Những người giữ hồn Cơ Tu: Những 'công trình sư' của làng

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
17/05/2023 07:33 GMT+7

Họ là những người nặng lòng với văn hóa Cơ Tu tại TP.Đà Nẵng. Họ tận tâm, không biết mệt mỏi,thậm chí có những đánh đổi để hồi sinh những thứ đã mất, nhen nhóm và lan tỏa nét văn hóa đẹp để cộng đồng biết đến.

Hễ cần dựng nhà sàn, điêu khắc gỗ truyền thống, cộng đồng người Cơ Tu vùng thấp ở xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) sẽ nghĩ ngay đến cha con già A Lăng Mỹ (64 tuổi, trú thôn Tà Lang).

THAO THỨC BÊN MÁI GƯƠL

Dù đã dựng khoảng 15 năm qua, nhưng gươl (nhà làng) của người dân thôn Tà Lang vẫn sừng sững, bền gan trước mưa gió. Ngôi nhà truyền thống này là địa chỉ không thể bỏ qua của những người đam mê văn hóa Cơ Tu khi đến với xã vùng núi Hòa Bắc, bởi nó được dựng lên đúng theo nguyên mẫu gươl xa xưa với mô thức nhà sàn, mái lợp cao vút, tấm thưng vuông vức… Bước vào bên trong, một thế giới về nghệ thuật điêu khắc gỗ hiện ra với cột chính bắt mắt cùng những bức phù điêu cực kỳ độc đáo. Người thiết kế căn nhà rồi cất công trang trí chính là già A Lăng Mỹ.

Già Mỹ kể, ông may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có năng khiếu về nghệ thuật. Người thầy đầu tiên của già chính là ông nội. Ông nội mất, già lại theo cha băng những cánh rừng, cắt từng con suối để đi dựng nhà, tạc tượng nhà mồ cho các làng, có khi lên tận H.Đông Giang (Quảng Nam). Chiến tranh ác liệt đã đẩy ông và gia đình đến xã Lăng (H.Tây Giang, Quảng Nam) trú ngụ. Cũng nhờ đó, ông có thêm điều kiện học hỏi cách thức làm nhà truyền thống của đồng bào Cơ Tu, rồi lấy đó làm vốn liếng khi trở lại quê cũ.

Những người giữ hồn Cơ Tu: Những 'công trình sư' của làng - Ảnh 1.

Bậc thầy điêu khắc người Cơ Tu, già A Lăng Mỹ

HOÀNG SƠN

"Cách đây khoảng 15 năm, được Nhà nước hỗ trợ dựng gươl, cán bộ đến hỏi trong làng còn ai có thể đứng ra chỉ cách thức dựng nhà, bố bảo bố không đủ sức xẻ gỗ thôi, chứ còn cách dựng nhà "vuông ở giữa, tròn hai bên" thì có chi mà khó… Nói rồi, cán bộ giao cho bố làm "kiến trúc sư" luôn", già Mỹ dí dỏm kể.

Từ những kiến thức tích lũy được mấy mươi năm qua, già Mỹ không khó để có một "bản vẽ" đưa cho trai làng chuẩn bị gỗ lạt, tấm lợp… Nhưng làm sao để những người trẻ có thể dựng được căn nhà có hồn thì đòi hỏi già phải ngày ngày giám sát.

Có hôm thao thức, già chạy sang ngồi nhìn khung nhà, đưa tay lên không trung đo vẽ. Hàng tháng trời như thế, già Mỹ âm thầm chỉ cho đám trai làng từng nút buộc mây cho đến cách bện từng lá cọ… Ngày xong ngôi nhà, già mới có giấc ngủ ngon.

"Gươl là một biểu tượng của sự đoàn kết của một ngôi làng. Gươl Tà Lang chúng tôi cũng như thế. Có được mái gươl cũng là nhờ sự chung tay của cộng đồng. Ngày hoàn thành, chúng tôi mừng lắm, mở hội thâu đêm suốt sáng", già Mỹ nhớ lại.

BẬC THẦY ĐIÊU KHẮC GỖ

Đến thăm gươl Tà Lang lúc giữa trưa, tôi bắt gặp nhóm thanh niên đang cặm cụi dựng và đan tấm lợp mô hình nhà sàn chừng 12 m2 ngay trong khuôn viên nhà làng. Thấy khách, anh A Lăng Đào (42 tuổi, con trai già A Lăng Mỹ) dừng tay, nói: "Chúng tôi chọn mô hình nhà sàn truyền thống để góp mặt tại hội trại của xã với mong muốn lan tỏa hình ảnh, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu đến với đông đảo người dân cũng như du khách". Dù chỉ là mô hình nhưng anh Đào dự tính đến khi hoàn thành sẽ tốn chừng 50 công vì cách thiết kế không khác gì so với nhà sàn nguyên mẫu. Đến với hội trại, anh Đào cũng mang theo những bức phù điêu như rùa, cá, tôm, thằn lằn… do chính tay anh tạc nên trong nhiều năm qua.

"Tôi học được từ bố mình đấy! Gia đình có 4 anh em trai, tôi là con thứ 3. Thuở nhỏ, cũng thấy bố đan lát, tạc tượng đủ kiểu nhưng không mê. Một hôm, có thanh niên hỏi tôi: Anh có biết làm những thứ bố anh làm không? Tôi không biết trả lời sao nhưng từ đó tôi quyết học bố, từ cách dựng nhà sàn, gươl đến điêu khắc gỗ, đan lát từ tre, nứa…", anh Đào không giấu được niềm tự hào.

Sau 3 năm theo bố tạc tượng, dựng nhà mồ, anh thành thạo cách tạc trên gỗ cũng như làm dày vốn liếng về nghệ thuật điêu khắc Cơ Tu. Anh cũng nhuyễn đôi tay với những đường đan trên mủng, rổ, xà léc (gùi), oi đựng cá…; thậm chí biến tấu thành những vật dụng gần gũi để người ta mua sử dụng hoặc làm đồ lưu niệm, như giỏ xách, giỏ đựng bút…

Già A Lăng Mỹ ngồi bên góp chuyện: "Cũng may Đào có năng khiếu mới học được chút đỉnh. Điêu khắc giỏi thì chưa tới, nhưng cố gắng thì cũng có nhiều triển vọng". Theo già Mỹ, ông đã truyền nghề điêu khắc cho 5 - 6 người trong làng nhưng vì thời gian quá ngắn nên những tay thợ này chỉ mới biết cách xả gỗ và làm tượng thô. Để có thể trở thành thợ điêu khắc giỏi, hiểu ý nghĩa của từng đường đục trong mỗi hoa văn, khắc được thần thái của mỗi khuôn mặt... đòi hỏi người học phải kiên trì.

Giỏi nghệ thuật điêu khắc, già làng A Lăng Mỹ được bầu làm đội trưởng đội điêu khắc thuộc Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tà Lang - Giàn Bí. Nhiều năm qua, già cùng con trai tham gia trình diễn tại nhiều tỉnh, thành và có tác phẩm đạt giải trong các trại sáng tác. Già cũng là người chơi thành thục các nhạc cụ như trống, cồng chiêng, đàn, sáo… nên được bầu làm đội trưởng đội âm nhạc truyền thống, đội trưởng đội đan lát. Già được nhiều người trong bản làng quý mến và trở thành người có uy tín tiêu biểu đồng bào Cơ Tu thực hiện tốt phong trào đoàn kết sáng tạo năm 2022. (còn tiếp) 

Ước mong phục hồi nghề rèn

Già A Lăng Mỹ kể, trong thời gian cư trú ở H.Tây Giang (Quảng Nam) từ năm 1968 - 1972, ông đã học được nghề rèn của đồng bào Cơ Tu vùng cao với bí quyết tôi thép độc đáo. Đến cuối năm 1972, khi trở về quê hương Tà Lang, già Mỹ mở lò rèn và giúp nhiều người dân địa phương có công cụ sản xuất. "Tôi mong sao có một ngày, nghề rèn Cơ Tu sẽ sống lại và tôi sẽ truyền nghề cho thế hệ con cháu", già Mỹ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.