Nhiều trẻ mầm non chậm nói, khó khăn giao tiếp

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/05/2023 07:11 GMT+7

Các trường mầm non tại TP.HCM cho biết thời gian qua có nhiều trẻ chậm nói, thiếu tập trung, khó khăn trong giao tiếp và tham gia các hoạt động ở trường.

Cô giáo khuyên phụ huynh cho con đi thăm khám, nhiều trẻ được chẩn đoán chậm phát triển, rối loạn phổ tự kỷ...

20 THÁNG TUỔI NHƯNG CHƯA BIẾT NÓI

15 giờ chiều, anh Hoàng (tên nhân vật đã được thay đổi) vội vàng thu xếp giấy tờ trên bàn, chạy vội đến trường mầm non đón con trai 28 tháng tuổi và đưa tới một trung tâm can thiệp giáo dục theo lịch hẹn. Mấy tháng nay, ngoài việc cho con học ở trường như các bạn, 6 ngày trong tuần, mỗi ngày 1 tiếng đồng hồ, anh cho con học 1 kèm 1 cùng giáo viên chuyên biệt.

Nhiều trẻ mầm non chậm nói, khó khăn giao tiếp - Ảnh 1.

Một trẻ mầm non được can thiệp sớm, bé học tại một trường mầm non hòa nhập ở TP.HCM

HUỲNH KIM

"Khi bé 20 tháng tuổi, bé vẫn chưa biết nói như nhiều đứa trẻ khác gần nhà. Bé thích chơi một mình, không tương tác, không ngoái nhìn khi được gọi tên, không nhìn vào mắt ba mẹ khi nói chuyện. Vợ chồng tôi lên TP.HCM làm việc, gửi cháu ở quê nhờ ông bà chăm, ông bà có cho cháu đi học ở một trường mẫu giáo ở quê nhưng cháu không hòa nhập cùng các bạn. Thấy bất thường nên chúng tôi đưa con lên bệnh viện (BV) nhi đồng ở TP.HCM khám, được chẩn đoán là rối loạn phổ tự kỷ, mức độ nhẹ", anh Hoàng kể.

Vợ chồng anh Hoàng đón con lên TP để sống cùng, đều đặn mỗi ngày đưa con đến trung tâm can thiệp giáo dục theo lời khuyên của bác sĩ. Gần đây, khi được biết một trường mầm non tại Q.3 có mô hình giáo dục hòa nhập, trẻ vừa học chương trình chung cùng các bạn, vừa có cô giáo chuyên biệt kèm con thêm 1 giờ mỗi ngày, anh Hoàng đăng ký cho con. Về nhà, vợ chồng anh dành nhiều thời gian hơn để chơi cùng con theo các bài tập cô giáo hướng dẫn.

"Các cô giáo chuyên biệt có quay lại những video khi chơi cùng con, dạy con các hoạt động để phụ huynh cùng xem và về nhà cùng chơi với con. Điều quan trọng nhất tôi nhận ra là cha mẹ hãy chấp nhận con mình, kiên trì, nhẫn nại, yêu thương con thật nhiều để đồng hành cùng con", người cha cho biết.

TĂNG SỐ TRẺ EM ĐƯỢC CAN THIỆP SỚM

Thạc sĩ Nguyễn Thị Cẩm Đan, chủ hệ thống Trường mầm non Tây Thạnh (Q.Tân Phú và Q.Bình Tân, TP.HCM), cho biết trước dịch Covid-19, cả hệ thống có 3 - 5 bé được can thiệp giáo dục. Sau giãn cách xã hội, trường học hoạt động trở lại tới nay thì số trẻ này là 21 bé.

Theo dõi những mốc phát triển của trẻ

Thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện, chuyên gia tâm lý, BV Nhi đồng Thành phố, khuyên cha mẹ nên theo dõi những mốc phát triển theo độ tuổi của trẻ như khả năng ngôn ngữ, khả năng tương tác xã hội, khả năng vận động, nhận thức, tự lập... của trẻ. Ví dụ như trẻ không tương tác, không nhìn mắt, không biết nói từ đầu tiên lúc 18 tháng, hoặc 3 tuổi nhưng đi chưa vững, có những bất thường trong hành vi cần đưa trẻ đi thăm khám ngay.

Đồng thời, khi thấy trẻ có một hoặc nhiều dấu hiệu trong 4 nhóm sau, cũng cần giúp con được tới các BV có chuyên khoa sức khỏe tâm trí như BV Nhi đồng Thành phố, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Thủ Đức, BV Vinmec, BV ĐH Y Dược, Phòng tham vấn và trị liệu tâm lý của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ĐH Hoa Sen:

- Trẻ luôn có suy nghĩ bất thường, tiêu cực như con là một người thất bại, con không có giá trị, con không xứng đáng được yêu thương.

- Trẻ có cảm xúc mạnh mẽ, thái quá, không phù hợp với sự kiện trong cuộc sống như vì một chuyện gì mà buồn kéo dài hoặc tức giận, phản ứng quá mức gây ảnh hưởng đến học tập, cuộc sống.

- Trẻ có hành vi bất thường như sợ đến trường, đi học về ngồi khóc một mình, ít tương tác với mọi người, có hành động tự hại bản thân, dùng chất kích thích, lệ thuộc internet, game.

- Trẻ có triệu chứng cơ thể đau bụng, đau đầu, khó thở, mệt mỏi... dù đi khám các chuyên khoa không phát hiện bệnh gì.

Cô Phan Thị An, Hiệu trưởng Trường mầm non 6, đường Võ Thị Sáu (Q.3, TP.HCM), cho biết năm 2020 có 12 - 15 bé can thiệp giáo dục tại trường. Hiện tại con số này đang là 32 bé.

Chủ một trường mầm non tư thục tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) cũng cho PV Thanh Niên biết, từ năm 2022 khi trường học mở cửa trở lại sau đại dịch, có thêm nhiều trẻ được nhà trường tư vấn với phụ huynh nên cho con đi kiểm tra sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần vì thấy trẻ có những bất thường như chậm nói, không tập trung, gặp khó khăn trong học tập, có những bất thường trong hành vi.

Thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện, chuyên gia tâm lý BV Nhi đồng Thành phố (H.Bình Chánh, TP.HCM), cũng cho biết bằng quan sát trực quan của anh, sau đợt dịch vừa qua, số phụ huynh đưa con đến khám, can thiệp tâm lý có gia tăng hơn. Có thể chia ra thành 2 nhóm đối tượng chính. Thứ nhất, trẻ gặp các vấn đề về rối loạn phát triển (rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý - ADHD, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn hành vi, phát triển trí tuệ).

Nhiều trẻ mầm non chậm nói, khó khăn giao tiếp - Ảnh 3.

Một trẻ nói ngọng được hỗ trợ cùng 1 cô giáo

MINH PHỤNG

Nhóm thứ 2 là trẻ em gặp rối loạn tâm lý, căng thẳng, stress, lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế... thường gặp nhiều ở trẻ đến tuổi đi học tiểu học, vào tuổi dậy thì.

"Trước đây, nhiều người cho rằng nguyên nhân gây ra rối loạn phát triển ở trẻ em (trong đó có tự kỷ) là do chích vắc xin, rồi do cha mẹ nuôi con không tốt. Điều này hoàn toàn sai lầm, khoa học đã bác bỏ điều này", thạc sĩ Thiện nói.

"Đại dịch Covid-19 cùng những mất mát ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần tới không chỉ riêng ai. Nhưng chưa đủ các bằng chứng khoa học để khẳng định vì dịch Covid-19 khiến nhiều trẻ phải can thiệp giáo dục hơn. Có thể trong thời gian giãn cách, phụ huynh không thể đưa con đi thăm khám, bây giờ mới có thể đưa con đến BV kiểm tra. Đồng thời, nhận thức của phụ huynh cũng ngày càng cao hơn, nên chủ động đưa con đi kiểm tra, đánh giá sức khỏe toàn diện và cho con được can thiệp khi có những rối loạn nhiều hơn", thạc sĩ Thiện nói.

SỚM CHO CON ĐẾN BỆNH VIỆN KIỂM TRA

Thầy Hoàng Hà, quản lý Trung tâm tư vấn và hỗ trợ hòa nhập Hanamiki, cho biết thời gian qua số phụ huynh trong các trường mầm non nhận ra con em mình có nhu cầu đặc biệt, chủ động tìm đến chương trình can thiệp tăng lên. Các bé được đưa đến trung tâm có biểu hiện phổ biến là khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp, không nói được, nói không rõ, không nói chuyện được với bạn, không tham gia học tập được với cô và các bạn...

Nhóm thứ 2 là trẻ có hành vi bất thường, như là ăn vạ, tự làm đau bản thân, làm đau người xung quanh, lăng xăng chạy đi chạy về không yên, không ngồi yên, lang thang một mình, hay cắn bạn...

"Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ có các biểu hiện này, phụ huynh không nên tự đoán mà cần đưa bé đi các chuyên khoa của BV để kiểm tra và có kết luận chính xác. Có thể bé rối loạn phổ tự kỷ (tự kỷ), hoặc chậm nói đơn thuần, hoặc bị khiếm thính (điếc), dây thanh quản có vấn đề hoặc rối loạn ngôn ngữ, hoặc rối loạn phát triển trí tuệ, hoặc có vấn đề về tâm lý, hoặc bé không có nhu cầu giao tiếp...", thầy Hà nói.

Thầy Hà cho biết khi trẻ và phụ huynh có nhu cầu đặc biệt, trung tâm sẽ quan sát, sàng lọc, lấy thông tin, trao đổi cùng phụ huynh, khuyên phụ huynh đưa con đi khám chuyên khoa ở các BV lớn.

Từ các kết luận này, nếu trẻ thật sự cần can thiệp giáo dục, các thầy cô ở trung tâm can thiệp giáo dục sẽ căn cứ trên nhiều phương diện để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho từng trẻ. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.