Nhóm làm clip 'chế giễu kỳ thi THPT quốc gia' có phạm luật?

07/07/2016 09:11 GMT+7

Việc nhóm bạn trẻ ở Huế dàn dựng và đăng tải clip lên mạng xã hội, chế giễu kỳ thi THPT quốc gia chỉ là clip hài hước hay vi phạm pháp luật? Mời bạn đọc xem nhận định của các luật sư.

Sau khi Thanh Niên thông tin về việc nhóm bạn trẻ ở Huế tung lên mạng xã hội clip chế giễu kỳ thi THPT quốc gia gây sốc và cơ quan công an vào cuộc, đã nhận được nhiều ý kiến bình luận. Trong đó nhiều người cho rằng, việc làm của các em chỉ mang tính hài hước, giải trí, không đáng để "chuyện bé xé ra to" vì các em không vi phạm pháp luật.

Theo Luật sư Trần Công Tư (Trưởng văn phòng Luật sư Trần Công Tư, TP.Huế), việc đăng tải thông tin lên mạng xã hội chế giễu kỳ thi THPT quốc gia của nhóm bạn trẻ Huế nêu trên là đã vi phạm vào Điểm d, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 72/2013/NĐCP ngày 15.7.2013, của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Xét về tính chất, mức độ thì việc xử lý vi phạm hành chính các em là điều cần cân nhắc vì xử phạt có thể dễ dàng nhưng để nâng cao ý thức trách nhiệm đối với những tác phẩm của mình, với những gì các em đang phản ánh là điều quan trọng hơn
Luật sư Võ Công Hạnh

Cụ thể, Điều 5 về các hành vi bị cấm trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng của Nghị định 72, Điểm d quy định, cấm: “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm cá nhân”.

Với  hành vi vi phạm trên, sau khi cơ quan có thẩm quyền xác minh, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, nếu xử lý hành chính thì áp dụng Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (có hiệu lực từ 15.1.2014) với mức phạt tiền từ 10 -20 triệu đồng, đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác (Điểm g Khoản 3 Điều 66).


[CLIP]  Nhóm F.TV gửi lời xin lỗi cộng đồng - Nguồn: Phi L. cung cấp

Nếu hành vi vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng của Bộ luật Hình sự, ở tội vu khống (Điều 122 BLHS) xác định vu khống là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm này cần phải cân nhắc vì muốn xác định một hành vi vi phạm thì phải chứng minh được mức thiệt hại và người bị hai. Cụ thể ở đây, thiệt hại là làm giảm uy tín của ngành giáo dục trong kỳ thi THPT quốc gia, nhưng mức độ thiệt hại cụ thể thì rất khó xác định.

Luật sư Võ Công Hạnh (Công ty luật Công Khánh, Đoàn luật sư Thừa Thiên - Huế) cũng cho rằng việc áp dụng Điểm d, Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013 của Chính phủ là có cở sơ, vì trong clip, việc các em đã chỉ đích danh Bộ Giáo dục- Đào tạo, làm ảnh hưởng uy tín của Bộ. Đồng thời, việc dùng một số từ ngữ dung tục là không phù hợp với một tác phẩm truyền thông.

Tuy nhiên, theo luật sư Võ Công Hạnh, clip của nhóm bạn trẻ Huế chế giễu kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, được dàn dựng dựa trên một clip trên internet về mùa thi năm 2015 và được cải biên. Việc các em có sự sáng tạo, ứng dụng công nghệ, phát triển năng lực là điều tốt. Clip trên có thể là sự phản ánh hiện thực cuộc sống, học tập mà các em đang là thực thể trong bối cảnh đó hoặc đơn giản là một tác phẩm truyền thông mà các em có sự chuẩn bị, đầu tư.

Một trong số nhân vật trong clip 'chế giễu kỳ thi THPT quốc gia' ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

“Trong clip trên, có thể những nội dung mà người nghe khó chấp nhận vì cách sử dụng ngôn ngữ của các em, nhưng theo quan điểm của tôi xét về tính chất, mức độ thì việc xử lý vi phạm hành chính các em là điều cần cân nhắc vì xử phạt có thể dễ dàng nhưng để nâng cao ý thức trách nhiệm đối với những tác phẩm của mình, với những gì các em đang phản ánh là điều quan trọng hơn”, LS Hạnh nhận xét.

Ở một diễn biến khác, sau khi clip được tung lên mạng, cơ quan công an vào cuộc, trên các diễn đàn mạng xã hội đã có nhiều thông tin xuyên tạc cho rằng, các em có mặt trong clip đã bị xử phạt và đuổi học. Clip xin lỗi của các em cũng do sự ép buộc của cơ quan công an…

Chiều 6.7, trả lời phóng viên Thanh Niên, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế (đơn vị đang thụ lý vụ việc) cho biết, hiện tại cơ quan công an đang tiếp tục xác minh và làm rõ. Đến thời điểm này, cơ quan công an chưa hề triệu tập bất cứ thành viên nào của nhóm bạn trẻ thực hiện clip, chưa có bất cứ hình thức xử lý nào đối với hành vi của các em.

Sở GD-ĐT Thừa Thiên- Huế cũng xác nhận đang chờ đợi kết quả xác minh làm rõ của cơ quan công an và chưa kỷ luật hay đuổi học bất cứ em nào như dư luận đồn thổi.

Riêng về clip xin lỗi của các em đưa lên mạng vào tối 5.7, theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, clip này do bố mẹ của em M.V.L (một thành viên trong nhóm) sau khi biết vụ việc, nhận thấy việc đùa giỡn của các em đã đi quá đà nên đã yêu cầu các em phải lên mạng công khai xin lỗi mọi người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.