Nguyên tắc của Mỹ với Việt Nam không thay đổi, bất kể ai là Tổng thống

10/05/2016 12:54 GMT+7

Sáng 10.5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel đã trả lời báo giới về chuyến thăm của Tổng thống Obama, trong đó có vấn đề lợi ích và nguyên tắc quan hệ Việt - Mỹ.

Ủng hộ Việt Nam là phục vụ lợi ích trực tiếp của Mỹ
VnExpress: Quan điểm của ông về thông tin Mỹ sắp tới sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam?
Ông Daniel Russel: Hiện chưa có quyết định nào việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhưng đây là vấn đề được thường xuyên xem xét định kỳ. Năm 2014, Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm này, qua đó giúp Việt Nam có thể mua sắm các trang thiết bị quốc phòng tăng cường khả năng bảo vệ bờ biển.
Việc mua sắm các trang thiết bị như vậy thể hiện nỗ lực chính đáng của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền của mình. Quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm này của Mỹ cũng thể hiện sự tăng cường trong quan hệ quốc phòng - an ninh giữa hai nước.
Những bước đi từ năm 2014 cũng giúp Việt Nam tăng cường khả năng nắm bắt thông tin trên biển, cũng như khả năng ứng phó thảm họa thiên nhiên và cứu trợ nhân đạo. Năm 2014, phía Mỹ cũng đã tuyên bố quyết định trên sẽ được xem xét và cân nhắc, dựa trên từng bước tiến bộ của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề nhân quyền cụ thể.
Tuổi trẻ: Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Obama được cho là không có nhiều ý nghĩa lắm , vì ông Obama cũng sắp rời Nhà trắng. Theo ông, chính quyền mới sắp tới của Mỹ sẽ có những thay đổi chính sách thế nào đối với Việt Nam?
Tôi không thể nói thay Chính phủ tương lai của Mỹ, nhưng tôi có thể nói 2 điều liên quan đến chính phủ hiện tại và lợi ích quốc gia của Mỹ. Chính sách của Mỹ là ủng hộ tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị, văn hoá, giao lưu nhân dân..., ủng hộ một nước Việt Nam ngày càng ổn định, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng nhân quyền, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Lý do Mỹ ủng hộ Việt Nam như trên là vì đều đó phục vụ trực tiếp lợi ích của Mỹ. Là một công chức chuyên nghiệp, tôi trải qua nhiều quá trình thay đổi của Chính phủ Mỹ với nhiều đời Tổng thống khác nhau. Có một điểm chung, đó là dù Tổng thống nào thì chính sách đối ngoại của Mỹ cũng luôn ủng hộ việc thúc đẩy các lợi ích đảm và bảo nguyên tắc của Mỹ. Các lợi ích và nguyên tắc của Mỹ thì luôn nhất quán, vì vậy các bạn có thể mong đợi các chính sách của chính phủ mới cũng sẽ nhất quán như vậy.
Đầu tư: Xin cho biết thời gian chính xác mà Tổng thống Obama sẽ đến Việt Nam? Trong chuyến thăm này, ông Obama sẽ gặp những ai?
Chi tiết cụ thể về lịch trình chuyến thăm sẽ được Nhà trắng và phía Chính phủ Việt Nam công bố. Tôi chỉ có thể nói là chuyến thăm sẽ diễn ra vào cuối tháng này, cùng với dịp Tổng thống Obama dự Hội nghị G-7 tại Nhật Bản.
Trong một chuyến thăm, thông thường Tổng thống sẽ có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo, đại diện khối doanh nghiệp, các tầng lớp xã hội khác nhau và đặc biệt là gặp gỡ giới trẻ. Với một nước nổi tiếng có nền văn hoá đặc biệt và ẩm thực tuyệt vời như Việt Nam, tôi sẽ kêu gọi Tổng thống dành thời gian trải nghiệm những điều đó.
Mỹ không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền
VOV: Vấn đề Biển Đông sẽ được Việt Nam và Mỹ thảo luận như thế nào trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Obama? Liệu sẽ có cam kết nào không hay phải chờ chính phủ mới?
Xin nhắc lại là Ngài Obama sẽ vẫn là Tổng thống đương nhiệm của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cho đến ngày 20.1.2017. Do vậy xin các bạn đừng vội ngừng sự chú ý với chúng tôi (cười).
Vấn đề Biển Đông là mối quan tâm lớn của nhiều nước chứ không chỉ của các nước tuyên bố chủ quyền Việt Nam, Malaysia... Biển Đông có sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Vấn đề một hòn đảo thuộc về sở hữu của tôi hay bạn là chuyện giữa chúng ta, nhưng phương thức hành xử ở vùng biển quốc tế là vấn đề quan tâm của thế giới. Đã có nhiều nước bày tỏ quan tâm sâu sắc về các hành động của Trung Quốc trong việc cải tạo các thực thể, quân sự hoá các tiền đồn trên Biển Đông.
Hai ngày trước, tôi đã có mặt ở Luang Prabang (Lào) để trao đổi về Sáng kiến Hạ nguồn Sông Mekong cũng như các vấn đề liên quan tới Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Trong cuộc gặp mặt với các quan chức cấp ASEAN, gần như tất cả đều bày tỏ quan tâm về tình tình căng thẳng Biển Đông. Tất cả đều cho rằng các bên cần tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như quyền của các nước khác theo luật pháp quốc tế.
Mỹ không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền, nhưng chúng tôi đứng về phía luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật Biển quốc tế. Mỹ là nước hùng mạnh nhất trái đất, tàu thuyền và máy bay chúng tôi có thể đi lại bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép, nhưng chúng tôi sẽ không thoả mãn nếu các quốc gia khác, kể cả các nước nhỏ, không được thực hiện những quyền như Mỹ được hưởng.
Tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều là bạn bè của Mỹ. Mỹ có lợi ích mạnh mẽ trong việc đảm bảo ổn định ở khu vực. Mỹ làm việc với các bên, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, ASEAN nhằm giảm căng thẳng ở Biển Đông. Chúng tôi khuyến khích các bên thực hiện giải quyết bất đồng theo tiến trình ngoại giao, kiềm chế để đảm bảo hòa bình ổn định, thịnh vượng của khu vực.
Ngoại trưởng Kerry đã thảo luận kỹ vấn đề Biển Đông với Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong chuyến thăm Mỹ gần đây của ngài Phó thủ tướng. Bản thân tôi cũng đã thảo luận với các đối tác Việt Nam về vấn đề này. Tôi tin rằng, trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Obama, vấn đề Biển Đông sẽ được thảo luận kỹ với các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Bưu điện: Vừa qua, các tàu chiến Mỹ đã thực hiện một số chuyến đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp tại Biển Đông nhằm gửi thông điệp về quyền tự do hàng hải. Tuy nhiên sau đó dường như việc quân sự hoá của Trung Quốc lại càng được đẩy mạnh hơn. Quan điểm của Mỹ về vấn đề này như thế nào? Có phải hành động của Mỹ đã khiến các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông gặp khó khăn hơn với Trung Quốc?
Việc hải quân Mỹ thực hiện các chuyến tuần tra thể hiện quyền tự do hàng hải là theo quyền mà luật pháp quốc tế quy định. Đó không chỉ là quyền dành cho Mỹ mà cũng dành cho các nước khác như Việt Nam, hay Trung Quốc. Đó là chính sách mà Mỹ đã thực hiện từ hàng thập kỷ qua, việc đó nhằm thể hiện sự ủng hộ với một hệ thống quốc tế cởi mở.
Nếu hải quân của một nước hùng mạnh nhất thế giới mà không thực hiện được các hoạt động phù hợp luật pháp quốc tế thì làm sao hải quân và tàu thuyền của các nước nhỏ hơn có thể thực hiện được điều tương tự? Nếu một tàu hải quân không thực hiện được quyền chính đáng của mình theo luật pháp quốc tế thì các tàu cá, tàu chở hàng liệu có thể thực hiện quyền đó mà không bị các nước lớn khác ngăn cản?
Mỹ không có tuyên bố chủ quyền nào ở Biển Đông và không có mong muốn có đảo nào hay vùng biển nào ở Biển Đông. Chúng tôi không muốn chiếm đoạt bất cứ cái gì và không muốn chiếm đoạt từ ai. Chúng tôi có gắng làm 2 việc: Thứ nhất là giữ vùng biển này được mở tự do cho tất cả mọi người. Thứ hai là đảm bảo quyền theo quy định của luật pháp quốc tế không bị xói mòn.
Các chuyến tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải mà anh đề cập không phải hành động khiêu khích, mà nhằm thể hiện quyền của công dân quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.