Nhìn lại 'tao đàn' Chiêu Anh các: Chiêu Anh các - tao đàn hay salon văn học?

20/03/2024 06:22 GMT+7

Số lượng thành viên tao đàn Chiêu Anh các được đánh giá là đông đảo lên đến hơn 60 người. Trịnh Hoài Đức còn đưa ra một danh sách khác. Trong đó ông liệt kê các nhân sĩ của hai tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và ba phủ Triệu Phong, Quy Nhơn, Gia Định đã "nối gót nhau mà đến" Hà Tiên.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân tỏ ra dè dặt hơn. Ông cho rằng chỉ tính riêng Hà Tiên thập vịnh thì 25 người Bắc quốc có thơ họa lại "đều không sang Hà Tiên"; số người Nam quốc chỉ có 6 người. Nói cách khác, chỉ có 1% số văn nhân thực sự từng tham gia "tao đàn Chiêu Anh các".

Thành viên Chiêu Anh các chưa từng bước chân vào Chiêu Anh các?

Quan điểm của Nguyễn Quảng Tuân rất đáng cho ta suy nghĩ. Khái niệm "tao đàn" mà Đông Hồ sử dụng hàm nghĩa một hội nhóm cùng gặp nhau và sinh hoạt thơ văn. Tiêu chí cốt yếu của tao đàn là phải có sự gặp gỡ. Nếu muốn có tư cách thành viên tao đàn Chiêu Anh các, chí ít thi nhân đó phải từng có mặt tại Hà Tiên. Chúng ta không thể gọi một người là thành viên Chiêu Anh các, nếu người đó chưa từng đặt chân vào Chiêu Anh các.

Nhìn lại 'tao đàn' Chiêu Anh các: Chiêu Anh các - tao đàn hay salon văn học?- Ảnh 1.

Gian hàng sách về văn chương Hà Tiên trong ngày kỷ niệm Tao đàn Chiêu Anh các năm 2024

Hà Tấn Tài

Bằng chứng của việc các thi nhân Bắc quốc không đặt chân sang Hà Tiên đã được chính Mạc Thiên Tứ xác nhận. Trong lời tựa Hà Tiên thập vịnh, Mạc Thiên Tứ viết:

"Mùa hạ năm Ất Mão [1735], Tiên quân qua đời, tôi kế thừa nghiệp trước. Lúc chính sự rỗi rãi, cùng văn nhân bàn sử, vịnh thơ. Mùa xuân năm Bính Thìn [1736], Trần tử Hoài Thủy ở Việt Đông đi thuyền biển tới đây. Tôi đãi như thượng khách. Mỗi lúc hoa sớm trăng đêm, ngâm vịnh không chán. Nhân đó đem Hà Tiên trấn thập cảnh ra bảo họa lại. Trần tử dựng cờ kê đàn, thủ xướng phong nhã. Đến khi quay thuyền về Châu Giang, chia đề nơi Bạch xã. May các công không chê bỏ, theo đó đề vịnh, bèn gom thành một sách, từ xa gửi đến cho xem, nhân đó giao cho khắc in".

Châu Giang là tên sông ở Quảng Đông, còn Bạch xã là tên gọi thi xã. Khoảng năm 1694 - 1695, Thích Đại Sán từ Quảng Đông lên đường sang Đàng Trong theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu. Trước khi đi, ông đã tổ chức "cáo hành" (báo cáo việc sắp lên đường) với "các vị tấn thân, Bạch xã, tri kỷ", rồi mới khai thuyền rời Châu Giang ra biển.

Cần phải nói rằng sinh hoạt hội nhóm thơ văn ở Quảng Đông vào thời điểm ấy cực kỳ phát triển. Năm 1718, ở Quảng Đông có sự kiện "Việt Đài cổ tích bát vịnh thi xã". Họ chọn ra 8 cảnh đẹp làm đề tài, bao gồm: Phù Khâu tỉnh, Lục Giả từ, Ngu Phiên uyển, Vọng Khí lâu, Trầm Hương phố, Lệ Chi loan, Tố Hinh điền, Kháng Phong hiên. Thể thơ là thơ 7 chữ. Trong vòng một tháng, khách ngâm vịnh đem tác phẩm tới nộp lên đến 3.000 quyển. Một số thi nhân xướng họa với Mạc Thiên Tứ cũng có tham gia sự kiện này. Sau khi bình duyệt, nhóm tổ chức chấm được tác phẩm của 500 người, yết bảng ở Quế Hương Văn Xương cung. Tác phẩm được chọn đem khắc thành bộ Kiệu Hoa tập gồm 2 quyển. Mạc Thiên Tứ sau khi giao lưu với Trần Trí Khải thì xuất hiện việc đề vịnh về 10 cảnh đẹp ở Hà Tiên. Rất có thể là lấy cảm hứng từ sự kiện văn học lớn ấy.

Dựa vào bài tựa của Mạc Thiên Tứ, có thể thấy rõ thoạt tiên ông cùng Trần Trí Khải làm thơ về 10 cảnh đẹp Hà Tiên. Sau khi về Quảng Đông, Trần Trí Khải đã giới thiệu chùm thơ ấy cho mọi người trong Bạch xã. Họ bèn họa lại, rồi gửi những bài thơ ấy sang Hà Tiên.

Bí ẩn về nhóm sinh hoạt thơ văn ngay tại Hà Tiên

Điều khiến chúng ta băn khoăn là những chủ đề thơ họa đều là cảnh vật ở Hà Tiên. Nếu chưa từng nhìn thấy 10 cảnh đẹp Hà Tiên, chưa từng thấy cảnh trí Thụ Đức Hiên, làm sao 63 nhà thơ ấy có thể ngâm vịnh về thứ mình chưa từng biết?

Lê Quý Đôn có chép lại 9 bài trong số 88 bài thơ tả cảnh bốn mùa ở Thụ Đức Hiên. Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt tiến hành bình giảng số thơ này, cho rằng 8/9 tác giả đã từng có mặt ở Hà Tiên. Bằng chứng là họ mô tả đúng với cảnh vật và văn hóa địa phương. Đó là chưa kể một số người đã thực sự qua đời và được chôn cất ở Hà Tiên, như trường hợp của Tạ Chương hoặc Hoàng Long hòa thượng. Mộ Tạ Chương còn ở Bình San (Hà Tiên). Bia mộ đề "Trung Nghị đại phu Nghị Chương, tự Văn Khuê, Tạ tiên sinh chi mộ".

Nếu loại trừ 25 người Bắc quốc trong danh sách thi nhân họa thơ Hà Tiên thập vịnh, ta vẫn còn lại 6 người Nam quốc (tức Việt Nam). Liệu họ có sinh sống tại Hà Tiên vào thời điểm đó chăng? Chính bản thân Mạc Thiên Tứ cũng thừa nhận trước khi gặp Trần Trí Khải thì ở Hà Tiên đã có những hoạt động giao lưu văn hóa. Mạc Thiên Tứ "lúc chính sự rỗi rãi, cùng văn nhân bàn sử, vịnh thơ". Trong bài thơ Đối tình (Thấy trời tạnh), ông cũng nói mình: "Dữ nhị tam tri kỷ, Trầm phù ngộ hóa ky" (Cùng hai ba tri kỷ, Chìm nổi hiểu cơ trời). Chúng ta chỉ không biết danh tính của các "văn nhân", "tri kỷ" nào ở Hà Tiên đã làm bạn với Mạc Thiên Tứ. Cả Tạ Chương và Hoàng Long hòa thượng đều không có thơ văn để lại. Vì vậy ta không thể xác nhận liệu giữa họ và Mạc Thiên Tứ có xướng họa thơ văn hay không. Nhưng với một số văn nhân có tác phẩm trong hai tập Hà Tiên thập vịnhThụ Đức Hiên tứ cảnh thì vấn đề có vẻ sáng tỏ hơn một chút. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.