Nhiều nông sản Việt bị thao túng giá

13/05/2023 04:49 GMT+7

Nông sản VN vẫn đang bị thao túng giá ngay trên sân nhà, lý do chính là xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch, mua bán mậu biên… gây thiệt đơn thiệt kép.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của VN. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn nhiều bấp bênh.

Nhiều nông sản Việt bị thao túng giá - Ảnh 1.

Để nâng cao chất lượng nông sản Việt cần tăng cường xuất khẩu chính ngạch

CHÍ NHÂN

Giá cua, sầu riêng… do đầu nậu quyết

Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, phản ánh đặc sản của địa phương là cua Cà Mau hiện chủ yếu xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc và vì tiểu ngạch nên con cua luôn gặp nhiều rủi ro. Đó là bị thương lái thao túng giá cả, ép giá hoặc kéo giá lên cao để gom hàng rồi "hủy kèo". Tình trạng mua bán tiểu ngạch khiến ngành thủy sản địa phương khó tổ chức sản xuất theo hướng bền vững.

Nhiều nông sản Việt bị thao túng giá - Ảnh 1.

Nông sản Việt ngon đến mấy vẫn “lẹt đẹt” xuất khẩu tiểu ngạch

CHÍ NHÂN

"Sản phẩm cua của Cà Mau đang bị thao túng. Cua gạch ở bên đây khi bán sang đó người ta chỉ làm thêm bao bì, nhãn hiệu rồi bán cao gấp 5 - 7 lần. Đặc biệt, giá cua ở Cà Mau cao hay thấp, bán được nhiều hay ít là do đầu nậu ở biên giới quyết định. Đó là thông tin từ doanh nghiệp khi tìm hiểu về thị trường xuất khẩu", ông Sử bức xúc.

Muốn đưa con cua Cà Mau vào thị trường lớn Trung Quốc bằng đường chính ngạch, lãnh đạo tỉnh này cho biết sẽ xây dựng đề án tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu chính ngạch sản phẩm cua sang thị trường Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, địa phương cần sự hỗ trợ rất lớn từ các bộ ngành liên quan. "Tỉnh kiến nghị các bộ ban ngành vào cuộc hỗ trợ, đặc biệt là việc đàm phán xuất khẩu sản phẩm cua chính ngạch sang Trung Quốc", một lãnh đạo tỉnh chia sẻ.

Thực tế, chuyện nông sản Việt bị thương lái Trung Quốc thao túng giá đã là chuyện "thường ngày ở huyện" và gần như nông sản nào của VN có bán sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch cũng đã từng bị vướng nạn này. Tình trạng ép giá khi vào mùa vụ, nếu nhà nông không bán chỉ đổ đồng cho bò ăn; thổi giá khi trái vụ để nhà nông đua nhau nuôi, trồng…, đến khi thu hoạch, chở lên vùng biên bị "hủy kèo" không mua như đã từng xảy ra với chuối, khoai lang tím, thanh long...

Ngoài cua Cà Mau còn có tôm hùm ở miền Trung hay sầu riêng ở miền Tây đều đang rơi vào tình trạng bị làm giá bởi thương lái nước ngoài. Cuối năm 2022, giá sầu riêng đang ở mức 60.000 - 70.000 đồng/kg đã vọt lên 90.000 - 100.000 đồng/kg.

Qua tìm hiểu, các chủ vườn cho hay giá cao bất thường do thương lái vào vườn trả cao, gây đột biến giá. Các nhà vườn gọi họ là những "con ma làm giá". Cụ thể, các thương lái từ nước ngoài vào, tìm đến các chủ vườn, gom hàng với mức giá cao, chỉ thỏa thuận miệng, không có giao kèo hợp đồng gì cả. Đặt ít cọc rồi đề nghị chở hàng lên biên giới sau thu hoạch. Thế nhưng, đến nơi thì rất nhiều lô hàng bị hủy và thông báo "tạm thời ngưng giao dịch".

Ông Nguyễn Tiến Đạt, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tại Tiền Giang, cho hay sau tết, giá sầu riêng vẫn tiếp tục tăng lên đến gần 200.000 đồng/kg. Một mức giá khó tin nhưng đã xảy ra trước khi trở lại mức 50.000 - 60.000 đồng/kg. Ông nói: "Dĩ nhiên câu chuyện sầu riêng vừa qua có tính chất mùa vụ chi phối nhưng rõ ràng cũng có nhiều yếu tố lạ từ phía khách hàng. Họ đã thổi giá lên cao một cách bất thường khiến diện tích sầu riêng tăng mạnh đáng báo động. Câu chuyện sầu riêng hiện nay rất giống với trái thanh long trước kia, cứ ồ ạt tăng giá. Rồi ngưng mua một thời gian, sau đó lại đẩy giá lên 30.000 - 40.000 đồng/kg. Làm nghề này đã lâu, tôi thấy quả chuối, dưa hấu, khoai lang… qua đường tiểu ngạch đều gặp phải tình trạng này và trong nước đã nhiều lần phải giải cứu".

Chuyển sang xuất khẩu chính ngạch quá chậm

Theo quy định của Trung Quốc, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này theo hình thức trao đổi cư dân biên giới sẽ được hưởng một số ưu đãi nhất định. Ví dụ như được miễn kiểm dịch, không cần hợp đồng, không cần thanh toán qua ngân hàng và được miễn thuế nếu giá trị hàng hóa trao đổi không vượt quá 8.000 nhân dân tệ mỗi người trong 1 ngày. Nhờ hình thức này, nhiều nông sản của VN mặc dù chưa được phép nhập khẩu chính thức vào Trung Quốc như nhiều loại trái cây, thịt heo… nhưng vẫn có thể bán vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, đây cũng là mô hình mang lại nhiều rủi ro. Câu chuyện giảm dần phụ thuộc xuất khẩu tiểu ngạch, chuyển sang chính ngạch đã được đề cập đến từ lâu, nhưng hầu như đang "dậm chân tại chỗ". Năm nào cũng xảy ra tình trạng bán đổ bán tháo nhiều nông sản khi vào chính vụ không có người mua. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc chọn chính sách chống dịch khá khắt khe, khiến nông thủy sản Việt vượt rào để vào được thị trường Trung Quốc tại thời điểm đó cực kỳ khó khăn. 

Trong 2 năm đầu dịch bùng phát, từ 2020 - 2021, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đã nhiều lần thảo luận về việc nâng chất lượng nông sản, kêu gọi và hỗ trợ doanh nghiệp chủ động chuyển mạnh từ xuất khẩu theo hình thức "đi chợ vùng biên bán hàng" sang xuất khẩu chính ngạch. Đến tháng 9.2021, Chính phủ ban hành Chỉ thị 26 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19. Trong đó Chính phủ yêu cầu Bộ NNN-PTNT và Bộ Công thương thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc.

Nhưng đến nay, thói quen mua bán tiểu ngạch vẫn chưa giảm. Thậm chí, ngay cả những mặt hàng tuy được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như quả vải, sắn, thanh long, xoài, mít… nhiều doanh nghiệp vẫn "chủ động" chuyển sang hình thức tiểu ngạch để dễ xuất đi Trung Quốc. Hay những sản phẩm mới được công nhận xuất chính ngạch gần đây như khoai lang, sầu riêng, chanh dây… người dân vẫn giữ thói quen xuất tiểu ngạch.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, cho biết từ giữa năm 2019, Trung Quốc đã chính thức yều cầu hàng nông sản đưa vào nước họ phải bằng đường chính ngạch. Thế nhưng, tốc độ chuyển đổi sang chính ngạch của nông sản Việt rất chậm chỉ vì thói quen. "Trong 9 mặt hàng trái cây được phép xuất chính ngạch, có đến 8 loại nếu đi bằng đường bộ, vẫn duy trì bán qua đường tiểu ngạch, trao đổi với cư dân biên giới. Hình thức tiểu ngạch này thực tế chỉ làm lợi cho thương nhân phía Trung Quốc, né được 10 - 15% thuế giá trị gia tăng, nên họ muốn phía VN bán hàng theo hình thức này và mua số lượng lớn. Phía VN thì thấy hình thức tiểu ngạch quá dễ, không yêu cầu về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… nên cứ gom hàng, đủ thì chất lên xe lạnh chở ra vùng biên, thuận mua vừa bán. Muốn nông sản Việt lên "tầm cao mới", phải thay đổi tư duy từ nhà nông, doanh nghiệp… và phải làm quyết liệt", ông Nguyên nói thẳng.

Người dân trong nước khó mua được hàng loại 1

Gom hàng xuất, đẩy giá lên cao, nên nhiều thời điểm, người dân trong nước không có trái ngon để ăn. Giá sầu riêng chuẩn xuất khẩu (từ 2,5 kg đến dưới 5 kg) ngay tại miền Tây hiện bình quân từ 150.000 - 180.000 đồng/kg. Ngoài tiêu chí về trọng lượng, quả phải tròn đều đủ múi và không bị sẹo hay dị tật… Đây là sầu riêng nghịch vụ chỉ có ở vùng ĐBSCL nên nguồn cung khá hạn chế, trong khi nhu cầu xuất khẩu đang cao nên thị trường nội địa "đói hàng". Thậm chí, sầu riêng trái vụ tại TP.HCM nhiều thời điểm mua giá 240.000 đồng/kg nhưng không được loại 1, cao gấp 3 - 4 lần giá ngày thường mà không được loại ngon nhất. "Sầu riêng đang bán tại thị trường TP.HCM đều là hàng ngoài chuẩn xuất khẩu, múi bị lép hoặc trọng lượng quá to hay quá nhỏ, không đủ chuẩn… Người tiêu dùng trong nước đang ăn hàng chất lượng loại 2, loại 3, nhưng giá trả cao hơn loại 1 xuất khẩu", bà Thái Thùy Trang (Q.5) nhận xét.

Nhiều nông sản Việt bị thao túng giá - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.HCM), chia sẻ: Lượng tôm cua bán sang thị trường Trung Quốc chỉ bằng 1/5 so với nhu cầu tại thị trường nội địa, nhưng người dân không phải lúc nào cũng được mua loại "ngon nhất" của thị trường. Ví dụ, cua Cà Mau đưa lên TP.HCM và các tỉnh miền Trung, miền Bắc tiêu thụ rất mạnh. Tuy nhiên, do có quá nhiều "cò lái" cho thương nhân Trung Quốc, nên hàng ngon trong nước luôn khan hiếm.

Tuy nhiên, bà Thư cũng cảnh báo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không hề thuận lợi như trước, cả về đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch đều giảm đến 50%. Nguyên nhân là giá thu mua nguyên liệu trong nước quá cao. Cụ thể như cua Cà Mau hiện nay giảm khoảng 70.000 đồng/kg nhưng vẫn dao động từ 630.000 - 650.000 đồng/kg. Trong khi đó, tôm hùm ở các tỉnh miền Trung lại đang tăng khoảng 100.000 đồng/kg lên 800.000 - 900.000 đồng/kg. Giá cao nhưng không có hàng để bán. Cụ thể như Công ty Thành Nhơn trước đây một ngày cung cấp 50 - 70 xe hàng thì nay chỉ 10 - 20 xe cũng chật vật mới gom đủ hàng. Nguyên nhân là do nguồn con giống cả tôm và cua đều khan hiếm, người dân cũng không có tiền để đầu tư nên chỉ vài tháng nữa là không có hàng để xuất.

"Để tránh tình trạng bị thao túng giá thì ngay tại địa phương chúng ta phải tổ chức lại sản xuất ngành hàng, liên kết với các đầu mối tiêu thụ ở các thành phố lớn để đảm bảo đầu ra với giá cả ổn định. Chứ như hiện nay, cứ 2 giờ đồng hồ giá cả thay đổi một lần nên doanh nghiệp muốn làm ăn bài bản cũng rất khó; nhiều hợp đồng lớn của chúng tôi với các đối tác đều bị ảnh hưởng", bà Thư cho hay.

Hơn 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu từ VN

Hơn 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ VN. Tuy nhiên, do chưa ký kết nghị định thư, giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây này chưa tương xứng với tiềm năng. Những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi luật An toàn thực phẩm, ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022. Không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu, VN cần phải hướng đến xuất khẩu bền vững, và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này. Đặc biệt, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, quan hệ hợp tác kinh tế với tỉnh Quảng Tây chiếm đến 95% kim ngạch thương mại biên giới giữa VN - Trung Quốc. Thế nên, cần tăng cường thực thi chính sách với tỉnh này nói riêng, đẩy mạnh xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

Ông Tô Ngọc Sơn (Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương)

Thương lái Trung Quốc gom hàng đã đẩy giá lên cao

Giá tôm, cua nội địa vừa qua tăng rất mạnh, một phần do nguồn cung hạn chế, mặt khác do Trung Quốc tăng mua. Cụ thể, cua gạch Cà Mau trước đây đến gần 930.000 đồng/kg nay giảm còn 890.000 đồng/kg, cua thịt từ 860.000 giảm còn 750.000 đồng/kg; tôm hùm bông từ gần 2,2 triệu đồng giảm khoảng 200.000 đồng/kg. Việc thương lái Trung Quốc thu gom đã góp phần đẩy giá hàng nội địa tăng cao, làm ảnh hưởng đáng kể đến sức tiêu dùng trong nước.

Ông Trần Văn Trường (Giám đốc Công ty TNHH thương mại quốc tế hải sản Hoàng Gia)

Để xuất chính ngạch, cần thay đổi nhận thức về sản xuất

Đến nay, hải quan Trung Quốc đã phê duyệt cho VN danh sách 128 loài thủy sản được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, với điều kiện phải có cơ sở đóng gói đạt yêu cầu được Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) thẩm định và hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các địa phương, doanh nghiệp và người dân cần thay đổi nhận thức về việc tổ chức sản xuất làm sao đáp ứng được nhu cầu thị trường, tổ chức theo chuỗi ngành hàng có đầu ra ổn định để tránh bị thương lái thao túng.

TS Ngô Xuân Nam (Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN-PTNT)

Đừng sợ bỏ tiểu ngạch ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu

Giảm tiểu ngạch phải từ quyết tâm 2 phía và cam kết bằng văn bản giữa 2 bên. Trung Quốc tăng cường giảm tiểu ngạch vì chống thất thu thuế, VN cũng siết xuất khẩu tiểu ngạch để bảo vệ ngành nông thủy sản. Trong thời gian tới, Trung Quốc yêu cầu dù hàng tiểu ngạch cũng phải có mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói… Hy vọng đến lúc đó, vấn nạn tiểu ngạch sẽ giảm dần.

Trước mắt, Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan phải làm việc chặt chẽ với các địa phương giáp biên. Đừng sợ bỏ tiểu ngạch khiến kim ngạch xuất khẩu giảm sút, đó là tiếp tay cho trốn thuế, khiến nền kinh tế nông nghiệp ỳ ạch khó nâng bậc.

Ông Đặng Phúc Nguyên (Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.