Nhìn lại 'tao đàn' Chiêu Anh các: Trần Trí Khải và Dư Tích Thuần

21/03/2024 07:15 GMT+7

Danh sách các thi nhân có thơ văn trong hai tập Hà Tiên thập vịnhThụ Đức Hiên tứ cảnh được Lê Quý Đôn chép lại trong Kiến văn tiểu lục. Một số thi nhân trong đó được Trịnh Hoài Đức xếp vào danh sách người Quảng Đông hoặc người Phúc Kiến.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn một bản chép tay sách An Nam Hà Tiên thập vịnh. Các tác giả trong đó đều được ghi tên và quê quán. Nhà nghiên cứu Trần Kinh Hòa xác định trong tập thơ đó có 9 tác giả VN (bao gồm cả người Minh Hương), 7 người tỉnh Quảng Đông, 11 người tỉnh Phúc Kiến, 2 người tỉnh Giang Tô và 3 người tỉnh Giang Tây. Cầu nối để Mạc Thiên Tứ liên hệ với các văn nhân này chính là Trần Trí Khải.

Nhìn lại 'tao đàn' Chiêu Anh các: Trần Trí Khải và Dư Tích Thuần- Ảnh 1.

Di tích trấn thự của Mạc Thiên Tứ trong bản đồ năm 1869

Thư viện Quốc gia Pháp

Trần Trí Khải: Cầu nối giữa Hà Tiên và Quảng Đông

Sách An Nam Hà Tiên thập vịnh cho biết Trần Trí Khải tự là Hoài Thủy, người huyện Nam Hải, tỉnh Quảng Đông. Mùa xuân năm Bính Thìn (1736), Trần Trí Khải theo thuyền biển tới Hà Tiên và đã gặp gỡ Mạc Thiên Tứ. Trong bài bạt Hà Tiên thập vịnh, Trần Trí Khải cũng có nói:

"Sĩ Ông tiên sinh vốn có tài chèo chống, ôm chí khí biển hồ. Mùa xuân năm Bính Thìn [1736], tôi cưỡi thuyền tới Nhật Nam, lưu luyến nửa năm, thâu đêm ngâm vịnh. Nhân đó đưa ra mười đề tài về Hà Tiên để xướng họa, bèn làm lộ ra những vẻ đẹp sâu kín, có chỗ sánh ngang với cảnh "mây đỏ non cao", "sông trong trăng mới", gồm đủ tài tình như vậy. Có khó gì đâu việc vỗ bờ vai Tương Dương, mà kéo vạt áo Gia Châu chứ!".

Điều đáng ngạc nhiên là trong An Nam Hà Tiên thập vịnh hiện còn lại không có thơ họa của Trần Trí Khải. Trần Trí Khải còn có thơ vịnh cảnh Thụ Đức Hiên. Bài thơ vịnh cảnh mùa thu của ông còn được Lê Quý Đôn chép lại trong Kiến văn tiểu lục. Ông cũng là người viết bài bạt cho Hà Tiên thập vịnh và một bài bạt khác cho chùm thơ Hà Tiên thập vịnh của Dư Tích Thuần.

Ngoài việc vịnh thơ, họ còn cùng nhau bàn luận về các văn nhân khác. Mạc Thiên Tứ cũng từng thừa nhận trong bài bạt thơ Hà Tiên thập vịnh của Dư Tích Thuần:

"Tôi tỵ cư nơi hải ngoại, thấy vật thì cảm khái, ngẫu nhiên có sáng tác, nhưng chưa được bậc quân tử sửa chữa cho. Mùa xuân năm Bính Thìn (1736), Trần tử Hoài Thủy tới đây, đem thơ ra bàn luận, lại nói đến chuyện tiên sinh cao nhã, tuổi tác đã cao nhưng ngâm vịnh khỏe khoắn".

Chính từ cuộc nói chuyện này mà Mạc Thiên Tứ biết đến nhiều văn nhân Trung Quốc đương thời. Mặc dù cách nhau hàng ngàn dặm, Trần Trí Khải đã làm cầu nối cho Mạc Thiên Tứ giao lưu với văn đàn Trung Quốc.

Mạc Thiên Tứ và Dư Tích Thuần

Dư Tích Thuần là người được nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt khẳng định là có đến Hà Tiên. Dư Tích Thuần tự Doãn Văn, hiệu Kiêm Ngũ, người huyện Thuận Đức, tỉnh Quảng Đông, lận đận về khoa cử. Năm 1727, nhờ thân phận cống sinh nên được làm quan Huấn đạo Dương Giang. Ít lâu sau, Dư Tích Thuần từ quan về nhà, "cùng kẻ sĩ tấn thân kết thành thi xã ở nam thành, thỏa chí đề vịnh, không ngày nào nghỉ". Trong niên hiệu Ung Chính (1723 - 1735), triều đình nhà Thanh dự định soạn Đại Thanh nhất thống chí, nên sai các tỉnh soạn địa phương chí trước. Tổng đốc Hác Ngọc Lân bèn mở ra Việt Tú thư viện để biên soạn. Dư Tích Thuần cũng có tham gia. Sau đó ông còn tham gia soạn Thanh Viễn huyện chí. Năm 93 tuổi, Dư Tích Thuần còn viết được chữ Khải nhỏ như đầu ruồi, thường cùng thằng hầu ngồi thuyền dạo chơi, ngâm vịnh không chán.

Nhìn lại 'tao đàn' Chiêu Anh các: Trần Trí Khải và Dư Tích Thuần- Ảnh 2.

Ghi chép về Mạc Thiên Tứ và Dư Tích Thuần trong Quốc triều thi nhân trưng lược

tư liệu của tác giả

Thuận Đức huyện chí còn ghi lại cuộc đàm đạo giữa Mạc Thiên Tứ và Trần Trí Khải về Dư Tích Thuần. Sách này viết:

"Việt Nam đề cao thi phú. Di quan trấn Hà Tiên là Mạc Mỗ vốn là người Trung thổ, thông văn chương. Trong huyện có người đi mua bán ở đất ấy, biết sở thích, bèn đem sách thơ của Tích Thuần mà mình đem theo dâng lên để làm quà. Mạc đọc rồi khen hay, lúc uống rượu, hỏi khách buôn: "Tác giả là người thế nào?". Người buôn bán đem kể chuyện ba đời đều hưởng khoa danh, vợ chồng cử án tề mi, hiện nay đã được bốn đời, nay đã già mà hãy còn khỏe mạnh. Mạc than rằng: "Là người có phước vậy"".

Bằng vào lời bạt của Mạc Thiên Tứ đã dẫn ở trên, chúng ta biết chắc người buôn bán trong câu chuyện này chính là Trần Trí Khải. Quan hệ giữa Dư Tích Thuần và Trần Trí Khải là quan hệ bác - cháu. Thông qua Trần Trí Khải mà Mạc Thiên Tứ quen biết Dư Tích Thuần. Dư Tích Thuần cũng có chùm thơ họa Hà Tiên thập vịnh, có lời bạt của Mạc Thiên Tứ và Trần Trí Khải. Điều lạ lùng là các bài thơ và bạt này không thấy chép trong An Nam Hà Tiên thập vịnh, nhưng lại được chép trong Cố Lê triều Bảo Triện xã Tiến sĩ Trần Danh Án thi sao - thi tập của một văn sĩ Đàng Ngoài cuối thế kỷ 18. Dư Tích Thuần còn họa thơ Thụ Đức Hiên tứ cảnh. Nhưng Lê Quý Đôn không chép lại bài nào.

Lúc họa thơ Hà Tiên thập vịnh, Dư Tích Thuần đã 86 tuổi, không rõ có còn đủ sức để đi Hà Tiên chăng? Theo lời người đương thời là La Thiên Xích, Mạc Thiên Tứ "từ chỗ khách buôn đường biển được thấy thơ của Kiêm Ngũ, hâm mộ; đợi mỗi khi có thuyền biển quay về liền đem thổ vật ra đổi những bài vịnh mới của ông". Sáng tác của ông gồm có 3 quyển Ngữ Sơn đường văn cảo và 12 tập Ngữ Sơn đường thi. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.