Nhóm người cao tuổi nào dễ trở nặng khi mắc bệnh cúm?

Duy Tính
Duy Tính
27/11/2023 12:37 GMT+7

Người cao tuổi mắc các bệnh về tim mạch, chuyển hóa, hô hấp… nguy cơ cao khi mắc bệnh cấp tính như bệnh cúm. Vì sao?

Ngày 27.11, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) khai trương Trung tâm tiêm chủng vắc xin, đồng thời tổ chức tọa đàm về bệnh cúm và nguy cơ với người cao tuổi.

Tại buổi tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Tim mạch cấp cứu và can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) đã chỉ ra những đối tượng người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cúm dễ gặp biến chứng.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Tân, người cao tuổi (từ 60 trở lên) và rất cao tuổi (từ 80 trở lên) thường có nhiều bệnh đồng mắc.

Nhóm người cao tuổi nào dễ trở nặng khi mắc bệnh cúm? - Ảnh 1.

Theo các bác sĩ, người cao tuổi có bệnh nền dễ trở nặng nếu mắc thêm bệnh cấp tính

DUY TÍNH

Những người cao tuổi, đặc biệt những người có sức đề kháng suy giảm, do quá trình lão hóa, do phải sử dụng đa thuốc chữa trị nhiều bệnh, nên nếu mắc các bệnh cấp tính như cúm, viêm phổi thì tiên lượng của người cao tuổi thường xấu hơn các đối tượng khác.

Thứ đến, những người cao tuổi có bệnh lý liên quan đến tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim mà mắc bệnh cấp tính như viêm phổi, cúm thì tiên lượng rất kém. Thậm chí người cao tuổi không mắc bệnh tim nhưng bị một đợt nhiễm cúm, sau đó mới bị nhồi máu cơ tim hoặc bị suy tim xuất viện về, thì tái nhập viện và suy tim nặng hơn.

"Phải hiểu rằng, trước khi phát hiện ra bệnh hay có bệnh tiềm tàng nhưng khi nhiễm cúm, viêm phổi thì tiên lượng người cao tuổi rất nặng", PGS-TS Nguyễn Văn Tân nói.

Bên cạnh đó, những người cao tuổi mắc các bệnh về hô hấp (hen, COPD), đái tháo đường, suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ… khi nhiễm cúm sẽ làm cho bệnh nặng hơn, đặc biệt là ở người suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ

"Những bệnh nhân có nguy cơ cao khi nhiễm các bệnh cấp tính như bệnh cúm là những bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý tim mạch, hô hấp, bệnh lý chuyển hóa - nội tiết, bệnh lý suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ. Đây là những đối tượng xem xét dự phòng bằng vắc xin nếu có", PGS-TS Nguyễn Văn Tân khuyến cáo.

Theo PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, khi nói đến tiêm chủng, hầu hết mọi người đều chỉ mới nghĩ đến đối tượng là trẻ em. Tuy nhiên, người cao tuổi cũng rất cần tiêm vắc xin, vì hệ thống miễn dịch của người cao tuổi cũng giống như nhiều cơ quan khác của cơ thể sẽ có dấu hiệu lão hóa theo độ tuổi. Vì vậy khi lớn tuổi, nếu để mắc bệnh thì bệnh thường diễn tiến nặng và có nhiều biến chứng. Người lớn tuổi, cao tuổi, đặc biệt người có bệnh lý nền cũng rất cần tiêm nhắc những mũi vắc xin mà họ từng được tiêm khi còn trẻ nhưng đã suy giảm hiệu lực bảo vệ.

"Dự phòng bệnh trên người lớn tuổi là rất quan trọng, để đảm bảo khỏe mạnh, chất lượng cuộc sống tốt về thể chất và tinh thần", PGS-TS Lê Đình Thanh chia sẻ.

Xem nhanh 12h ngày 27.11: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.