Những người ngày ngày bên lò nóng rực, thổi thủy tinh tạo hình

Cù Hiền
Cù Hiền
09/07/2023 15:40 GMT+7

Một mẻ thủy tinh được nấu liên tục trong khoảng thời gian từ 6 - 7 giờ đồng hồ, với nguyên liệu là than đá, khi nhiệt độ đạt mức cực đại (khoảng 1.800 độ C), thủy tinh sẽ tan chảy. Lúc này những người thợ thổi thủy tinh bắt đầu bận rộn để tạo hình.

Với một chiếc ống thổi thô sơ, kết hợp cùng đôi bàn tay khéo léo và hơi thở nhịp nhàng, nhiều thế hệ ở thôn Xối Trì, xã Nam Thanh (H.Nam Trực) đã tạo ra những sản phẩm bằng thủy tinh được thiết kế đầy tinh sảo. Công việc này đã trở thành nghề truyền thống với gần 100 năm tuổi.

Gặp những người giữ nghề thổi thủy tinh - Ảnh 1.

Từ khi lò bắt đầu nổi lửa đến khi nồi nung thủy tinh bị vỡ, phải thay nồi mới, lúc này lửa trong lò mới được dập tắt

C.H

Ngày xưa, ở thôn Xối Trì, nhà nào nhà ấy lửa đỏ trong lò quanh năm. Thời gian trôi qua, nghề này cũng dần mai một, công việc dù mang lại thu nhập ổn định cho người dân nhưng đặc thù nghề vốn vô cùng khắc nghiệt. 

Đến thăm Xối Trì khi đã vào hè. Cái nóng gay gắt đầu mùa, cộng thêm hơi nóng từ lò nung thủy tinh phả ra, nhiệt độ cao đến 45 - 50 độ nên không phải ai cũng có thể chịu đựng được sức nóng này. 

Bên cạnh đó, với nghề thổi thủy tinh ở đây, sản phẩm bán ra không có giá trị cao, mẫu mã đơn giản, từ số lượng và chất lượng đều khó cạnh tranh với các sản phẩm được tạo ra từ máy móc mới du nhập. Do đó, giới trẻ bây giờ hiếm có người chịu gắn bó với nghề. Chính vì vậy mà từ một làng nghề truyền thống, nay Xối Trì chỉ còn có vài ba hộ còn làm nghề.

Gặp những người giữ nghề thổi thủy tinh - Ảnh 2.

Khi lò nóng đến 1.800 độ C, lúc này các thợ bắt đầu bận rộn với công việc tiếp theo, công việc thổi thủy tinh

C.H

Theo chia sẻ của một số cụ già trong thôn Xối Trì, nghề này từ hơn 70 năm trước đã được người dân biết đến. Thời điểm đó, nghề thổi thủy tinh trở thành nghề tạo ra kinh tế chính cho nhiều hộ dân ở đây.

Thổi thủy tinh là một chuỗi những công đoạn đòi hỏi kỹ thuật và sự khéo léo, từ việc chọn nguyên liệu đến việc đắp nồi để nấu thủy tinh đều đòi hỏi sự cầu kỳ. Trong mỗi lò nung được đặt hai chiếc nồi. Trung bình mỗi chiếc nồi nấu thủy tinh cao hơn 1 m, rộng 80 cm, đáy dày 10 cm. Nồi được làm từ đất sét chịu nhiệt mua tại làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội). Đất sau khi đem về được nghiền thành bột, trộn cùng với sạn chịu nhiệt theo tỉ lệ "sạn 2 đất 1" rồi đổ nước ủ từ 15 - 20 ngày.

Gặp những người giữ nghề thổi thủy tinh - Ảnh 3.

Lượng thủy tinh vừa đủ được múc ra, cùng đôi bàn tay khéo léo, thủy tinh được tạo ra sản phẩm đúng như yêu cầu của người thợ

C.H

Khi đất và sạn chịu nhiệt hòa quyện vào nhau, người thợ sẽ nện đất làm đáy nồi. Mỗi chiếc nồi khi đắp xong được phơi từ 20 ngày đến 1 tháng mới có thể sử dụng.

Nặn nồi đã quan trọng, kỹ thuật đắp nồi cũng quan trọng không kém, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ nồi sẽ bị vỡ sẽ khiến toàn bộ mẻ thủy tinh bị hỏng.

Đối với nguyên liệu thủy tinh phải đảm bảo không bám bẩn và được phân loại theo màu xanh, trắng khác nhau.

Gặp những người giữ nghề thổi thủy tinh - Ảnh 4.

Chỉ trong chưa đến 10 giây, từ một khối thủy tinh lỏng đã được thổi thành hình chiếc cốc

C.H

Lò đốt của làng nghề thổi thủy tinh Xối Trì được làm từ gạch chịu nhiệt nên có độ bền cao, nhiệt độ ổn định.

"Trung bình, một mẻ thủy tinh được nấu liên tục trong khoảng thời gian từ 6 - 7 giờ đồng hồ, với nguyên liệu đốt là than đá, khi nhiệt độ đạt mức cực đại (khoảng 1.800 độ C), thủy tinh sẽ tan chảy. Lúc này thợ thổi thủy tinh bắt đầu bận rộn. Người thợ tay cầm ống sắt lấy thủy tinh từ trong lò ra và bắt đầu thổi theo những khuôn hình đơn đặt hàng có sẵn như: Chai, lọ, bóng đèn, cốc uống nước…", ông Trần Văn Duyên (45 tuổi, trú tại thôn Xối Trì, xã Nam Thanh, chủ lò thổi thủy tinh cho hay.

Gặp những người giữ nghề thổi thủy tinh - Ảnh 5.

Khuôn làm cốc để người thợ thổi thủy tinh tạo hình chiếc cốc đúng tiêu chuẩn

C.H

Không có máy móc nào có thể đo được lượng thủy tinh người thợ lấy ra mỗi lần để thổi, chỉ bằng mắt thường và đôi bàn tay đầy kinh nghiệm, từng người thợ đều đặn đưa ống sắt vào múc một lượng thủy tinh vừa đủ để tạo nên sản phẩm đã được đặt hàng trước. Trong lúc thủy tinh đang nóng chảy, người thợ mất không quá 10 giây để tạo thành phẩm và chuyển khâu tiếp theo.

Sau nhiều năm bôn ba ngoài cuộc sống, cuối cùng ông Trần Văn Duyên trở về học nghề thổi thủy tinh từ chính bố vợ của mình. Đến khi vào nghề, ông mới thấu, nghề thổi thủy tinh vất vả, khắc nghiệt đến nhường nào.

Gặp những người giữ nghề thổi thủy tinh - Ảnh 6.

Từ một khối thủy tinh trở thành một chiếc cốc chỉ trong vài tích tắc nhưng cộng hưởng muôn vàn những cực nhọc của những người thợ lành nghề

C.H

"Công việc quần quật từ sáng sớm đến đêm khuya. Lò nung từ khi đốt lửa đến khi nồi bị vỡ sẽ không lúc nào ngưng đỏ lửa. Bắt đầu đốt lò, 6 tiếng sau nhiệt độ tăng lên ngưỡng 1.800 độ C, khi ấy, thợ thổi thủy tinh sẽ bắt tay vào việc. Thời gian này khách uống bia nhiều nên đơn đặt hàng làm cốc cũng trở nên dày đặc. Trung bình các thợ thổi được 2.500 chiếc cốc thủy tinh/ngày.

Theo ông Duyên, nghề này không thể làm giàu được nhưng nhờ sự cần cù, chịu khó, vợ chồng ông đã có thu nhập ổn định, nuôi 2 con ăn học tươm tất và tạo công ăn việc làm cho 8 - 9 người thợ.

Gặp những người giữ nghề thổi thủy tinh - Ảnh 7.

Thành phẩm sẽ được vùi vào tro bếp để làm nguội, trước khi xuất hàng trả cho khách

C.H

Tuy nhiên, nói về sự mai một của nghề, ông Nguyễn Văn Quang (70 tuổi, trú tại thôn Xối Trì với kinh nghiệm hơn 50 năm làm nghề thổi thủy tinh) trăn trở: "Để nghề thổi thủy tinh Xối Trì phát triển bền vững, cấp uỷ, chính quyền xã Nam Thanh cần có cơ chế hỗ trợ để các lò sản xuất đầu tư khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất, chắt lọc những tinh hoa truyền thống làng nghề, từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy tinh Xối Trì có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong và ngoài tỉnh".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.