Nhật - Hàn trong nỗ lực thiết lập lại mối quan hệ

12/05/2023 03:30 GMT+7

Lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đang tìm cách xây dựng một tương lai mới cùng nhau dù không quên đi quá khứ, theo bài viết dưới đây của PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản) trên tờ The Japan Times vừa qua.

Ngày 7.5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt đầu chuyến thăm 2 ngày đến Hàn Quốc, chuyến đi đầu tiên của một nhà lãnh đạo xứ mặt trời mọc đến Hàn Quốc sau 12 năm.

Không thể phóng đại tầm quan trọng chiến lược của chuyến thăm lần này của ông Kishida. Mặc dù chuyến thăm là một cơ hội để tiếp tục xây dựng nỗ lực chính trị mà Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đưa ra trước đó để thiết lập lại mối quan hệ này và hướng tới một tương lai hợp tác và ổn định hơn, nhưng Thủ tướng Kishida và các chính trị gia Nhật cần làm nhiều hơn nữa để giải quyết phù hợp các vấn đề mâu thuẫn trong lịch sử giữa hai nước.

Nhật - Hàn trong nỗ lực 'sửa lại' mối quan hệ - Ảnh 1.

Lễ tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại phủ tổng thống Hàn Quốc tại Seoul hôm 7.5

REUTERS

Nỗ lực của Tổng thống Yoon Suk Yeol

Trước khi lên nắm quyền, ông Yoon đã nói rõ rằng ông muốn đưa mối quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản trở lại thành một mối quan hệ thực tế hơn và cùng có lợi. Nói là làm, Tổng thống Yoon đã có những tuyên bố và chính sách đúng theo lộ trình mà ông vạch ra.

Đầu tiên, ông Yoon tuyên bố rằng thỏa thuận hồi tháng 12.2015 giữa hai nước, trong đó nêu rằng vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị bắt "mua vui" cho lính Nhật thời trước và trong Thế chiến 2 đã được giải quyết hoàn toàn và không thể đảo ngược, sẽ là chính sách chính thức của chính phủ.

Kể từ khi trở thành Tổng thống Hàn Quốc, ông Yoon đã khởi xướng nhiều chính sách bao gồm Chiến lược vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng, thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia Đối thoại tứ giác an ninh (Bộ tứ) giữa Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Úc. Gần đây nhất, Tổng thống Yoon đã đưa ra một tuyên bố trong đó ông lưu ý tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, điều như dự đoán là đã làm Bắc Kinh nổi giận. Những bước đi này phù hợp với lối suy nghĩ của Nhật Bản và các quốc gia có cùng chí hướng về những thách thức dài hạn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng là chuyến thăm của Tổng thống Yoon đến Tokyo vào tháng 3, chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Hàn Quốc trong hơn một thập niên.

Trong chuyến thăm, Tổng thống Yoon đã gặp gỡ các đối tác nhằm thảo luận về tầm nhìn mới của ông đối với quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản, vốn gặp nhiều căng thẳng trong những năm gần đây, đặc biệt là về các vấn đề lịch sử liên quan giai đoạn Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên vào đầu thế kỷ 20.

Nhật - Hàn trong nỗ lực 'sửa lại' mối quan hệ - Ảnh 2.

Tổng thống Yoon Suk Yeol cùng phu nhân trong buổi ăn tối cùng vợ chồng Thủ tướng Fumio Kishida tại phủ tổng thống Hàn Quốc

REUTERS

Mối quan hệ băng giá đã lan sang các vấn đề kinh tế và an ninh, đồng thời đe dọa phá hoại sự ổn định của khu vực. Đơn cử, tháng 8.2019, Hàn Quốc bị loại khỏi danh sách trắng các đối tác thương mại đáng tin cậy của Tokyo. Dưới thời chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc đe dọa rút khỏi Thỏa thuận tình nguyện chia sẻ thông tin tình báo chung về an ninh quân sự với Nhật Bản.

Trải qua giai đoạn chính trị hóa cao độ này, mối quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc, mặc dù có tính chất bổ sung cho nhau, nhưng không phục vụ lợi ích quốc gia của cả hai nước.

Nó cũng làm cho sự hợp tác ba bên với Mỹ trở nên khó khăn. Việc chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện chung trên biển, cách tiếp cận chung để quản lý việc phổ biến tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt của CHDCND Triều Tiên và các vấn đề quan trọng khác đối với khu vực như các mối quan hệ xuyên eo biển, các tuyến liên lạc trên biển ổn định ở biển Hoa Đông và Biển Đông và hợp tác trong việc ứng xử với Trung Quốc đều bị ảnh hưởng.

Sự hồi đáp của Thủ tướng Nhật Bản

Do đó, cuộc gặp giữa Thủ tướng Kishida và Tổng thống Yoon tại Seoul có khả năng tạo nền tảng cho mối quan hệ trong tương lai giữa hai quốc gia, cho hợp tác ba bên với Mỹ cũng như cho bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đây là cơ hội để xây dựng cầu nối và tìm tiếng nói chung về các vấn đề cùng quan tâm như chương trình hạt nhân của Triều Tiên, an ninh khu vực và an ninh kinh tế.

Tuy nhiên, mâu thuẫn về việc bồi thường cho những người Hàn Quốc bị bắt ép lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ sẽ tiếp tục gây chia rẽ giữa hai nước, tương tự là vấn đề "phụ nữ mua vui". Cả hai vấn đề đã được giải quyết hợp pháp và dưới hình thức các thỏa thuận chính trị song phương trong những năm qua, nhưng trách nhiệm đạo đức vẫn cần được giải quyết đầy đủ ở Nhật Bản.

Thủ tướng Kishida và các chính trị gia khác ở Nhật Bản cần chứng minh rằng ở cấp độ lãnh đạo, có một thông điệp nhất quán về quá khứ thuộc địa. Việc ông Kishida đến thăm Nghĩa trang Quốc gia ở Seoul để đặt vòng hoa và đồng tình với tuyên bố của các chính phủ Nhật Bản trước đây đã bày tỏ lời xin lỗi về chế độ thuộc địa của Nhật Bản, là những cử chỉ quan trọng.

Ý nghĩa không kém là tuyên bố cá nhân của ông Kishida liên quan đến thời kỳ thuộc địa, rằng ông "đau đớn trước thực tế là nhiều người phải chịu đựng và cảm thấy đau buồn trong môi trường khắc nghiệt vào thời điểm đó". Nhật Bản có thể và nên làm nhiều hơn nữa nhưng cũng không nên để lịch sử chi phối tương lai.

Nhật - Hàn trong nỗ lực 'sửa lại' mối quan hệ - Ảnh 3.

Thủ tướng Fumio Kishida đặt vòng hoa và thắp hương tại Nghĩa trang Quốc gia Hàn Quốc tại Seoul

REUTERS

Chuyến thăm của Thủ tướng Kishida tới Seoul, lời mời Tổng thống Yoon tới Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5 tại Nhật và một cuộc gặp ba bên đã được lên kế hoạch giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, tất cả đều cho thấy rằng thủ tướng Nhật Bản muốn có một mối quan hệ thực dụng hơn với Seoul, vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ song phương. Bằng cách kết hợp Hàn Quốc vào một mạng lưới quan hệ đối tác đa phương quy mô nhỏ để đối phó với những thách thức sắp xảy ra đối với khu vực, ông Kishida đang tạo nền tảng để Seoul và Tokyo mở rộng các lĩnh vực ưu tiên chung và hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng.

Đối với các vấn đề thực chất như an ninh, chất bán dẫn, thương mại và ngoại giao phối hợp, tất cả đều là những nền tảng hợp tác thực dụng và khả thi. Cơ hội tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, lĩnh vực mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc đang đầu tư mạnh, cũng hiện hữu. Bằng cách làm việc cùng nhau, họ có thể chia sẻ kiến thức chuyên môn, nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ và cơ sở hạ tầng mới.

Bạn bè và đồng minh của Nhật Bản và Hàn Quốc muốn họ thành công. Trong chuyến thăm của Tổng thống Yoon đến Mỹ hồi cuối tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công khai ca ngợi nhà lãnh đạo Hàn Quốc vì lòng dũng cảm chính trị và cam kết cá nhân của ông đối với việc ngoại giao với Nhật Bản.

Canada, Úc, Đức, Ấn Độ cũng ủng hộ và ca ngợi việc nối lại quan hệ, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước Đông Bắc Á. Trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới, Canada nhấn mạnh rõ ràng tầm quan trọng của cả Nhật Bản và Hàn Quốc trong sự can dự chiến lược của họ và đang mở ra những cơ hội mới cho hợp tác an ninh, bao gồm thông qua đàm phán Thỏa thuận An ninh Thông tin Chung với Nhật Bản và với Hàn Quốc trong tương lai.

Các nhà quan sát châu Âu như Alexander Lipke và Elli-Katherina Pohlkamp của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu lập luận rằng các nước đồng minh và đối tác nên khuyến khích các sáng kiến đưa Nhật Bản và Hàn Quốc hội nhập vào các cấu trúc mà qua đó họ có thể cùng gánh vác trách nhiệm đối với khu vực. Ví dụ, họ trích dẫn việc bổ sung Hàn Quốc vào nhóm Bộ tứ và lưu ý rằng sự hợp tác lâu dài như vậy với các đối tác khác có thể giúp hạn chế sự đảo ngược chính sách mạnh mẽ sau những lần thay đổi chính phủ.

Nhật - Hàn trong nỗ lực 'sửa lại' mối quan hệ - Ảnh 4.

Thủ tướng Fumio Kishida và Tổng thống Yoon Suk Yeol bắt tay tại phủ tổng thống Hàn Quốc ngày 7.5

REUTERS

Công thức xây dựng quan hệ

Việc xây dựng lòng tin ngày càng tăng mà ông Yoon và ông Kishida đang thể hiện bằng chính sách ngoại giao con thoi của họ có thể là công thức phù hợp để xây dựng một mối quan hệ bền vững mà không quên đi quá khứ.

Chủ trương của Tổng thống Yoon trong việc thiết lập lại mối quan hệ với Nhật Bản vẫn chưa được chuyển hóa thành sự ủng hộ chính trị rộng rãi ở trong nước. Nhiều người Hàn Quốc vẫn cho rằng Nhật Bản cần phải làm nhiều hơn nữa đối với các vấn đề lịch sử. Trong khi đó tại Nhật Bản, sự mệt mỏi về việc phải xin lỗi là điều có thể cảm nhận được, khi nhiều người Nhật cho rằng việc Hàn Quốc tiếp tục thay đổi mục đích của lời xin lỗi khiến việc tìm ra giải pháp không còn khả thi.

Cả hai nhà lãnh đạo sẽ cần phải nhạy cảm với những quan điểm dân túy này ở trong nước và tìm cách xây dựng các con đường hợp tác thực tế và hữu hình để chứng minh cho người dân của họ rằng sự hợp tác hướng đến tương lai nhưng không quên quá khứ là điều có thể diễn ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.