Những người giữ hồn Cơ Tu: Bảo tồn cá hiếm

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
19/05/2023 07:26 GMT+7

Nhận thấy cá niên gắn liền với truyền thống, văn hóa của đồng bào có nguy cơ bị tuyệt chủng, những chàng trai Cơ Tu tại xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đã đồng lòng bảo vệ loài cá quý hiếm này.

CÒN ĐÂU THỜI "XIN GIÀ LÀNG ĐI BẮT CÁ"...

Đứng ở Vũng Bọt - nơi hợp lưu của 2 con sông Nam và sông Bắc trước khi đổ về cửa biển Nam Ô, anh Trương Văn Đô (trú tại thôn Tà Lang) đưa tay vẽ một vòng rồi kể từ xa xưa đây là khu vực có nhiều cá niên (cá liên) nhất trên hệ thống sông Cu Đê. Với người Cơ Tu, loài cá chỉ sống trong những dòng sông, con suối lạnh này là sản vật thiêng liêng mà Giàng (trời), mẹ thiên nhiên, ban tặng cho họ. Không chàng trai Cơ Tu nào lớn lên mà không biết những buổi đi săn cá niên để cải thiện bữa ăn gia đình. Không ngôi làng nào không dùng cá niên làm món ăn quý mỗi dịp lễ hội, cúng tế… Người Cơ Tu mang ơn loài cá này bởi nó chính là một phần tạo nên truyền thống văn hóa.

"Chúng tôi gọi cá niên là "a siu hưr liêng". Thuở nhỏ, tôi thường theo cha ra suối săn cá. Dụng cụ mà chúng tôi thường dùng là một loại súng có gắn mũi tên nhọn. Để bắt được cá niên, ngoài lặn giỏi người thợ còn phải rèn luyện kỹ năng bắn tên dưới nước, bởi cá này bơi rất nhanh", anh Đô kể. Dù vậy, khoảng 15 năm trước, anh đã không đi săn thì thôi, chứ đi thì lúc nào cũng mang về vài cân cá. "Giờ thì cá vẫn còn đó nhưng để bắt được cá cỡ lớn không dễ gì… Nhiều năm trước, nạn kích điện và đánh bắt bằng mìn đã khiến những đàn cá cả mẹ lẫn con chết trắng bụng", anh Đô buồn bã.

Những người giữ hồn Cơ Tu: Bảo tồn cá hiếm - Ảnh 1.

Những thanh niên Cơ Tu vừa bảo tồn vừa săn bắn chọn lọc cá niên

HOÀNG SƠN

Ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí, cũng tỏ ra tiếc nuối khi nhắc về loài cá này. Theo ông, trước khi bị những người từ dưới phố mang dụng cụ hủy diệt lên khai thác, trên sông Nam, sông Bắc quanh năm cá bơi từng đàn. "Hồi đó, ngoài bắn bằng súng tên tự chế, chúng tôi bắt cá bằng cách đục miệng ống lồ ô để những cá lớn chui vào thì không bơi ngược ra được. Đàn cá phát triển mạnh trên sông cũng nhờ lệ làng quy định nghiêm ngặt. Gia đình nào có tiệc tùng, đám cưới phải đến xin già làng ra sông bắt cá. Già làng chỉ khúc sông nào, cho bắt bao nhiêu thì cứ đúng như thế mà làm. Bắt nhiều hơn, làng phạt!", ông Như kể.

Giao thông, đường sá ngày càng thuận lợi, cá niên từ vùng núi Hòa Bắc càng "xuôi" về phố. Thịt cá ngon nên được giá. Thế là có thời điểm người dưới xuôi lên bắt cá rất đông. Có hôm, ông Như bần thần khi chứng kiến cảnh người ta chích điện, cá nổi trắng khúc sông. "Cá to, cá nhỏ họ nhặt về không sót con nào…", ông Như xót xa.

GIỮ CÁ, GIỮ MẠCH NGUỒN VĂN HÓA

Trong đời sống văn hóa ẩm thực Cơ Tu, cá niên là thứ không thể thiếu những dịp trọng đại. Đó là món ăn mà người dân xem là đặc sản để thết đãi khách quý như một sự tự hào của gia đình, thôn bản… Bởi vậy, trước nguy cơ tuyệt diệt, khi hay tin chính quyền địa phương phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) triển khai chương trình bảo vệ và phục hồi loài cá này, những chàng trai Cơ Tu vốn thạo từng con nước, từng vách đá đã xung phong tham gia. "Cách đây 2 năm, Tổ nòng cốt bảo vệ cá niên thuộc Tổ hợp tác du lịch cộng đồng xã Hòa Bắc đã ra đời với 15 thành viên cơ hữu, trú tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí. Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ cá niên khỏi các mối đe dọa từ nạn khai thác hủy diệt, bảo vệ nguồn nước…", ông Phan Văn Thu, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Tà Lang, Tổ trưởng Tổ nòng cốt bảo vệ cá niên, chia sẻ.

Những người giữ hồn Cơ Tu: Bảo tồn cá hiếm - Ảnh 2.

Cá niên nướng của người Cơ Tu khiến nhiều người mê mẩn

Anh Trương Văn Đào, một thành viên của tổ, kể thêm rằng ngày ra mắt, tổ được nhận các dụng cụ săn cá gồm kính lặn, oi đựng cá và một khẩu súng bắn tên. Các thành viên trong tổ cũng cam kết không sử dụng các biện pháp đánh bắt hủy diệt. Hằng ngày, tổ được phép săn cá ở những khu vực không bị cấm. Các anh cũng chỉ được bắt cá ngoài mùa sinh sản (khoảng từ tháng 3 - 5 âm lịch). Với cách săn bắn này, mỗi ngày, người lặn giỏi lắm cũng chỉ kiếm được 5 - 6 con cá niên, đủ để phục vụ đoàn khách du lịch vài người.

"Cách săn cá truyền thống không thể bắt những con cá nhỏ mà chỉ được bắt những con cá từ 3 ngón tay trở lên (nặng chừng 300 gr) nên có tính chọn lọc. Sau 2 năm, cá mẹ đã nhiều lên. Mỗi lần thăm sông, thấy bầy cá trở lại, anh em mừng lắm. Với giá từ 400.000 - 500.000 đồng/kg, tổ bảo vệ cá cũng có thêm thu nhập nhờ thực khách rất thích mỗi dịp ghé Hòa Bắc. Chúng tôi cũng phối hợp với tổ trekking để dẫn khách trải nghiệm đời sống tự nhiên. Ai có nhu cầu sẽ được hướng dẫn lặn bắn cá rồi nướng bên bờ sông, bờ suối vô cùng thú vị...", anh Đào chia sẻ.

Dù vậy, giá cá niên đang tăng cao cũng xuất hiện mặt trái. Trong những lần tuần tra, các thành viên của tổ phát hiện nhiều người cố ý sử dụng kích điện. "Từ tin báo của tổ, nhiều người đã bị công an xử phạt số tiền đến 5 triệu đồng. Ngăn cản họ, chúng tôi cũng bị dọa đánh, dọa giết nhưng anh em không sợ. Bao đời nay, cá niên gắn với núi rừng Hòa Bắc, gắn với văn hóa Cơ Tu. Giữ được cá niên là giữ được nguồn sống, giữ được mạch nguồn văn hóa…", ông Phan Văn Thu quả quyết. (còn tiếp) 

Cảnh báo "thủ đoạn" săn bắt hủy diệt mới

Ông Đinh Văn Như cho biết hiện trên những khúc sông không bị cấm săn bắt cá niên thuộc thượng nguồn sông Cu Đê xuất hiện nhiều thợ lặn chuyên nghiệp ở các vùng biển lên. "Họ mang theo bình hơi có thể lặn sâu, lặn vào từng hang đá, ngách suối cả giờ đồng hồ. Rồi khi trồi lên mặt nước bắt rất nhiều cá lớn. Tôi cho rằng đó cũng là cách săn bắt hủy diệt mới vì nếu không ngăn chặn thì cá bố, cá mẹ sẽ không còn…", ông Như trăn trở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.