu

Cũng dễ hiểu thôi hồi đó đất nước mình còn nghèo việc đi lại giữa vùng này qua miền nọ vẫn là một điều khó khăn thì việc những đứa trẻ đã quen với vùng rừng núi nhấp nhô chập chùng, với cánh đồng thẳng cánh cò bay, thấy một miền sông nước mênh mông với hệ thống kênh rạch chằng chịt được bao quanh là rặng dừa nước thấp lè tè, chỉ vừa đủ che khuất đầu người khi ngồi chèo thuyền, thì hào hứng, muốn khám phá là điều dễ hiểu.

Vậy nên mỗi lần xem phim xong chúng tôi lại chạy ùa ra biển hòa vào dòng nước mát rượi để tìm cái cảm giác của thằng Cò, thằng An khi tắm trên những dòng sông đục ngầu phù sa, hay những lần ngụp lặn dưới sông cả giờ đồng hồ để trốn giặc. Nhưng mà biển rộng quá, trống trải quá không có sự ngoằn ngoèo, khúc khuỷu của những con sông nên không có cảm giác rình mò, bí ẩn. Chúng tôi hay trêu nhau: “Giờ mà giặc đến chúng mình không biết trốn đâu ta” rồi cùng nhau cười xòa sung sướng.

Ở trong phim người ta cứ gọi nhau bằng số: ông tám, cô tư rồi bác sáu..., nghe riết rồi quen, chúng tôi cũng học theo. Dạo đó phim đã chiếu hết rồi nhưng chúng tôi vẫn cứ gọi nhau là thằng hai, con ba, con tư... để đến tận bây giờ lũ bạn thời thơ ấu gặp nhau vẫn gọi nhau bằng những cái tên thân thương đó như một cách gợi nhớ về một tuổi thơ vô tư lự.

Rừng U Minh Thượng

công hân

Sau này lớn lên đi làm ở chung ký túc xá với tôi là một cô bé miền Tây cao ráo, dễ thương, giọng nói nhỏ nhẹ ngọt ngào trong trẻo như tiếng ca của con chim sáo hồi nhỏ tôi nuôi. Dạo đó mỗi lần nó nghỉ phép về quê lại khệ nệ lên bao nhiêu là thứ, nào là nước màu thắng đường bà ngoại làm đưa lên để hai đứa kho thịt cho ngon, cho đẹp, rồi nào là bánh da bò, cóc ổi xoài đủ thứ nhưng tôi thích nhất vẫn là mắm còng Gò Đông, nghe bảo đâu đó là đặc sản của Tiền Giang quê hương nó. Bữa cơm của những người công nhân nghèo với mắm Gò Công được bỏ thêm một chút ít đường, ớt, chanh, rồi còn cả những con tôm càng xanh được đóng gói kỹ càng trong thùng xốp khi mở ra vẫn còn thoang thoảng mùi ngai ngái của bùn đất đưa đi rửa thật sạch, xẻ đôi ra ướp nước mắm tỏi ớt thêm chút hạt tiêu xay nữa nướng lên cứ phải gọi là mĩ vị nhân gian. Đến tận bây giờ mấy năm đã đi qua mỗi khi nghĩ lại vẫn còn chép miệng thòm thèm.

Dù chưa một lần về thăm nhà nó nhưng mỗi lần ở quê lên bà ngoại đều dấm dúi cho tôi quà, khi là chiếc khăn rằn đặc trưng mà các cô gái miền Tây hay trùm đầu mỗi khi ra đường, rồi bộ bà bà màu hồng phấn mộng mơ do đích thân bà đưa từng đường kim mũi chỉ, dù quà không cao sang, đắt đỏ nhưng sao tôi thấy ấm lòng quá đỗi. Tôi mặc lên cho ngoại xem qua điện thoại ngoại còn cười móm mém khen “ra dáng con gái miền Tây rồi hen”. Hình như con người miền Tây tôi đã gặp, đã chơi ai ai cũng hiếu khách, sống chan chứa tình cảm như ngoại vậy. Điều đó làm tôi càng yêu thêm những con người ở một vùng miền tôi chưa từng được đặt chân đến nhưng thật gần gũi, thân quen.

Càng yêu hơn khi tôi được nghe kể không biết bao nhiêu lần về biển Tân Thành nơi có bãi cát đen huyền bí, hoang sơ, rồi chợ nổi Cái Bè với tấp nập xuồng qua xuồng lại. Trên mỗi chiếc xuồng đều chở đầy nào chôm chôm, dưa hấu, sầu riêng… quả nào quả nấy tròn tươi chín mọng. Tôi nhắm mắt lại thả hồn mình theo làn gió hiếm hoi của buổi chiều mùa hè trên khu công nghiệp để nghe, để tưởng tượng ra âm thanh nhộn nhịp, sống động của tiếng mái chèo khua sóng nước, tiếng chào mời của những cô chú chủ ghe tàu với làn da rám nắng nhưng vẫn luôn luôn nở nụ cười tươi rói trên môi, rồi lâu lâu lại vang lên tiếng hò ơ cao vun vút bay lên giữa vùng sông nước mênh mông của cô lái đò duyên dáng yêu kiều như xóa tan hết đi bao nhọc nhằn, gian khổ của cuộc sống mưu sinh. Ôi thật yên bình làm sao khi được thả mình trôi bồng bềnh theo dòng nước của những con sông đã nuôi sống bao thế hệ của con người miền Tây thân thương.

Niềm vui chẳng kéo dài, đùng một cái nó lấy chồng mà không dự định trước, lấy anh người yêu thanh mai trúc mã cạnh nhà. Nghe đâu bà nội bên nhà trai yếu lắm rồi muốn con cháu yên bề gia thất để bà an lòng ra đi, vậy là cưới gấp, từ ngày báo đến khi cưới cũng ngót nghét một tuần. Ngày cưới nó tôi đang ở quê nên cũng không tham gia được chỉ kịp nhìn thấy những bức hình nó xúng xính bộ đồ cưới, phía xa xa là những đìa tôm với cây cầu tre độc mộc trước nhà mà nó kể tôi nghe biết bao lần mỗi khi nhớ nhà. Rồi còn bà ngoại với ánh mắt hiền từ, trong bộ đồ bà bà màu nâu đất mới tinh tươm đang nở nụ cười chứa chan hạnh phúc tay trong tay bên cạnh cô dâu.

Hy vọng cho nó sẽ luôn hạnh phúc, ngoại luôn khỏe mạnh để tôi có dịp ghé đến miền Tây sẽ thăm miền sông nước, gặp bà ngoại hiền từ yêu dấu coi tôi như con cháu trong nhà dù chưa một lần gặp mặt. Hy vọng tôi sẽ có hẹn với mảnh đất miền Tây vào một ngày không xa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.