Nhân loại đến sát thời khắc diệt vong ra sao?

Nhân loại đến sát thời khắc diệt vong ra sao?

Cẩm Tiên
Cẩm Tiên
25/01/2024 07:26 GMT+7

Các nhà khoa học nguyên tử đã đặt "Đồng hồ ngày tận thế" ở mốc 90 giây trước thảm họa diệt vong khi những căng thẳng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ.

Nhân loại còn bao nhiêu thời gian nữa?

"Đồng hồ Ngày tận thế" cho biết chúng ta còn 90 giây nữa là đến "nửa đêm" - tức là mốc thời gian tuyệt chủng của loài người.

Các nhà khoa học nguyên tử đã giữ nguyên điểm dự đoán về sự hủy diệt của thế giới như năm ngoái, là thời khắc gần nhất với thảm họa tận thế của nhân loại kể từ khi chiếc đồng hồ này xuất hiện.

Nhưng điều đó thực sự có ý nghĩa gì? Và khái niệm "Đồng hồ ngày tận thế" bắt nguồn từ đâu?

"Đồng hồ ngày tận thế" là chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng cho thấy thế giới gần đến bờ vực diệt vong thế nào. Trong đó, mốc "nửa đêm" đánh dấu điểm hủy diệt trên lý thuyết.

Hằng năm, các nhà khoa học sẽ di chuyển kim đồng hồ đến gần hoặc xa hơn mốc nửa đêm dựa trên khả năng dự đoán của họ về các mối đe dọa hiện hữu vào thời điểm đó.

Ông Paul Ingram, một chuyên gia về hiểm họa tồn vong của Đại học Cambridge, cho biết: "Chiếc đồng hồ này xuất hiện vào đầu Chiến tranh Lạnh để mang lại cảm giác cấp bách phải đạt được mục tiêu giải trừ hạt nhân và thoát ra khỏi vực thẳm mà chúng ta phải đối mặt vào đầu thập niên 1950. Và trong thời gian gần đây, có thêm các vấn đề biến đổi khí hậu và công nghệ đột phá mới nổi mang đến cảm nhận về những rủi ro, những rủi ro thảm khốc mà chúng ta phải đối mặt với tư cách là một hành tinh, chủ yếu đến từ các hoạt động có chủ đích của chính chúng ta".

Albert Einstein là một trong các nhà khoa học nguyên tử đã tạo ra chiếc đồng hồ vào năm 1947.

Ngày nay, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Chicago có tên là "Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử" sẽ cập nhật thời gian của đồng hồ hằng năm.

Theo đó, một hội đồng gồm các nhà khoa học và các chuyên gia về công nghệ hạt nhân và khoa học khí hậu, bao gồm 13 người đoạt giải Nobel, sẽ thảo luận về các sự kiện thế giới và xác định vị trí đặt kim đồng hồ mỗi năm.

Cách đây 75 năm, khi đồng hồ bắt đầu gõ những nhịp đầu tiên, nó chỉ đúng 7 phút nữa là đến mốc "nửa đêm".

Tại thời điểm Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ và Liên Xô ký Hiệp định vũ khí chiến lược nhằm giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân của cả hai nước, năm 1991 đánh dấu thời điểm kim đồng hồ cách mốc "nửa đêm" đến 17 phút, mức xa nhất từ trước đến nay.

Việc kim đồng hồ không dịch chuyển trong năm nay không có nghĩa là các mối đe dọa đã lắng dịu, mà ngược lại, nhân loại vẫn đang tiếp tục đối mặt với những nguy cơ diệt vong lớn nhất từ trước đến nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.